Chiều 28-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy – Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.
Nhiều kênh rạch trên địa bàn TP.HCM biến thành nơi chứa rác thải gây ô nhiễm môi trường
Tại họp báo, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã thông tin về tiến độ triển khai các dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện hiện nay trên địa bàn TP.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP, trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030 ban hành tại Quyết định số 1055/QĐ-UBND của UBND TP, nhóm giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt (rác) theo định hướng tăng cường xử lý rác theo công nghệ đốt phát điện bao gồm hai giải pháp: Chuyển đổi công nghệ xử lý của các nhà máy xử lý rác hiện hữu và thực hiện đấu thầu lựa chọn dự án xử lý rác mới.
Theo đó, đối với giải pháp về chuyển đổi công nghệ xử lý rác, Sở Tài nguyên và Môi trường đã sớm làm việc với các đơn vị cung ứng dịch vụ xử lý rác để tiến hành chuyển đổi công nghệ từ năm 2018.
Để thể hiện quyết tâm thực hiện chuyển đổi công nghệ với chính quyền TP, một số công ty đã nỗ lực tìm kiếm công nghệ phù hợp và có văn bản xin phép UBND TP được tổ chức khởi công các hạng mục xây dựng tạm song song quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhằm chuẩn bị sẵn sàng, rút ngắn thời gian thi công, thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện thủ tục pháp lý dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa (2 công ty đã có quyết định chủ trương đầu tư) gặp vướng mắc liên quan đến bổ sung dự án vào các văn bản pháp lý về phát triển nguồn điện dẫn đến chưa đủ cơ sở để thực hiện các thủ tục về cấp giấy phép xây dựng nhà máy.
Để hỗ trợ 2 công ty giải quyết khó khăn, vướng mắc này, trong thời gian gần đây, UBND TP đã có các văn bản gửi Bộ Công thương và Bộ Xây dựng hỗ trợ giải quyết vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ của 2 công ty. Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa cũng đã tiến hành nộp hồ sơ thẩm định dự án chuyển đổi công nghệ tại Bộ Xây dựng song song với quy trình bổ sung dự án vào kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cũng theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP, dự án chuyển đổi công nghệ của các đơn vị cung ứng dịch vụ xử lý rác còn lại hiện đang thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Đã có một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm triển khai thủ tục pháp lý.
Đó là, khó khăn trong việc gặp gỡ, trao đổi với các đối tác để tìm công nghệ xử lý phù hợp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu và trong nước trong thời gian qua (kéo dài từ 2019 đến 2022). Hiện nay, các công ty đang đề xuất chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện áp dụng lò đốt dạng ghi chuyển động có nguồn gốc, xuất xứ từ các nước phát triển như Đức, Bỉ và Nhật Bản.
Việc đầu tư chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện theo mô hình hiện đại, đảm bảo an toàn về môi trường cần tổng vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Do đó, ngoài Công ty VWS, các đơn vị xử lý còn lại đã đề xuất chuyển đổi công nghệ và nâng công suất xử lý cao hơn so với hợp đồng cung ứng dịch vụ đã ký.
Để khuyến khích các đơn vị xử lý hiện hữu triển khai dự án chuyển đổi công nghệ đáp ứng tiến độ đặt ra của TP, giảm rủi ro mất an toàn, an ninh chất thải trên địa bàn TP, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, lộ trình, điều kiện, định mức, đơn giá, giá đặt hàng đối với các nhà đầu tư chuyển đổi công nghệ sang xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng (Nghị quyết) theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 và Nghị quyết đã được HĐND TP thông qua tại kỳ họp thứ 13 mới đây.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, UBND TP sẽ tổ chức triển khai đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn của từng đơn vị xử lý theo Nghị quyết của HĐND TP để xem xét, ra quyết định về khối lượng đặt hàng bổ sung cho từng nhà máy chuyển đổi công nghệ.
Đối với giải pháp về đấu thầu lựa chọn dự án xử lý rác mới, các dự án xử lý rác mới sau thời điểm Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực phải thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Do đó, TP.HCM đang kêu gọi đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng với công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi theo phương thức đối tác công tư.
Hiện nay, hội đồng thẩm định cấp cơ sở (do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì) đã có báo cáo thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (lần 2) trình UBND TP xem xét, trình HĐND TP ra Quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư dự án, công bố dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, TP sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
N.Trinh
Bình luận (0)