Ý đã cấm sản xuất và mua bán thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, một phần vì lo ngại về sức khỏe, ngay cả khi việc mua bán loại thịt này vẫn chưa được cấp phép ở Liên minh châu Âu (EU).
Luật nói trên đã được Hạ viện Ý thông qua hôm 16.11 sau khi được Thượng viện nước này bật đèn xanh trước đó. Với việc thông qua luật này, Ý trở thành quốc gia EU đầu tiên cấm loại thịt nhân tạo vốn được tạo ra từ việc nuôi cấy tế bào mô động vật trong phòng thí nghiệm, theo AFP.
Ngoài thịt phòng thí nghiệm, luật cũng cấm việc mô tả protein có nguồn gốc thực vật là thịt trên nhãn mác sản phẩm, với mức phạt từ 10.000 đến 60.000 euro cho mỗi lần vi phạm.
Ý cấm sản xuất, mua bán thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. CHỤP MÀN HÌNH BLOOMBERG
Các công ty trên toàn thế giới đang cố gắng thương mại hóa các sản phẩm thay thế thịt do vấn đề đạo đức xoay quanh chăn nuôi công nghiệp cũng như vấn đề về môi trường. Chăn nuôi là một trong những ngành góp phần tạo ra khí nhà kính trên toàn cầu.
Thịt phòng thí nghiệm hiện được phép bán ở Singapore và Mỹ, nhưng ở EU vẫn chưa cho phép, mặc dù các công ty EU đã và đang quyên tiền để nghiên cứu lĩnh vực khoa học mới mẻ này.
EU coi thịt phòng thí nghiệm là "thực phẩm mới" và do đó, bất kỳ sản phẩm mới nào cũng đều phải được EU cấp phép mới có thể bán ra thị trường.
Theo luật mới được thông qua, Ý muốn "bảo vệ di sản chăn nuôi quốc gia", công nhận giá trị văn hóa, kinh tế xã hội và môi trường của ngành này, cũng như "đảm bảo việc bảo vệ sức khỏe con người ở mức độ cao".
Ngoài ra, luật cũng hướng đến việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và quyền được biết thông tin về những gì họ ăn.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ý Francesco Lollobrigida hôm 16.11 cho rằng việc nuôi cấy thịt trong phòng thí nghiệm "làm gián đoạn mối quan hệ thiêng liêng giữa đất đai, con người và công việc mà hàng thiên niên kỷ đã đồng hành cùng chúng ta và cho phép chúng ta duy trì đất đai".
Tuy nhiên, các thành viên của phe đối lập cáo buộc chính phủ chơi trò chính trị trước cuộc bầu cử ở châu Âu vào năm tới, đồng thời cản trở sự đổi mới và tước đi sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Theo Lam Vũ/TNO
Bình luận (0)