Dù không có quy định “học phí trễ hạn” nhưng mỗi học viên cao học thuộc một số khóa của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã phải “nộp phạt” từ 20-30 triệu đồng thì mới được lấy bằng tốt nghiệp.
Trường ĐH Văn hóa TP.HCM
Kết luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung tố cáo với một số lãnh đạo, viên chức Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã khẳng định có sự việc nói trên theo đúng nội dung tố cáo. Kết luận cũng chỉ ra, trong công tác lãnh đạo, quản lý thực hiện nhiệm vụ, đơn vị đã để xảy ra những tồn tại, thiếu sót cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm.
Cụ thể, theo nội dung tố cáo, nhà trường thu tiền phạt quá hạn thời gian đào tạo của học viên cao học, mỗi học viên phải nộp 20-30 triệu đồng mới được lấy bằng. Người thu khoản này là ông Lê Thế Bắc (viên chức Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế), hình thức thu là chuyển vào tài khoản của cá nhân ông Bắc.
Trong phần giải trình, ông Nguyễn Thế Dũng (Hiệu trưởng nhà trường) lý giải nguyên do, cho rằng học viên cao học hay nghiên cứu sinh trình độ tiến sĩ vì nhiều lý do đã học tập kéo dài thời gian; quá thời hạn, khung thời gian đào tạo theo quy định. Vấn đề này khó khăn cho trường vì không tuyển được học viên mới, người hướng dẫn khoa học cũng không nhận hướng dẫn được học viên mới làm suy giảm nguồn thu học phí. Trong khi đó, bốn năm gần đây, bộ không cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo sau ĐH cho các cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo trình độ thạc sĩ nên các cơ sở này phải thu học phí từ người học để tổ chức đào tạo.
Kết luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ ra, ông Lê Thế Bắc (viên chức Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế) đã tự ý thu tiền học phí trễ hạn của 16 học viên các lớp cao học (quản lý văn hóa khóa 6, khóa 7, khóa 8 và lớp cao học văn hóa học khóa 4) bằng hình thức thu tiền mặt, chuyển khoản vào tài khoản cá nhân ông Bắc từ cuối năm 2020 mà không báo cáo xin ý kiến lãnh đạo phòng, ban giám hiệu; đồng thời tự chi cho các hội đồng bảo vệ luận văn, không nộp qua bộ phận tài vụ của trường.
Trong khi đó, theo khoản 2, Điều 37, quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 15 của Bộ GD-ĐT, học viên phải “đóng học phí, bao gồm cả phần học phí tăng thêm do phải học bổ sung, học lại, bảo vệ luận văn lần hai hoặc thực hiện đề tài luận văn mới theo quy định hợp pháp của cơ sở đào tạo”. Như vậy, trong các khoản học phí mà học viên phải nộp không có khoản thu “học phí trễ hạn”.
Đến thời điểm xác minh, ông Bắc đã tự khắc phục, trả lại toàn bộ số tiền 272.820.000 đồng đã thu của các học viên và có bản tự kiểm điểm. Theo kết luận, trách nhiệm về tồn tại, thiếu sót trên thuộc về người đứng đầu đơn vị; ông Lâm Nhân – Chủ tịch Hội đồng trường – (thời điểm là Phó Hiệu trưởng); Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế cùng ông Lê Thế Bắc (viên chức phòng này).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu tập thể lãnh đạo trường qua các thời kỳ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đã để xảy ra những tồn tại, thiếu sót. Với cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Nguyễn Thế Dũng (Hiệu trưởng nhà trường), ông Lâm Nhân (Chủ tịch Hội đồng trường) vì đã để xảy ra những tồn tại, thiếu sót như đã nêu ở kết luận. Đồng thời, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với ông Lê Thế Bắc (viên chức Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế) vì có tồn tại, thiếu sót như đã nêu. Ngoài ra, một số bộ phận, phòng, cá nhân khác cũng bị kiểm điểm trách nhiệm lần này.
Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu nhà trường có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý tài sản công, quản lý tài chính, kế toán; đặc biệt là trong việc quản lý, theo dõi nguồn thu từ hoạt động đào tạo, tuyển sinh. Thu hồi Quy định số 80/QyĐ-ĐHVHHCM ngày 26-10-2020 về quy trình, thủ tục bảo vệ luận văn thạc sĩ do ban hành chưa có căn cứ pháp lý. Rà soát, sửa đổi quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của trường, đúng quy định của pháp luật.
Mê Tâm
Bình luận (0)