Lá thư mang ngôn ngữ nhuốm mùi “bạo lực” của cô con gái bảy tuổi tên Bầu sau khi được cha đưa lên mạng đã khiến nhiều người phải giật mình: Sao có những trẻ bị trêu ghẹo, bắt nạt nhiều lần mà không ai biết? Ngộ nhỡ con mình… cũng vậy thì sao?
Con bị trấn lột cả năm, cha mẹ không biết!
H. là học sinh lớp 8, một hôm mẹ H. cần tiền nên lấy con heo tiết kiệm cả năm ra thì thật bất ngờ: heo trống trơn. Mẹ H. tra hỏi mãi, cuối cùng H. thú nhận là đã lấy tiền để cống nạp cho một bạn gái trong lớp. Tìm hiểu, mẹ H. mới biết con gái mình đã bị trấn lột hơn… một năm nay! Thậm chí H. đã lấy cắp cả nhẫn cưới của mẹ để bán lấy tiền cống nạp. Người bạn trong lớp là một bạn gái nhỏ con, nhưng đã nói với H. rằng có anh trai đi tù, mẹ bán ma tuý, có người thân là băng xã hội đen. Thế nên H. rất sợ, phải đáp ứng yêu cầu!
Phụ huynh và nhà trường phải theo sát để trong môi trường học đường không nảy sinh bản năng mạnh được yếu thua. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Bác sĩ Th. có con gái sáu tuổi học lớp 1. Suốt mấy ngày liền, con gái anh về đến nhà là ăn, uống ngay. Thấy con gái có biểu hiện hơi khác thường, anh Th. liền tìm hiểu, hỏi han mãi và được biết là trong lớp có một bạn trai cứ mỗi sáng trấn lột con gái mình sữa và thức ăn sáng khiến cháu đói bụng, chỉ mong về tới nhà để… ăn!
N.X.K. học lớp 8, Tân Phú, suốt nhiều năm cấp hai bị một nhóm bạn trong lớp cứ giờ ra chơi là lấy cặp úp lên đầu và kêu các bạn trong lớp cứ việc đánh. Bị đánh mãi thành quen, K. cam chịu, nên không ai biết. Đến khi K. có dấu hiệu trầm cảm, chán học, cộc cằn, được đưa đến gặp chuyên gia, cả thầy cô và gia đình đều ngạc nhiên!
Q.V. nhỏ con nên thường bị bạn trong lớp xô đẩy, đánh. Nếu méc cô thì các bạn nói là giỡn. Q.V. báo ba mẹ, gia đình làm việc với nhà trường, trường kêu các em lên làm bản tường trình. Tưởng là xong, một ngày ban giám hiệu mời phụ huynh vào trường vì Q.V. đánh bạn. Lúc ấy gia đình mới biết sau khi làm tường trình, các bạn lại càng xô đẩy Q.V. nhiều hơn. Cho đến lúc em quyết định đánh lại bạn vì không chịu đựng nổi!
Theo chuyên gia tâm lý học đường Lê Thị Minh Hoa, thói bắt nạt là một trong những vấn nạn của môi trường học đường. Do trình độ văn hoá, hoàn cảnh gia đình, tính cách… khác biệt, có một số em nghĩ mình là “kẻ mạnh”, được quyền ăn hiếp, bắt nạt “kẻ yếu”, có khi chỉ là để… vui! Nạn nhân thường là những em học sinh có tính rụt rè, nhút nhát, thụ động, nên chọn thái độ cam chịu; cũng không loại trừ nguyên nhân từ người lớn: sự thiếu quan tâm của gia đình và thầy cô khiến trẻ bị cô lập trong môi trường của chính mình!
Làm gì khi con bị bắt nạt?
Theo bà Minh Hoa, đối với những trường hợp bị trấn lột, gia đình nên nhẹ nhàng, động viên để trẻ nói, không la mắng con. Sau đó sẽ phối hợp cùng nhà trường, gia đình để giải quyết. Với trẻ bị trấn lột, cha mẹ cần bổ sung cho con các kỹ năng sống như: tự tin, ứng phó với bắt nạt, cách bày tỏ với người lớn, học cách giao tiếp, giải quyết mâu thuẫn, đàm phán, thương lượng, thậm chí cho con… học võ để tự vệ, và quan trọng nhất là giúp trẻ hiểu giá trị của tình bạn, từ đó chủ động xây dựng tình bạn, hạn chế mâu thuẫn trong học đường. Với những trẻ có dấu hiệu bị bắt nạt, cha mẹ cần quan tâm đến con nhiều hơn.
Đặc biệt, phụ huynh có con nhút nhát, sống khép kín, thiếu tự tin, hoặc bị khiếm khuyết cơ thể… cần chú ý thường xuyên đến các biểu hiện của con mình, “đối với những trường hợp nạn nhân trở thành người bắt nạt, nhà trường và phụ huynh cân nhắc cách xử lý, tránh máy móc. Tốt nhất là giải quyết “cái buồn” của trẻ trước, rồi đến “cái bực” sau. Làm ngược lại sẽ khiến trẻ thu mình, bất hợp tác với người lớn”, bà Hoa lưu ý.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bắt nạt
Theo các chuyên gia tâm lý, kỹ năng sống, một đứa trẻ bị bạn bè bắt nạt trong trường khi về nhà sẽ có một số biểu hiện khác thường:
Áo quần, sách vở, đồ dùng bị rách, mất hay huỷ hoại. Có vết cắt, cào, bầm không giải thích được. Có ít bạn bè chơi đùa. Sợ đi học, sợ đi bộ đến trường và về nhà. Đi đường vòng để đến trường hay về nhà. Không còn hứng thú làm bài hay thình lình học sút hẳn. Lộ vẻ buồn rầu, vui buồn bất thường, khóc hay trầm cảm khi từ trường về. Thường xuyên than nhức đầu, đau bụng hay các triệu chứng bệnh khác không có nguyên do. Khó ngủ và thường xuyên bị ác mộng. Ăn không ngon. Lộ vẻ lo lắng và giảm tự tin. Trẻ luôn thường trực sống trong tâm trạng sợ hãi, buồn phiền, cáu gắt, khép mình, ngại giao tiếp, học hành giảm sút, không dám đi học (viện nhiều lý do để không đi học)…
|
Theo Ngô Phương Thảo
SGTT
Bình luận (0)