Không ít trường đang hối hả tăng ca, tăng tiết, tăng lịch thi thử cho học sinh lớp 12 ôn thi. Trong khi đó, nhiều học sinh lại tỏ ra lúng túng trước khối lượng kiến thức quá lớn, nhiều tài liệu ôn thi khác nhau…
Học sinh lớp 12A1 Trường THPT dân lập Thái Bình (TP.HCM) làm kiểm tra ôn tập trắc nghiệm môn tiếng Anh – Ảnh: Như Hùng |
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), đã đưa ra những định hướng ôn tập để học sinh có thể đạt kết quả tốt…
* Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn ôn tập nhằm định hướng cho các trường tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12. Năm nay, Bộ GD-ĐT có ban hành hướng dẫn này không? Theo ông, cần lưu ý cho các trường, giáo viên và học sinh những gì?
– Ngày 7-12-2010, Bộ GD-ĐT đã có công văn về việc thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Sau khi công bố các môn thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 3-2011, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương, các trường việc tổ chức ôn tập cho học sinh.
Để giúp học sinh có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong việc ôn tập, trong quá trình tổ chức các trường và giáo viên cần giúp học sinh đánh giá đúng khả năng của mình, vận dụng kết hợp các phương thức ôn tập phù hợp. Bên cạnh việc tự học, tự ôn tập một cách tích cực và tự giác của học sinh, giáo viên cần kết hợp hướng dẫn học sinh ôn tập theo nhóm và ôn tập chung cả lớp.
Việc kết hợp nhiều phương thức ôn tập có tác dụng giúp học sinh tự kiểm tra, đánh giá được kết quả ôn tập của mình, đồng thời nhận được sự kiểm tra, đánh giá của các bạn trong nhóm học tập và kiểm tra, đánh giá chung của lớp. Như thế học sinh sẽ có cái nhìn toàn diện về kết quả ôn tập của mình, chứ không chỉ là sự đánh giá chủ quan, từ đó phát hiện những phần kiến thức còn thiếu hụt để kịp thời bổ sung; đồng thời học sinh cũng có thể trao đổi với nhau những cách ôn tập hay.
Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm lớp cần phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp phân nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức; tập trung ôn tập nhiều hơn cho những học sinh có học lực yếu, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi.
Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn cũng cần trao đổi, thống nhất với học sinh và phụ huynh để có thời gian biểu cho các em học tập hợp lý, hiệu quả nhất, không gây quá tải.
* Hiện nay, có nhiều loại sách hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT trên thị trường và được nhiều trường giới thiệu cho học sinh. Theo ông, học sinh nên ôn thi theo tài liệu nào để có hiệu quả tốt nhất?
– Chủ trương chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là trong quá trình dạy và học cũng như ôn tập, giáo viên và học sinh cần dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT. Đối với những học sinh học đầy đủ chương trình theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học, theo tôi, tài liệu để ôn thi tốt nghiệp THPT tốt nhất vẫn là sách giáo khoa, kết hợp sử dụng sách bài tập theo quy định của Bộ GD-ĐT và vở ghi của học sinh.
Điều quan trọng là giáo viên cần phải hướng dẫn học sinh cách thức sử dụng sách giáo khoa để học tập thế nào cho phù hợp, vừa hiểu sâu, nắm chắc vừa biết vận dụng kiến thức trong sách giáo khoa. Học sinh cũng có thể sử dụng các tài liệu tham khảo khác để ôn tập, nhưng khó có thể chỉ ra một tài liệu tham khảo cụ thể nào phù hợp với tất cả học sinh.
* Thưa ông, việc tổ chức thi thử nhiều lần có là giải pháp tốt giúp học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tới không?
– Việc tổ chức thi thử với những yêu cầu về đề và cách thức coi, chấm bài giống như một kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng có thể giúp học sinh làm quen với cách phân tích đề thi, cách làm bài thi và tâm lý thi cử. Tuy nhiên, cũng không nên tổ chức nhiều lần gây tâm lý nặng nề, tốn kém thời gian và sức lực của giáo viên và học sinh.
* Ngoài việc nắm vững kiến thức, học sinh cần chuẩn bị những kỹ năng gì cho kỳ thi sắp tới?
– Ngoài việc nắm vững kiến thức, học sinh cần chuẩn bị những kỹ năng như: biết tổng hợp kiến thức của các phần, các chương và của toàn bộ chương trình THPT, đặc biệt là chương trình lớp 12; biết tự tổ chức thảo luận theo nhóm, trao đổi, tranh luận để hiểu sâu hơn về kiến thức, tự trau dồi kiến thức một cách chủ động; có các kỹ năng phân tích để hiểu đề thi, trình bày bài thi. Học sinh cũng cần nắm quy chế thi và thực hiện đúng quy chế để tránh những điều sơ suất hoặc vi phạm trong khi thi, ảnh hưởng đến kết quả thi.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)