Ở bất kỳ lĩnh vực nào, muốn đạt được hiệu quả trong công việc thì bạn cần trang bị kiến thức và những kỹ năng cần thiết. Kiến thức, kinh nghiệm và những hiểu biết giống như một tấm giấy thông hành giúp chúng ta bước đi tự tin, cho chúng ta nắm bắt được nhiều cơ hội trong cuộc sống. Ai cũng thấy tầm quan trọng của việc học, thế nhưng lại có cả trăm lý do đưa ra để… không học.
Muốn đạt được kết quả tốt trong học tập, học sinh cần có mục tiêu và tạo động lực cho bản thân để tích cực, nỗ lực học tập (ảnh minh họa). Ảnh: N.Hùng
Có khá nhiều phụ huynh hay than phiền về việc con của họ phải học quá nhiều, chỉ học theo sách vở mà chẳng biết áp dụng, mất nhiều thời gian học nhưng hiệu quả lại không như mong muốn. Có nhất thiết phải học quá nhiều hay không khi mà nguồn tri thức khổng lồ từ internet như cuốn “bách khoa toàn thư” tìm gì cũng có. Không những thế, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra một kỷ nguyên mới, có thể làm thay con người và làm tốt ở nhiều lĩnh vực. Những mô hình chatbot như ChatGPT, Microsoft’s Bing, Claude… đang tác động trực tiếp đến nhiều ngành nghề, trong đó có cả ngành giáo dục. Là những nhà quản lý giáo dục, là các nhà giáo, chúng ta có nhiều trăn trở trước những thách thức đổi mới để bắt kịp thời đại công nghệ số hiện nay.
Con đi học thì cha mẹ nào cũng kỳ vọng con học giỏi. Nhưng cha mẹ lại không xác định được con cần giỏi điều gì, giỏi môn gì, hay muốn con phải giỏi tất cả? Mỗi con người đều có sở thích, sở trường và những năng lực riêng của bản thân. Thay vì đòi hỏi học sinh giỏi toàn diện thì giáo dục hiện nay hướng tới học sinh phát triển năng lực phù hợp sở thích và định hướng nghề nghiệp của các em. Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay cho phép các em lựa chọn môn học tự chọn trong số những tổ hợp môn của nhà trường. Tuy rằng không thể đáp ứng 100% nguyện vọng của học sinh nhưng hướng mở này trao quyền chủ động và trách nhiệm cho nhà trường và người học. Nhưng thực tế lại cho thấy ở một số trường THPT, các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập được nhà trường ấn định nên có khá nhiều em gặp những khó khăn nhất định trong quá trình học tập ở trên lớp. Điều này sẽ gây ra áp lực cho nhiều em bởi vì mỗi lớp có mấy chục học sinh, không phải em nào cũng có thế mạnh học tập như nhau. Liệu chăng việc áp đặt cả trường cùng học một chuyên đề có phù hợp với tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông mới không, hay đó chỉ để giải quyết vấn đề bảo đảm số tiết dạy cho giáo viên và kinh phí đã được ngân sách khoán cho nhà trường? Do vậy, có lẽ nhà trường cũng cần hướng đến nhu cầu, mong muốn của học sinh để các tổ hợp trở nên hài hòa và phục vụ cho việc chọn ngành nghề hay việc thi (xét tuyển) ĐH của học sinh sau này.
Để đạt được kết quả tốt trong học tập, học sinh cần có mục tiêu và tạo động lực cho bản thân để tích cực, nỗ lực học tập. Vai trò của giáo viên là hướng dẫn, tổ chức các hoạt động giáo dục, khơi gợi sự hứng thú trong học tập, kích thích niềm đam mê tìm hiểu tri thức, giúp học sinh chuyển động lực bên ngoài thành động lực bên trong một cách tích cực. Điều này tùy thuộc vào thái độ tiếp nhận của người học. Ngày nay việc học không chỉ bó buộc trong khuôn khổ lớp học, không còn lệ thuộc quá nhiều vào tri thức của người thầy. Người học có thể tìm kiếm tri thức trên các nền tảng công nghệ thông tin, các kênh về giáo dục, các ứng dụng trực tuyến và ngoại tuyến… Sự bùng nổ và phát triển về công nghệ giáo dục sẽ tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống. Do đó cần phải nhìn nhận lại giá trị và ý nghĩa của việc dạy học (giáo dục nói chung) dưới góc độ mối quan hệ giữa sự phát triển của công nghệ và những thay đổi về bản chất của quá trình thực thi các chương trình giáo dục. Điều đó đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều trình độ khác nhau, với hình thức phù hợp, nội dung phong phú, thiết thực, thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, các chương trình giáo dục về kỹ năng sống, các kỹ năng sử dụng công nghệ hiện đại trong cuộc sống và công việc… Đây cũng là ý nghĩa của chương trình phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023” với chủ đề “Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số” diễn ra trong tháng 10 vừa qua.
