Mô hình hoạt động của 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn (TP.HCM) hiện nay đã quá lạc hậu, không theo kịp phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy đã đến lúc phải thực hiện chuyển đổi số để các chợ phát huy hết vai trò vốn có…
Chợ đầu mối Bình Điền là nơi cung cấp phần lớn thực phẩm tươi sống cho thị trường TP.HCM
Chuyển đổi số là tất yếu
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho biết, ban đầu TP hình thành 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền nhằm di dời hơn 10 chợ bán sỉ trong nội thành ra ngoài để chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông. Sau 20 năm, hiện nay mô hình hoạt động của 3 chợ này đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Cách thức vận hành chưa được thay đổi để thích nghi với xu thế phát triển. Mặt bằng kiến trúc của các chợ khá lạc hậu và những hạn chế khác đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
“Từ thực tiễn này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, chuẩn hóa quy trình vận hành và tiến đến thực hiện chuyển đổi số trong mô hình hoạt động kinh doanh hiện nay của 3 chợ để tiếp tục khẳng định vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu quản trị văn minh, hiện đại”, ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, ngoài kinh doanh, các chợ đầu mối còn gắn với logistics cũng như phát triển thêm chức năng du lịch. Do đó, phải hiện đại hóa mạng lưới chợ để phù hợp với quá trình phát triển của hàng hóa cũng như dịch vụ cung ứng và cách thức phục vụ khách hàng.
Ông Phan Thành Tân – Giám đốc Công ty chợ Bình Điền – nhấn mạnh, chuyển đổi số cho các chợ truyền thống là quá trình không thể đẩy lùi. Thói quen mua hàng online, mua hàng qua sàn thương mại điện tử đã phá vỡ kênh kinh doanh truyền thống. Hệ quả là xu hướng trả mặt bằng lan rộng khi hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu, sạp kinh doanh ở chợ phải đóng cửa. Nhiều tiểu thương tự học và dần chuyển dịch sang nền tảng số để theo kịp thời đại.
“Chợ trực tuyến rất tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian, đồng thời lại có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, sôi động hơn chợ truyền thống. Do đó ngày càng thu hút người mua. Còn ngược lại chợ truyền thống không thay đổi nên ngày càng ế ẩm…”, ông Tân nói.
Sự ra đời của 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm đã tạo ra một hệ thống phân phối vững chắc các mặt hàng nông sản, thực phẩm không chỉ cho thị trường TP.HCM mà còn cho các tỉnh, thành lân cận. Các chợ đầu mối trên địa bàn TP đóng vai trò chủ yếu trong việc thu hút, tập trung lượng hàng hóa lớn từ các nguồn sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế hoặc của ngành hàng để tiếp tục phân phối tới các chợ và các kênh lưu thông khác. Đây cũng là một trong những công cụ hiệu quả để TP.HCM điều phối cung – cầu hàng hóa, đảm bảo ổn định thị trường, thực hiện công tác bình ổn giá cả, đặc biệt là dịp lễ, Tết. Đồng thời, việc quy tụ thương lái từ các tỉnh, thành trong cả nước, tạo nguồn thực phẩm dồi dào, phong phú, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng TP mà còn tạo thuận lợi cho việc cung ứng hàng hóa đến các tỉnh, thành. |
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, nếu không chuyển đổi số thì lợi thế của chợ truyền thống sẽ mất dần. Hiện nay, 75-80% lượng nông sản, thực phẩm lưu thông qua các chợ truyền thống là từ chợ đầu mối. Nếu ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát tốt nguồn gốc từ các tỉnh, thành nhập về 3 chợ đầu mối sẽ tăng niềm tin đối với người dân về an toàn thực phẩm.
Cân bằng giữa truyền thống và hiện đại
Với kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 phát triển hệ thống chợ đầu mối tại TP.HCM thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số nền kinh tế, bà Trần Thị Hồng Liên – Trường ĐH Kinh tế Luật, ĐHQG TP.HCM – cho biết, chợ đầu mối là trung tâm phân phối hàng hóa, chịu sự tác động của hoạt động kết hợp đối tác tư nhân và các cơ quan Nhà nước, do đó phải xác định rõ mục tiêu chuyển đổi số là gì. Đầu tiên cần chuyển đổi mô hình kinh doanh, sau đó hoàn thiện và chuyển đổi số mô hình quản trị, kết nối kinh doanh và quản trị. Việc đổi mới, sáng tạo còn góp phần tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới.
Ông Nguyễn Thanh Hòa – Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TP – cho rằng, chuyển đổi số chợ đầu mối cần 4 yếu tố: thay đổi tư duy; nhân lực; nền tảng công nghệ và dữ liệu. Hiện nay quy hoạch thông tin chuyển đổi số của 3 chợ này hoàn toàn không có, trong khi đó, lợi thế của tiểu thương, doanh nghiệp chuyển đổi là rất lớn. Trung bình trên điện thoại của mỗi người dân cài đặt 22 ứng dụng bao gồm app mạng xã hội, game, xem phim/video, mua sắm, giao đồ ăn. Thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đang phát triển vì sự thuận tiện, dễ dàng, tốc độ giao hàng nhanh… Các nền tảng Lazada, Shopee đang tăng trưởng mạnh.
Chuyển đổi số chợ đầu mối vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Nếu coi là cơ hội thì phải có mạng lưới, hệ sinh thái sản phẩm, mô hình, phân khúc sản phẩm cho phù hợp mới tạo ra giá trị sản phẩm, cắt giảm các chi phí trung gian, nâng cao phương thức kinh doanh và quản lý hiện đại. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phải tính đến các vấn đề đang đặt ra trước mắt, trong đó có cân bằng giữa truyền thống và hiện đại.
Theo ông Hà Ngọc Sơn – Phó Tổng giám đốc SATRA, không nên tuyệt đối hóa chợ online. Tuy dòng tiền, phương thức giao dịch dễ dàng lên số hóa, nhưng nguồn hàng vẫn là hàng hóa vật lý, chợ đầu mối chắc chắn vẫn là trung tâm phân phối hàng hóa. Bản thân tất cả các chợ đầu mối phải có sự điều chỉnh phù hợp với môi trường, vì tương lai các chợ đầu mối có thể phát triển thành các HUB logistics (trung tâm hậu cần). Việc chuyển đổi cần có những bước đi từ từ, vững chắc…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)