Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Kim Bình, phó chánh Thanh tra sở Y tế TP.HCM cho biết, trong các đợt kiểm tra vừa qua đã phát hiện hàng chục căntin trường học bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng ngoại mà chủ yếu là thực phẩm Trung Quốc không có nhãn phụ như bánh, kẹo, kẹo mút, bánh cuốn….
Có mặt tại căntin một trường học ở quận Gò Vấp vào trưa 21.4, chúng tôi thấy ngay một tấm giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cấp cho căntin này dán trên góc cột trước cửa căntin.
Trà trộn hàng không nguồn gốc
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, phần lớn bánh kẹo được bày bán ở đây chỉ là những viên, thỏi, miếng nhỏ được đặt trong những rổ nhựa, trong đó có không ít loại bánh, kẹo nước ngoài không có nhãn mác hay nhãn phụ tiếng Việt. Ở một rổ đựng toàn là những miếng bánh hơi xốp xốp, có màu vàng, ghi bằng tiếng nước ngoài, không ai biết bánh gì, thấy tôi có vẻ tần ngần, chị bán hàng đưa tay lấy trong ngăn tủ ra một bịch bánh sản xuất trong nước giơ lên: “Đây nè, bánh kẹo bán ở đây, cái nào cũng có bao bì, nhãn mác hết, yên tâm đi!” Thế mấy miếng bánh ghi tiếng nước ngoài này sao chẳng thấy bao bì, nhãn mác gì hết vậy? Chị loay hoay tìm trong mấy ngăn tủ rồi nói: “Bánh này là bánh Trung Quốc, chắc tại thấy trong bao bì hết bánh, tụi nó vứt hết rồi đó”.
Nhiều loại bánh, kẹo bán tại các căntin trường học là hàng Trung Quốc không qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Dù đã từng bị phòng Y tế quận Tân Bình, cũng như thanh tra sở Y tế TP.HCM nhắc nhở về việc bán các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn phụ tiếng Việt, nhưng đến nay tình hình vẫn không hề cải thiện ở căntin một trường THCS tại Tân Bình. Căntin này nhà trường cho một tư nhân bên ngoài đấu thầu. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề vệ sinh thực phẩm ở căntin, lãnh đạo trường từ chối trả lời. Tại căntin này, không những môi trường chế biến thức ăn nhếch nhác mà một số loại bánh kẹo với đủ màu sắc: xanh, đỏ, vàng… không bao bì, nhãn phụ cũng được bày bán. “Các loại bánh kẹo ở đây đều phải xé bao bì ra mới dễ bán; bán từng viên, từng miếng nhỏ như thế học sinh mới dễ mua. Các em ở đây rất thích bánh kẹo có nhiều màu sắc như thế đó”, chị quản lý căntin giải thích.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Lê Thái Hoà, chi cục trưởng chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, đây chỉ là cách bao biện cho việc bán hàng không có nguồn gốc, xuất xứ. Nếu nói về luật, những loại bánh kẹo nước ngoài phải có nhãn phụ tiếng Việt.
Bán chạy vì giá rẻ
Theo ông Phạm Kim Bình, sở dĩ các loại hàng hoá này bán chạy là do giá rẻ, khoảng 500, 1.000, 2.000 đồng/món, phù hợp với túi tiền ít ỏi của các em học sinh.
“Các mặt hàng này đều bị thanh tra lập biên bản tịch thu; sau đó bàn giao việc kiểm tra, giám sát lại cho phòng y tế quận huyện nơi căntin hoạt động. Việc để các căntin tái phạm là do thiếu sự kiểm tra, giám sát của phòng y tế quận huyện”, ông Bình cho biết thêm.
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hoà, chi cục trưởng chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, những sản phẩm có phẩm màu bày bán trong căntin hoặc hàng rong xung quanh trường không gây ngộ độc cấp tính, nhưng về lâu về dài có ảnh hưởng đến sức khoẻ học sinh, nhất là những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nếu chỉ tính từ bậc mầm non đến trung học, thì thành phố có hơn 1.000 căntin trường học. Hầu hết số căntin trên đều được cấp giấy chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng vẫn vi phạm. Giải thích điều này ông Hoà cho biết, khi kiểm tra để cấp giấy chứng nhận, các căntin đều thực hiện tốt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vấn đề hậu kiểm thì các ngành chức năng chưa đủ sức để bao quát hết.
