Em Nguyễn Hoàng Phương Thảo, HS lớp 51 Trường tiểu học Phùng Hưng đang chia sẻ băn khoăn tại buổi đối thoại
|
Phòng GD-ĐT quận 11 vừa tổ chức một cuộc đối thoại với các em học sinh (HS) là đội viên tiêu biểu của 26 trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Theo đó, tại buổi đối thoại này, những băn khoăn, thắc mắc của các em đã được lãnh đạo phòng chia sẻ trong không khí thoải mái, thẳng thắn, dân chủ.
Phong trào cần thiết thực hơn
Việc đưa các phong trào Nhật ký làm theo lời Bác, kế hoạch nhỏ hay các buổi giao lưu đoàn đội vào nhà trường là nhằm tạo ra những sân chơi bổ ích, rèn luyện kỹ năng sống cho HS. Tuy nhiên, để các phong trào mang lại hiệu quả, không phải trường nào cũng thực hiện tốt.
Em Vương Phối Văn, HS lớp 91 Trường THCS Nguyễn Văn Phú, bày tỏ: “Thực hiện Nhật ký làm theo lời Bác, em và các bạn được tham gia vui chơi, giao lưu, tham dự các cuộc thi… Tuy nhiên em nhận thấy mọi người còn quá đề cao việc noi gương mà chưa có nhiều hành động cụ thể. Em rất mong các phong trào nên đưa ra nhiều kế hoạch hoạt động thiết thực và đạt hiệu quả hơn như giao lưu giúp đỡ các em nhỏ, người lớn tuổi cơ nhỡ, không có nơi nương tựa hoặc tuyên truyền bảo vệ môi trường bằng cách không xả rác…”. Là thành viên nhỏ tuổi nhất, em Nguyễn Hoàng Phương Thảo, HS lớp 5 Trường Tiểu học Phùng Hưng đến với buổi đối thoại trong phong thái rất tự tin, thoải mái. Phương Thảo chia sẻ: “Được giúp đỡ cho các bạn HS khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, chúng em rất hạnh phúc. Song, chúng em vẫn muốn được nhà trường tổ chức các buổi đi trao quà cho các bạn. Việc này vừa giúp chúng em trực tiếp thấy được sự khó khăn của các bạn, vừa thể hiện tính nhân ái của mỗi cá nhân. Ngoài ra, chúng em cần nhiều sân chơi hơn nữa, vì ngoài nhà văn hóa, các khu vui chơi thì chúng em không biết đi đâu cả”. Ý kiến của Thảo đã nhận được tràng pháo tay của các bạn thể hiện sự đồng tình.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc thiếu sân chơi khiến cho HS phải tìm đến game online hay những trò giải trí thiếu lành mạnh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Một HS đại diện Trường Tiểu học Hòa Bình đề xuất: “Thầy cô không nên tách các buổi tập huấn đoàn đội của bậc tiểu học và THCS. Bởi vì, chính những buổi tập huấn này đã giúp các bạn có cơ hội học hỏi lẫn nhau, HS THCS chỉ bảo kinh nghiệm cho các “đàn em” tiểu học…”.
“Chúng ta là người một nhà”
Lãnh đạo ngành GD-ĐT quận 11 thật sự bất ngờ trước những gì mà các em đã chia sẻ – rất thẳng thắn nhưng thật thà và gần gũi với cuộc sống mà các em đang quan tâm hàng ngày như bạo lực học đường, tình trạng kẹt xe trước cổng trường… Ông Đặng Ngọc Quang – Trợ lý Thanh niên, Phòng GD-ĐT Q.11 cho biết, buổi giao lưu là nhằm tạo điều kiện cho các em HS phản ánh tình hình thực hiện các phong trào tại trường học; suy nghĩ của các em trước những vấn đề mang tính thời sự liên quan đến độ tuổi học trò như trò chơi trực tuyến, an toàn giao thông, trật tự trước cổng trường, chương trình học… hay những băn khoăn về học tập, sinh hoạt…
Em Thảo Liên, HS Trường THCS Lê Quý Đôn, cho rằng nguyên nhân xảy ra bạo lực học đường còn do những khúc mắc trong cuộc sống mà các bạn mắc phải nhưng không được chia sẻ, giúp đỡ kịp thời. “Hiện nay, các trường nên có phòng tham vấn tâm lý cho HS. Nếu được giải đáp, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, các bạn sẽ có những suy nghĩ cũng như hành động đúng, tránh lệch lạc trong hành vi. Điều này sẽ hạn chế được nạn bạo lực học đường”, Thảo Liên bày tỏ. Theo kết quả cuộc khảo sát “nguyên nhân bạo lực học đường hiện nay” do Trường THCS Phú Thọ thực hiện, có 63 % bố mẹ chưa quan tâm đến con cái, 46% ba mẹ bỏ nhau hoặc cãi nhau….
Ông Đặng Ngọc Quang nói: “Lãnh đạo ngành và ban giám hiệu các trường sẽ ngồi lại với nhau để thảo thuận tất cả những vấn đề mà các em đang quan tâm. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra thêm nhiều hoạt động trong nhà trường như tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu ngay trong trường hay đi thực tế nhằm đáp ứng mong muốn của các em”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Bản thân em từng nhờ đến giáo viên tham vấn tâm lý giải đáp những băn khoăn của tuổi dậy thì. Nhờ được tư vấn mà em hiểu biết về những thay đổi của tâm lý, từ đó em cảm thấy tự tin hơn”, em Thảo Liên – HS Trường THCS Lê Quý Đôn tâm sự.
|
Bình luận (0)