Sinh sống ở vùng đất có điều kiện địa hình phức tạp, mùa mưa đến gần, nhiều người dân ở các bản làng miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam lại thấp thỏm nỗi lo hiểm họa núi đè. Phòng chống sạt lở núi, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân là một câu chuyện dài, cần giải pháp căn cơ…
Chính quyền và người dân cần chủ động ứng phó với hiểm họa sạt lở núi
Thấp thỏm nỗi lo núi lở
Đã nhiều năm trôi qua, kể từ ngày những vết lở của núi bất ngờ đổ ập xuống bản làng, cuốn trôi đi nhiều thứ, trong ký ức của nhiều người dân may mắn sống sót ở các bản làng thuộc xã Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) mỗi khi nhắc đến vẫn hằn sâu nỗi ám ảnh. Nhắc về họa núi lở năm 2017, đôi mắt anh Hồ Văn Ngọ (thôn Khe Chữ, Trà Vân) đượm buồn. Núi rừng lại hồi sinh sau lũ nhưng vết thương trong lòng người dân vẫn còn đó. Sự mất mát chẳng dễ gì khỏa lấp được. Năm đó, anh cõng đứa con bị hàng khối đất đá cướp đi mạng sống trên lưng mình. Gánh nặng tưởng chừng hơn bị núi đè.
Núi lở cũng gây vết xước hằn sâu trong lòng người dân Trà Leng. Sau 3 năm kể từ ngày ba mẹ qua đời vì núi lấp nhà cửa, Hồ Văn Trí đã tốt nghiệp ĐH Huế, trở về công tác ở xã. Trí nói: “Em có nhiều con đường để đi, để chọn lựa cho sự nghiệp của mình. Nhưng ở đây em còn có 3 em nhỏ, ba mẹ mất rồi, em là anh cả nên trở về để chăm lo, làm điểm tựa cho các em”. Vững vàng làm trụ cột gia đình nhưng chàng trai 25 tuổi ấy vẫn không khỏi rùng mình khi nói đến mùa mưa trước mắt, dù bản làng đã được tái định cư trên khu đất rộng, bằng phẳng và khá an toàn.
Hơn 5 năm trở lại đây, các bản làng miền núi thuộc huyện Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam) đã xảy ra nhiều lần sạt lở vào mùa mưa lũ. Hàng chục sinh mạng người dân bị thiên tai cướp mất, để lại nhiều đứa trẻ mồ côi. Năm 2017, các địa phương ở Quảng Nam xảy ra 12 vụ sạt lở đất, làm 29 người chết và nhiều tài sản bị vùi lấp, hư hại. Năm 2020, có 5 vụ sạt lở đất ở các địa phương miền núi của huyện Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My đã làm chết 30 người, 17 người mất tích…
TS. Hoàng Ngọc Tuấn – Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cho biết, Quảng Nam có địa hình nghiêng dần từ Tây sang Đông. Mùa mưa phân bố từ tháng 8 đến tháng 12, nhưng không đều theo thời gian và không gian, có chiều hướng tăng dần từ phía biển vào sâu trong đất liền; Lượng mưa lớn nhất phân bố ở huyện Nam Trà My (từ 3.600-4.000mm/năm), các huyện từ huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang đến Phước Sơn có lượng mưa từ 3.200-3.600mm/năm… Những chỉ số địa hình, khí hậu này là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn các nguy cơ gây sạt lở đất.
Chủ động ứng phó
Thống kê số liệu báo cáo của các huyện miền núi Quảng Nam về nhu cầu sắp xếp, ổn định dân cư giai đoạn 2021-2025, có hơn 8.000 hộ, trong đó hơn 1.700 hộ vùng nguy cơ cao bị thiên tai, cần phải di dời. Thực hiện Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, trong năm 2023 UBND tỉnh tiếp tục giao cho 9 huyện miền núi hơn 140 tỷ đồng để triển khai công tác này. Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, Quảng Nam đã thực hiện sắp xếp, di dời chỗ ở đối với 398 hộ dân, đạt tỷ lệ gần 30%.
Trước mỗi mùa mưa bão, người dân miền núi Quảng Nam lại thấp thỏm nỗi lo sạt lở núi
Tại huyện Phước Sơn, từ năm 2021 đến nay, ngoài việc hỗ trợ các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, huyện đã triển khai hoàn thiện 6 khu dân cư tập trung để phục vụ việc di dời hơn 200 hộ dân ảnh hưởng đợt thiên tai và người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở đất.
Huyện Nam Trà My cũng đã thực hiện sắp xếp, di dời 2.904 hộ dân về nơi an toàn để phòng tránh thiên tai, ổn định sinh kế. Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, trước mùa mưa bão năm 2023, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai từ cấp huyện đến cấp xã đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro; lên phương án sơ tán dân khi thiên tai xảy ra. Về lâu dài, chính quyền huyện sẽ đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng hiện có, tăng cường công tác trồng rừng, phát triển sinh kế dưới tán rừng. Tiếp tục rà soát, xác định những điểm có nguy cơ sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn để đề xuất các giải pháp cụ thể và kịp thời. Ông Dũng chia sẻ, nguy cơ thiệt hại từ sạt lở núi là rất lớn. Tuy nhiên do địa hình phức tạp, công tác xác định chính xác nơi có nguy cơ sạt lở cao rất khó khăn. Việc xác định vùng nguy cơ sạt lở chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, quan sát thấy có những dấu hiệu bất thường như vết đất nứt, hoặc hộ ở sát chân núi; chưa có phương tiện máy móc hỗ trợ xác định. Vì vậy, trước mùa mưa bão, người dân và chính quyền lại canh cánh với nỗi lo.
Ứng phó với mùa mưa bão năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương chủ động tìm giải pháp, tuyên truyền đến tận từng người dân nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro do thiên tai gây ra. Rà soát các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, góp phần xây dựng bản đồ cảnh báo; triển khai xây dựng bản đồ nguy cơ đất trượt lở – lũ quét tỷ lệ lớn. Về lâu dài, công tác trồng rừng, phát triển sinh kế dưới tán rừng như trồng cây dược liệu dưới tán rừng là giải pháp được địa phương này quan tâm, đẩy mạnh. |
Theo ông Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, để phòng tránh, giảm thiểu các hệ lụy do thiên tai gây ra, đặc biệt đối với người dân miền núi, cần tăng cường nhiều hơn việc đầu tư, hỗ trợ người dân trong vấn đề nhận thức về phòng tránh trước, trong và sau thiên tai; tập huấn kiến thức cơ bản cho người dân nâng cao nhận thức về vấn đề này…
Ứng phó với mùa mưa bão năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương chủ động tìm giải pháp, tuyên truyền đến tận từng người dân nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro do thiên tai gây ra. Rà soát các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, góp phần xây dựng bản đồ cảnh báo; triển khai xây dựng bản đồ nguy cơ đất trượt lở – lũ quét tỷ lệ lớn. Về lâu dài, công tác trồng rừng, phát triển sinh kế dưới tán rừng như trồng cây dược liệu dưới tán rừng là giải pháp được địa phương này quan tâm, đẩy mạnh.
Thiên Phúc
Bình luận (0)