MERCURY là dự án học tập và trải nghiệm học hiệu quả trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 do một nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP. Thủ Đức) thiết kế, vừa đạt giải nhì cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm học 2023-2024 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.
Nhóm thực hiện dự án MERCURY cùng giáo viên hướng dẫn xem lại các thiết kế
Gỡ khó cho chương trình mới
Dự án MERCURY được thiết kế với 2 phần, bao gồm 2 Board Game học tập và một website hỗ trợ học tập, tích hợp giữa việc học thông qua các trò chơi và hệ thống, mở rộng kiến thức. Theo nhóm thiết kế, dự án hướng tới gỡ khó cho học sinh theo học Chương trình GDPT 2018 ở môn hóa bậc THPT, đồng thời mở ra một môi trường mới mẻ, gần gũi, sáng tạo để học sinh tự học. Thông qua các trò chơi Board Game học tập mà dự án thiết kế, việc học hóa sẽ không còn khô khan mà trở nên thú vị.
Dự án khởi động tháng 8-2022, ban đầu chỉ có 3 thành viên lớp 12CH tham gia là Nguyễn Minh Thông, Huỳnh Minh Dũng và Tạ Nguyễn Quỳnh Châu. Thời điểm đầu, nhóm tập trung tìm hiểu về Chương trình GDPT 2018 ở môn hóa, các điểm mới của chương trình so với trước đây. Minh Thông (trưởng nhóm dự án) thông tin, phải mất 1 tháng nhóm mới có thể nắm và hiểu được những điểm mới của Chương trình GDPT 2018 ở môn hóa. Cụ thể, với chương trình mới, các nguyên tố hóa học được thay thế hoàn toàn bằng phiên âm tiếng Anh. Cạnh đó, chương trình đề cao kỹ năng thực hành và áp dụng vào thực tiễn hơn là kỹ năng giải quyết bài tập. Chương trình cũng đặt ra sách giáo khoa không phải là nguồn học liệu duy nhất… Những điểm mới này chắc chắn sẽ khiến học sinh lạ lẫm, lúng túng khi tiếp cận chương trình. “Khi đã xác định được các điểm khác biệt, nhóm tiến hành xây dựng, thống nhất ý tưởng thiết kế ra sản phẩm để gỡ khó cho học sinh khi theo học chương trình mới ở môn hóa, bao gồm 2 bộ Board Game học tập và một website hỗ trợ học tập”, Minh Thông cho biết.
Vừa chơi game… vừa học hóa
Hai bộ Board Game trong dự án được thiết kế là 2 trò chơi, lấy ý tưởng từ các chương về nguyên tố hóa học trong chương trình học, học sinh vừa chơi vừa dễ dàng tiếp cận kiến thức. Cụ thể, bộ Board Game “Bí ẩn nguyên tố” được triển khai từ chương Bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học trong sách giáo khoa. Board Game này gồm 43 thẻ tương đương với 43 nguyên tố hóa học phổ biến. Mỗi thẻ được thiết kế là các hình ảnh do nhóm tự vẽ, tự lên ý tưởng về tính ứng dụng của mỗi nguyên tố trong thực tiễn. “Trong chương Bảng hệ thống tuần hoàn, quan trọng là người học phải nắm được cách xác định nhóm, chu kỳ, vị trí của các nguyên tố. Từ những yêu cầu này, “Bí ẩn nguyên tố” được thiết kế dựa trên Board Game Uno quen thuộc. Luật chơi rất đơn giản là người chơi trước đi một lá nguyên tố bất kỳ thì người chơi tiếp theo phải đi một lá nguyên tố cùng chu kỳ, cùng nhóm với lá nguyên tố trước đó”, Minh Thông phân tích. Còn bộ Board Game “Vùng đất của những vì sao” dựa trên chương Phản ứng ôxy hóa khử. Luật chơi được lấy ý tưởng từ bộ Board Game nổi tiếng “Cờ tỷ phú”, trong đó tiền tệ được thay bằng tiền Electron; đất là các nguyên tố hóa học mang giá trị số ôxy hóa cùng màu sắc đặc trưng các nguyên tố. Theo trưởng nhóm dự án, với trò chơi này, người học sẽ hiểu được vị trí nhóm, chu kỳ của các nguyên tố và số ôxy hóa cơ bản của các nguyên tố… Ngoài ra, trong quá trình chơi, người học sẽ phải vượt qua những