Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Để quy tắc ứng xử đi vào đời sống học đường

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng loạt các vụ bạo hành học đường liên tiếp xảy ra thời gian gần đây. Đỉnh điểm là vụ việc một giáo viên bị nhóm học sinh dồn vào góc tường xúc phạm, hành hung, dẫn đến ngất xỉu xảy ra ở Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.


Theo tác giả, Bộ quy tắc ứng xử nên chú ý đến sự tương tác hai chiều giữa phong phú các mối quan hệ: nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Theo dõi tường tận sự việc, có thể thấy, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ cả hai phía là giáo viên và học sinh. Một lần nữa, dư luận lại đặt ra thắc mắc: Quy tắc ứng xử trong học đường ở đâu? Làm sao để Bộ quy tắc ứng xử của Bộ GD-ĐT đi vào thực tế đời sống học đường?

Mong muốn hoàn hảo và các điều khoản rất rõ ràng

Dự thảo đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2018-2025, với Bộ quy tắc ứng xử đặt ra mục tiêu chung là: Hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, góp phần xây dựng con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình, trách nhiệm, trung thực và sáng tạo. Từ mục tiêu chung, ngay từ dự thảo của Bộ quy tắc ứng xử cũng đề ra các mục tiêu cụ thể từ năm 2018- 2020 là: Thứ nhất, 100% trường học xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc thù của lĩnh vực GD-ĐT. Thứ hai, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan tới văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa gia đình, nhà trường, cộng đồng và liên tục duy trì, phát huy vào các năm sau. Thứ ba, có ít nhất 90% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên trong các nhà trường được bồi dưỡng nâng cao và có năng lực tốt, mẫu mực trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học và đạt 95% vào năm 2025. Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo đề án cũng đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó có việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học với yêu cầu phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với lứa tuổi và các cấp học.

Sau khi lấy ý kiến đóng góp của xã hội để hoàn thiện, cuối cùng Bộ GD-ĐT cũng  đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học với nội dung và các nguyên tắc xây dựng được quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT, ngày 12-4-2019. Bộ quy tắc ứng xử cho thấy những mong muốn tích cực từ Bộ GD-ĐT về một môi trường học đường trong sạch, có những quy định rất rõ ràng, cấp tiến, nhân văn. Trong đó, đối với ứng xử giữa giáo viên và học sinh (hai đối tượng tiêu biểu nhất) có những điều khoản rất rõ ràng. Với giáo viên, khi ứng xử với học sinh, theo điều 6 Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT quy định rõ: Ngôn ngữ cần có chuẩn mực, dễ hiểu, khen chê phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh; gương mẫu, bao dung, trách nhiệm, nghĩa tình; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khuyến khích học sinh; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, lạm dụng hoặc vụ lợi; không được trù dập, định kiến, bạo lực hoặc xúc phạm; không làm ngơ, né tránh, bao che cho những vi phạm của học sinh.

Với học sinh, tại điều 8 của Bộ quy tắc ứng xử, quy định về cách ứng xử của người học trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên: Quy tắc ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên: tôn trọng, nhã nhặn, trung thực, chia sẻ, tuân thủ nội quy. Không được bịa đặt thông tin; không xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay sử dụng bạo lực. Quy tắc ứng xử với các học sinh khác: Ngôn ngữ phù hợp, tử tế, trung thực, hợp tác, hữu ích và tôn trọng sự khác biệt. Không dùng từ ngữ thô tục, tục tĩu, thô tục, xúc phạm, gây bất hòa; không lôi kéo, bịa đặt; không phát tán thông tin xúc phạm, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh khác.

Cần giải pháp cụ thể để hiện thực hóa mong muốn

Bộ quy tắc ứng xử đã có sau hơn 4 năm ban hành. Nhưng bạo lực học đường không giảm, ngược lại có xu hướng tăng. Số liệu mới nhất của Bộ GD-ĐT cho thấy trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Theo đó, trung bình cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường có một trường có học sinh đánh nhau. Những số liệu này cho thấy Bộ quy tắc ứng xử của Bộ GD-ĐT đã ban hành nhưng chưa thật sự hiệu quả. Để bộ quy tắc này phát huy hiệu quả sử dụng, chúng tôi góp thêm mấy ý sau đây. Một là, quy tắc ứng xử phải dựa trên cơ sở của Luật Giáo dục. Phải kết hợp với Luật Giáo dục và phát huy vai trò của luật này để áp dụng vào thực tiễn. Vì theo quan sát của chúng tôi, hầu hết giáo viên, học sinh và phụ huynh hiện nay đều không biết có Luật Giáo dục là gì. Hai là, cần chú ý đến phạm vi không gian, các mối quan hệ của các đối tượng liên quan đến Bộ quy tắc ứng xử để đưa ra những điều khoản phù hợp. Vì vậy, không chỉ có không gian và đối tượng giao tiếp trong trường học, mà cần mở rộng ra ở phạm vi gia đình, xã hội. Theo đó, Bộ quy tắc ứng xử nên chú ý đến các tương tác hai chiều giữa phong phú các mối quan hệ nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội. Ba là, đảm bảo sự hài hòa về “tính dân chủ” – một nhu cầu tất yếu phải có – trong học đường với truyền thống “tôn sư trọng đạo” – một nguyên tắc ứng xử thành thông lệ xưa nay. Vì hiện tại hai mặt này đang bị “trật khớp” rất lớn, có vẻ như đang… chỏi nhau. Bốn là, phải có chiến lược đồng bộ, lâu dài và xây dựng từ gốc. Chẳng hạn, sinh viên đào tạo từ các trường sư phạm phải là người nắm vững và thực tế hóa các quy tắc này. Nhìn vào thực tế hiện nay, chúng tôi thấy sinh viên sư phạm chẳng khác gì nhiều với sinh viên các trường khác về ăn mặc, nói năng… Ngay cả chương trình học cũng ít chú trọng đến các kỹ năng sư phạm, trong đó có kỹ năng ứng xử. Cuối cùng, quan trọng nhất là cần có cách áp dụng bằng những giải pháp cụ thể, tránh xa rời, lý tưởng, để không rơi vào tình cảnh chỉ là những văn bản lý thuyết suông trên giấy, trên các bảng treo. Chẳng hạn, đưa quy tắc này vào những buổi học bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên. Đưa vào chương trình học chính khóa cho học sinh đầu cấp. Trực tiếp phổ biến đến tận tay phụ huynh trong các cuộc họp với nhà trường. Và dĩ nhiên là có sự cam kết thực hiện và các biện pháp kèm theo nếu vi phạm Bộ quy tắc ứng xử này.

Trần Nhân Trung

 

Bình luận (0)