Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mỗi tác phẩm đạt giải có cách khắc họa riêng về Bác

Tạp Chí Giáo Dục

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê mong thành phố ngày càng có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, về lòng tự hào là công dân thành phố mang tên Bác.


Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Phan Nguyễn Như Khuê trao giải cho tác giả đạt giải

Tối 25-10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tử tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đợt 1, giai đoạn 2015 – 2020. Tham dự chương trình có: Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Phước Lộc; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Phan Nguyễn Như Khuê…

Phát biểu tại chương trình, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, mỗi tác phẩm đạt giải có cách khắc họa riêng, là cung bậc cảm xúc, niềm kính yêu vô hạn của các tác giả đối với Bác Hồ. Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chất liệu để các tác giả là công dân thành phố mang tên Bác tạo nên những tác phẩm chân thực và sâu lắng làm rung động lòng người.

Đặc biệt, giải thưởng lần này có nhiều tác phẩm về điển hình học tập và làm theo gương Bác của cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh, các em học sinh thành phố, được thể hiện khá phong phú và đa dạng qua các loại hình nghệ thuật.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP nhấn mạnh, hòa cùng các tác phẩm tham gia giải thưởng lần này, chúng ta dâng trào niềm tự hào, sâu lắng khi nghe các ca khúc: “Ba Đình còn vang vọng tiếng Người”; “Tháng Năm nhớ Bác”, “Lời Bác giục ta đi tới”, “Bước chân thế hệ mới”... từ sự chân thành, tinh tế, đầy cảm xúc.

Lắng đọng về ký sự khắc họa những nhà văn kháng chiến – tác giả của nhiều tác phẩm văn học đi cùng năm, tháng như: Văn Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư... qua tác phẩm “Nhà văn và chữ tình gửi lại” của nhà văn Trình Quang Phú; Những câu chuyện, những gợi ý cụ thể, thiết thực để chúng ta học tập và làm theo Bác trong sách tham khảo “Học và làm theo Bác”.

Chúng ta thực sự xúc động về tác phẩm múa “Hoàng hôn” thể hiện những ký ức bi hùng trong chiến tranh; hay tác phẩm múa “Con đường trên biển” về sự hy sinh của các chiến sĩ trên con tàu không số – đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại năm xưa tại vịnh Vũng Rô.

Hay là sự sẻ chia, đùm bọc của người dân thành phố trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch qua tác phẩm múa “Xóm trọ”; tác phẩm phim tài liệu: “Vết chân tròn” của Đài Truyền hình thành phố về những mất mát, hy sinh của người dân đất thép Củ Chi anh hùng và sự nỗ lực vươn lên để có cuộc sống tươi đẹp hôm nay.


Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM chụp hình lưu niệm cùng các tác giả đạt giải

Chúng ta trân trọng tình cảm và tâm huyết của các nhà báo, tác phẩm báo chí: “Hạt Gạo nghĩa tình” của Chuyên đề Công an thành phố; tác phẩm “Chuyên đề kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh” của Báo Người Lao động, tác phẩm “Còn vang mãi lời Bác” của Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố đã phản ánh rõ nét về một thành phố năng động, phát triển, đổi mới từng ngày, vươn lên tầm cao mới.

Chúng ta tự hào về sự bất khuất, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng qua tác phẩm mỹ thuật “Ngục tù Côn Đảo”, sự bình yên của “Người dân vạn chài trên đảo Thạnh An” hay xúc động về công tác phòng chống dịch qua tác phẩm mỹ thuật “Tiêm chủng Covid–19”, tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn của ngư dân qua tác phẩm tranh thủy mặc “Bám biển”…

Và còn rất nhiều những dòng thơ, bút ký, truyện ngắn đặc sắc, những bức ảnh nghệ thuật, tranh mỹ thuật, kịch bản sân khấu, phim tài liệu hay những câu chuyện xúc động được tái hiện trong các bài báo, trong các chương trình phát thanh, truyền hình… đã dẫn dắt chúng ta ngày càng kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Ông cũng nhấn mạnh, “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”, chúng ta luôn nguyện với lòng mình sẽ sống xứng đáng với công ơn trời biển của Bác. Đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo cùng với cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân TP.HCM luôn khắc ghi và thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, đó sẽ là động lực giúp chúng ta hoàn thiện hơn nhân cách sống và tiếp tục thăng hoa trong sáng tạo văn học nghệ thuật.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP mong ngày càng có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, về lòng tự hào là công dân thành phố mang tên Bác, hòa chung với các hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn học, nghệ thuật, báo chí Việt Nam.

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, qua hơn 2 năm triển khai giải thưởng, Ban Tuyên giáo đã nhận được hàng trăm tác phẩm gửi về dự thi.

Qua xét chọn và đề xuất có 116 tác phẩm thuộc các thể loại: văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, báo chí và 33 tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí.

Ngoài giải thưởng chính với sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ, nhà báo thành phố còn có những giải thưởng dành cho khối quận, huyện và đảng ủy cấp trên cơ sở, đã khơi dậy phong trào sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí một cách sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân.

Hội đồng chung khảo đã thống nhất cao và quyết định tặng 29 giải thưởng dành cho khối quận, huyện và đảng ủy cấp trên cơ sở.

Lễ trao giải thưởng cũng vinh danh 34 tác giả có tác phẩm văn học nghệ thuật tham gia cấp Trung ương và được Ban Tuyên giáo Trung ương khen thưởng; 5 tập thể và 1 cá nhân của TP.HCM đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá được Ban Tuyên giáo Trung ương khen thưởng. 

N.Trinh

Bình luận (0)