HS đang được giáo viên tư vấn tâm lý tại Phòng tham vấn tâm lý của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai
|
“Hàng năm, nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp… ở ngành tâm lý hơn 1.000 người. Tuy nhiên, thí sinh (TS) luôn… dửng dưng ngành học này. Thực tế này gây ra không ít khó khăn cho việc tuyển sinh cũng như đào tạo tại các trường ĐH” – ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết.
Theo ông Trần Tuấn Lộ, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Văn Hiến, ngành tâm lý không hề mới. Ngành này mang tính xã hội cao, gồm các chuyên ngành như tâm lý học và tâm lý giáo dục. Tuy nhiên, ngay từ bậc học phổ thông, HS chưa được làm quen với bộ môn tâm lý nên thấy mới lạ.
Quả thật, xã hội ngày càng phát triển, con người không tránh khỏi áp lực, căng thẳng từ cuộc sống nên vai trò của người tham vấn tâm lý vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực. Cô Phùng Thị Nguyệt Thu, Phó hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, chia sẻ: “Vai trò của người làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường vô cùng quan trọng. HS gặp nhiều áp lực học hành, thi cử, tâm lý tuổi dậy thì… tham vấn tâm lý sẽ giúp giải tỏa mọi băn khoăn, các khúc mắc để giúp các em có những suy nghĩ, quyết định đúng đắn. TVTL là cầu nối giữa HS – nhà trường – gia đình – cộng đồng xã hội”. Thực tế cho thấy, số giáo viên tham gia công tác tham vấn tâm lý tại các trường THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM phần lớn giáo viên bộ môn hoặc cán bộ Đoàn hay ở lĩnh vực khác kiêm nhiệm như tại Trường THCS Bạch Đằng (Q.3), giáo viên chịu trách nhiệm tham vấn tâm lý là cán bộ y tế học đường; Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai là giáo viên dạy vật lý của trường có tham gia học thêm chuyên ngành rồi về công tác…
Ngay như trong lĩnh vực y tế cũng rất cần cán bộ tham vấn tâm lý. Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm 2010, tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, số bệnh nhân nội trú lên đến 2.705 người. Bác sĩ Trịnh Đức Thắng – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết: “Trong số bệnh nhân này, rất nhiều bệnh nhân không chỉ mắc bệnh do di truyền, mà do áp lực, căng thẳng từ cuộc sống, họ cần được tham vấn, trị liệu từ các nhà tham vấn tâm lý. Và không chỉ có Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cần đến người tham vấn tâm lý mà bất cứ bệnh viện nào cũng cần đến vai trò của ngành này”.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế đào tạo ngành tâm lý tại một số trường ĐH thì thật đáng buồn: Trường ĐH Văn Hiến, gần 10 năm mở chuyên ngành tâm lý học nhưng trung bình mỗi năm chỉ tuyển được gần 40 SV, trong khi điểm đầu vào cho các nguyện vọng tại trường luôn nằm ở mức điểm sàn. Các trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, ĐH Đà Lạt… chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm ở mức 60-70 SV nhưng phải chờ tuyển TS ở NV2, NV3, đặc biệt ngành này được mở rộng các khối A, B, C, D1, 2, 3, 4. Ông Trần Anh Tuấn nói: “Thực trạng này là nguyên nhân gây ra “khủng hoảng thiếu lao động cho ngành trong vài năm tới”.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các trường ĐH có đào tạo ngành nghề này, bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty Hồn Việt (Q.Phú Nhuận) cho hay: “Ngay từ những buổi hướng nghiệp ở các trường phổ thông nên lồng ghép việc giới thiệu về khối ngành tâm lý nhằm giúp HS nhận biết rõ hơn về vai trò và tầm quan trọng của ngành này. Phải làm sao để xã hội công nhận và trân trọng sự đóng góp của ngành nghề này”.
Bài, ảnh: NGỌC TRINH
Bình luận (0)