thử thách nhỏ như cân bằng phản ứng hóa học. Minh Thông cho biết thêm, điểm tạo ra sự độc đáo, khác biệt nhất trong các bộ Board Game của dự án đó là tính câu chuyện, làm sao các câu chuyện được kể phải phù hợp với kiến thức và có tính nối tiếp nhau. Mỗi bộ mất 5-6 tháng thực hiện, từ lên ý tưởng, thiết kế cho đến ra sản phẩm. Khó khăn nhất là làm sao các ý tưởng trò chơi phải có sự kết nối kiến thức giữa các chương, mạch kiến thức trong chương trình lớp 10 để học sinh dễ dàng học, không bị hẫng nhịp khi bước vào các trò chơi… Với website hỗ trợ học tập, Huỳnh Minh Dũng cho biết, website được thiết kế từ cuối tháng 10-2022, hoàn thành vào cuối tháng 6-2023, dựa trên chương Tốc độ phản ứng và Hằng số tốc độ phản ứng. Website gồm có mục Blog – thông tin, hình ảnh, poster, truyện tranh về kiến thức thực tiễn, video trong phòng thí nghiệm; mục bài giảng – cung cấp kiến thức trên lớp, hỗ trợ học sinh ôn lại bài; mục Board Game – bổ trợ cho các Board Game đã được thiết kế…
Khởi nghiệp, hướng nghiệp từ dự án
Thuộc lứa học sinh đầu tiên học Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, Nguyễn Hoàng Minh Hiếu (học lớp 11A8) cho biết, hồi lớp 10 em gặp khá nhiều khó khăn trong ghi nhớ tên gọi mới của các nguyên tố hóa học. Hơn nữa yêu cầu về tính tự học cao hơn trong môn học và phần kiến thức nặng hơn chương trình cũ cũng khiến em “ngộp”. “Với vai trò thiết kế các ấn phẩm truyền thông trong dự án, em mong rằng các sản phẩm của dự án sẽ trở thành giải pháp hữu ích hỗ trợ mỗi học sinh tiếp cận chương trình mới được dễ dàng hơn”, Minh Hiếu bày tỏ. Tương tự, dù là học sinh lớp chuyên hóa song khi tiếp cận với chương trình mới, Nguyễn Thanh Minh Anh (học lớp 11CH) cũng gặp đôi chút khó khăn. Tham gia hỗ trợ thiết kế các sản phẩm trong bộ Board Game, Minh Anh chia sẻ, xuyên suốt dự án em học được nhiều kỹ năng mà trên lớp không có được như kỹ năng thiết kế khoa học, học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích nên cảm thấy yêu thích môn hóa hơn. Là người thiết kế các lá nguyên tố trong bộ Board Game và ấn phẩm truyền thông, Tạ Nguyễn Quỳnh Châu (học lớp 12CH) chia sẻ, điều khó nhất là các nguyên tố hóa học phải được xuất hiện với những hình ảnh vô cùng gần gũi gắn với tính ứng dụng thực tế của nguyên tố, như: Canxi được gắn liền với hình ảnh hộp sữa; chai dầu gội đầu gắn với nguyên tố Selenium; than tổ ong gắn với nguyên tố Cacbon… “Để vẽ ra những nguyên tố sinh động như vậy, em phải tự học và sử dụng nhiều phần mềm. Đến nay em có thể sử dụng thành thạo các phần mềm này. Em rất thích ngành truyền thông đa phương tiện, vì thế tham gia dự án giúp em làm quen trước với ngành học sau này mình sẽ theo đuổi”, Quỳnh Châu cho biết.
Cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương (Tổ trưởng Tổ hóa học, giáo viên hướng dẫn dự án) bày tỏ, ý tưởng sơ khai của dự án xuất phát từ một ý kiến nhỏ, nhưng khi triển khai được các em phát triển rộng khiến tôi khá bất ngờ. Tôi chỉ đóng vai trò khơi gợi và định hướng kiến thức cho các em khi thực hiện dự án. “Vai trò lớn nhất của giáo viên là làm sao giúp học sinh thấy được môn học không hàn lâm, không chỉ trên sách vở mà có thể ứng dụng thực tế. Khi tạo cho học sinh cơ hội để sáng tạo sẽ không chỉ có các ý tưởng mà còn giúp các em phát huy những tố chất đặc biệt của bản thân, qua đó giúp các em tự định hướng nghề nghiệp cho chính mình”, cô Phương chia sẻ.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)