Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010, tôi đăng ký thi hai khối A và D. Tôi có khả năng học tốt các môn tự nhiên nên khi đăng ký thêm ngành xã hội, ba mẹ tôi có phần e ngại. Ba mẹ sợ tôi sẽ bị áp lực khi học ôn thi cả hai khối. Chính vì thế, tôi đã tự lên kế hoạch và lịch học cho mình. Ở trên lớp, tôi cố gắng tiếp thu và hiểu bài ngay trong tiết học để tránh lãng phí thời gian đi hỏi lại người khác. Tôi còn tranh thủ hỏi thêm bạn bè, thầy cô những cách giải hay, những “mẹo” dễ nhớ. Theo tôi, điều quan trọng trong lúc học bài đó chính là yếu tố tâm lý, bạn không thể học bài trong lúc đầu óc căng thẳng, bị chi phối bởi những suy nghĩ khác.
Đối với môn văn, tôi học và nhớ theo những ý chính mà thầy cô đã giảng. Từ những ý chính đó, tôi triển khai bài theo suy nghĩ của mình, lồng ghép cảm nhận trong đó. Với môn văn, các bạn không nên học thuộc, đề văn thi ĐH trong những năm gần đây thường ra theo xu hướng “mở”. Do đó, thí sinh chỉ cần hiểu bài, nắm nội dung tác giả, tác phẩm và các dẫn chứng là có thể làm bài tốt. Ở môn toán, tôi dành nhiều thời gian làm bài tập, hiểu và lường trước các dạng biến hóa của dạng bài tập đó. Riêng môn tiếng Anh, ngoài việc học thật kỹ phần ngữ pháp, tôi còn học thêm nhiều vốn từ mới, luyện khả năng đọc nhanh và nắm ý chính bài đọc để tránh trả lời lan man, không đúng ý câu hỏi. Khi làm xong bất cứ dạng bài tập của môn học nào, tôi tập cho mình thói quen dành thời gian để xem lại bài, kịp thời phát hiện những sai sót để lưu ý trong những lần sau.
Ngô Phan Bảo Trân
(SV năm I Khoa Quan hệ quốc tế,
á khoa Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM năm 2010)
á khoa Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM năm 2010)
Bình luận (0)