Mỗi người đều có một quỹ thời gian và một vốn kiến thức, kinh nghiệm nhất định. Quá trình học hỏi cái mới của mỗi người cũng khác nhau. Có người học nhanh, có người học chậm. Có người vận dụng tốt, có người chỉ biết sơ sài. Do vậy học cái gì, học để làm gì, học như thế nào hoàn toàn do sự lựa chọn của bản thân sao cho thuận lợi nhất. Không phải chúng ta không học được nhưng bởi vì chúng ta chưa muốn, hoặc chưa thật sự thấy cần phải học. Khơi gợi hứng thú học tập và ý thức tự giác có lẽ là điều cần thiết, thay vì bắt ép các em học theo những gì được đưa ra rồi trả bài trong mỗi tiết học. Nhưng làm sao biết được đâu là nhu cầu của học sinh, đâu là định hướng, sở trường để phân luồng giáo dục, cũng như hệ thống giáo dục có đáp ứng đủ các nguyện vọng của học sinh hay không? Việc học phải luôn đi kèm với việc định hướng nghề nghiệp, định hướng nhu cầu của xã hội. Chúng ta thường hay đặt câu hỏi: “Học cái này để làm gì? Ra đời có giúp được gì không?”, “Chọn ngành học nào để ra trường dễ kiếm việc, để kiếm nhiều tiền”… Và thực tế đáng buồn là có rất nhiều người học ĐH xong không tìm được công việc phù hợp, rẽ nhánh để lựa chọn trái ngành trái nghề, để những kiến thức thu nhặt được trong suốt 4 năm ở giảng đường chỉ còn nằm ở tấm bằng tốt nghiệp. Một giáo sư, tiến sĩ chia sẻ: “Học nhiều để có điểm cao hơn không đồng nghĩa với thành công hơn. Chuyện học ở ĐH thời nay đã khác xưa rất nhiều, điểm cao hiện nay còn mang thêm nghĩa có thái độ làm việc nghiêm túc và có kỹ năng mềm tốt, sau này ra đời đi làm thì ngành nào cũng cần những tố chất này. Dù học được ngành mình yêu thích, thì cũng đừng nghĩ là suốt đời mình sẽ làm mỗi một ngành đó. Cuộc sống biến động không ngừng, đừng tự ràng buộc bản thân mình rồi đánh mất cơ hội tốt hơn”. Có lẽ ngoài những kiến thức chuyên môn thì sinh viên cần tự trang bị cho mình một số năng lực cần thiết như: Năng lực tự học; kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và làm việc nhóm; kỹ năng quản lý thời gian; kỹ năng ra quyết định và xử lý vấn đề và tư duy phản biện; kỹ năng ứng phó với cảm xúc, khả năng tự tin, năng động, biết thuyết phục người khác… Những kỹ năng mềm này không phải tự nhiên có được mà cũng phải học và trải qua một quá trình rèn luyện.
Việc định hướng sớm sẽ giúp các em có lộ trình học tập đúng đắn và tự tin vào lựa chọn của mình, cũng như có lợi thế cạnh tranh hơn trên bước đường sau này. Do vậy việc trang bị các kỹ năng từ đầu THPT là không sớm. Đây là thời điểm giúp học sinh làm quen với cách học, làm việc tập thể, tự rèn luyện tính tự lập, sáng tạo và chủ động trong việc học của bản thân. Tôi vẫn hay nói với học sinh: “Không ai có thể học thay các em, cuộc đời của mình thế nào cũng chẳng ai có thể sống thay được. Không một ai có thể thay đổi được người khác. Có chăng chỉ là họ truyền cảm hứng, tạo động lực để bản thân các em tự thay đổi. Các em cần bước khỏi “vùng an toàn” của bản thân để tìm hiểu, khám phá những miền đất mới với những tri thức mới, vén chân trời ước mơ của chính mình…”.
Lâm Vũ Công Chính
Bình luận (0)