Nhà trường không quan tâm
Đã có lúc ngành giáo dục và ngành y tế thành phố cấm không cho các trường mở căntin, vì để xảy ra tình trạng mất vệ sinh. Tuy nhiên, sau đó, nhận thấy nhu cầu ăn uống của học sinh là có thật, nếu cấm căntin trường học thì hàng rong ngoài cổng trường sẽ bùng phát nên ngành giáo dục chấp nhận cho căntin trường học hoạt động trở lại, kèm theo “ tối hậu thư”: từ năm học 2009 – 2010 trở đi, căntin trường nào chưa có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm thì phải đóng cửa. Đến nay, hầu hết các căntin trường học đều được cấp giấy chứng nhận nhưng trên thực tế, nhiều căntin lại bán hàng trôi nổi, không nhãn mác, xuất xứ hàng hoá, khi có ngành y tế đến kiểm tra thì lập tức phi tang.
Theo ông Hoà, việc kiểm tra, giám sát sau khi cấp giấy chứng nhận không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn phải có sự giám sát của nhà trường, phụ huynh, vì đây là những người gần gũi nhất. “Tôi nghĩ, trong luật Vệ sinh an toàn thực phẩm nên có thêm quy chế tự kiểm, trường nào không tự kiểm tra căntin trường mình thì lãnh đạo trường đó phải bị xử lý. Có như vậy mới lành mạnh hoá được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở các căntin trường học”, ông Hoà nói.
“Hiện nay, hầu như nhà trường không quan tâm đến hoạt động của những căntin trong trường. Họ chỉ biết cho đấu thầu rồi chủ muốn bán gì thì bán. Vì thế vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở các căntin trường học đang là một mối lo”. Ông Huỳnh Lê Thái Hoà, chi cục trưởng chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết.
ThS.BS Huỳnh Văn Tú (trưởng khoa dinh dưỡng an toàn vệ sinh thực phẩm, viện Vệ sinh y tế công cộng): Không nên ăn thực phẩm có màu bắt mắt
Tốt nhất là không nên ăn những sản phẩm không nhãn mác, nhập lậu có nhiều màu sắc. Chất phẩm màu brilliant blue thường dùng trong chế biến sữa, thạch, xirô, đồ uống, kẹo có nguy cơ gây dị ứng ở người. Chất erythrosine sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị, thực phẩm ăn nhẹ có khả năng gây ung thư tuyến giáp. Chất allura red sử dụng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi ở người. Đặc biệt chất tartrazine được sử dụng trong chế biến thực phẩm trẻ em thường dùng như mứt, thực phẩm ăn nhanh, mì gói, xúp, bột nước giải khát, kẹo bánh có thể gây phản ứng dị ứng quá mức.
TS Phan Thế Đồng (trưởng khoa công nghệ thực phẩm, trường đại học Nông lâm TP.HCM): Khó đào thải
Khi phẩm màu vào trong cơ thể, nó không gây bệnh ngay mà liên kết với thực phẩm khác không thể đào thải qua thận được. Trẻ em thích những loại thực phẩm, quà bắt mắt, đặc biệt nhiều loại bánh không nhãn mác, xuất xứ nguồn gốc sẽ có nguy cơ gây bệnh ung thư. Theo các kỹ sư công nghệ thực phẩm, để chứng minh một phẩm màu có gây ung thư hay không phải qua xét nghiệm và kết luận rất khó khăn. Do đó, người dân không nên mua những sản phẩm có phẩm màu hoá chất khi chưa biết rõ nguồn gốc và công bố trên nhãn mác. Trẻ em không nên ăn những loại thực phẩm không có nhãn mác, phụ nhãn tiếng Việt.
H. Nhung
|
Bài và ảnh: Hồ Quan / SGTT
Bình luận (0)