Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Xác định chất lượng của việc dạy và học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số là nhiệm vụ then chốt trong việc bảo đảm chất lượng đối với các trường học ở vùng cao. Những năm qua, việc dạy học tiếng Việt theo chương trình công nghệ giáo dục đã đạt được những kết quả hết sức phấn khởi, các em học sinh đã tự tin, thành thạo hơn trong việc đọc và viết tiếng Việt.

Giờ học của học sinh Trường tiểu học Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương (Lào Cai).

Lào Cai được Trung tâm Công nghệ giáo dục (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) chọn là tỉnh trọng điểm tham gia triển khai thực hiện đề tài dạy và học tiếng Việt theo chương trình Công nghệ giáo dục. Ở đây, trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 sống ở các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, ít có điều kiện giao tiếp nên khả năng nghe, nói được bằng tiếng Việt còn hạn chế. Ðể nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai như: thành phố Lào Cai, các huyện Sa Pa, Bảo Yên và Bảo Thắng tập trung dạy học tiếng Việt theo chương trình này. Ðể nắm bắt được kiến thức do giáo viên truyền thụ, nhất là đối với những học sinh ở cấp tiểu học, học sinh dân tộc thiểu số cần phải biết nói và sử dụng tiếng Việt thành thạo bởi học sinh sẽ phải tiếp nhận một chương trình học mang tính quốc gia, được áp dụng cho mọi học sinh trên toàn quốc, không phân biệt vùng, miền.
Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Sa Pa Nguyễn Hữu Ðức  cho biết: Học sinh dân tộc thiểu số của huyện chiếm 88,5%. Năm học 2010-2011, Sa Pa có 24 trường tiểu học, 462 lớp với 6.287 học sinh. Trong đó số học sinh lớp 1 học tiếng Việt theo chương trình Công nghệ giáo dục là 68 lớp với 1.033 học sinh. Ngay từ đầu năm học, khi các em còn chưa biết đọc, biết viết thì chương trình đã cho phép đọc vẹt và học cách thay thế mỗi tiếng bằng một vật thật, các vật thật đó thẳng hàng nhau và cách đều về khoảng cách, đó là việc hình thành khái niệm ban đầu về khoảng cách của các tiếng. Trong phần âm và phần vần được chia ra làm hai phần rõ ràng đó là phần lập mẫu và phần dùng mẫu. Dạy học theo chương trình công nghệ là học sinh được học theo một hệ thống việc làm, mỗi việc làm là ra một sản phẩm. Mỗi ngày học sinh có thêm một sản phẩm, vì thế các em thấy được sức hấp dẫn của việc học và thấy niềm vui sau mỗi sản phẩm do chính mình tự làm ra. Ngay từ những bài đầu, học sinh đã được rèn luyện kỹ năng nghe, đọc và nắm chắc chính tả một cách hệ thống. Khi viết chính tả, học sinh buộc phải suy nghĩ để tìm đúng giải pháp viết được và viết đúng. Viết chính tả là cơ hội để học sinh được ôn tập tự nhiên và tin cậy, kiểm tra và đánh giá chính xác sản phẩm của học sinh. Năm học 2010-2011, do thiếu giáo viên, Phòng GD và ÐT Sa Pa đã chỉ đạo Trường tiểu học Bản Hồ, tiến hành ghép lớp 1 với lớp 3, vì đây là một việc làm hết sức mới nên nhà trường đã lựa chọn giáo viên có chuyên môn tốt nhất trường trực tiếp dạy lớp ghép này. Trong những tuần đầu của năm học, giáo viên đã gặp phải một số khó khăn, nhưng sau một tháng triển khai việc dạy và học lớp ghép, học sinh đã nắm bắt được phương pháp học và chất lượng học sinh của lớp ghép không hề thua kém các lớp đơn trong trường.
Cô Nguyễn Thanh Xuân, giáo viên Trường tiểu học Pha Long, huyện Mường Khương chia sẻ: 100% số học sinh của trường là học sinh dân tộc thiểu số, khi bước vào lớp 1, khả năng giao tiếp tiếng Việt của các em còn hạn chế. Tuy nhiên sau một học kỳ học theo phương pháp mới, học sinh giao tiếp tiếng Việt khá tốt. Ðiều quan trọng là giáo viên cần phải nắm rõ về phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số và đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc của địa phương; biết sử dụng tiếng dân tộc thiểu số để giao tiếp với học sinh và cộng đồng. Phần lớn, học sinh ở đây đến ngày mùa thường theo cha mẹ lên nương rẫy và ở luôn tại rẫy, do đó đội ngũ giáo viên của trường phải nhiệt tình, tâm huyết, đi đến từng nhà để vận động các em ra lớp.
Thực tế dạy học tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số ở Lào Cai lúc đầu cũng còn gặp một số khó khăn. Ở những trường mới triển khai, trong thời gian đầu năm học, giáo viên lúng túng trong việc dạy học theo kỹ thuật, quy trình công nghệ, quy trình dạy các mẫu vần, các bài ôn tập… Tuy nhiên, sau một thời gian dạy, học và tiếp xúc với tiếng Việt lớp 1 chương trình công nghệ giáo dục, ông Nguyễn Văn Nhật, Trưởng phòng GD và ÐT huyện Bảo Yên đánh giá: Giáo viên thật sự đổi mới phương pháp dạy học, nắm vững về yêu cầu, cách thực hiện đối với chương trình công nghệ giáo dục trong nhà trường; chủ động trong việc thực hiện nội dung chương trình, nội dung của từng bài học cụ thể bảo đảm tiến độ, thời gian; giáo viên không phải soạn bài cho nên có thời gian nghiên cứu tài liệu để thực hiện dạy học theo một thiết kế khoa học của quy trình công nghệ, giúp việc giảng dạy của giáo viên diễn ra nhẹ nhàng nhưng đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh việc nắm chắc, thuần thục quy trình dạy học, giáo viên cần áp dụng công nghệ thông tin để giờ học thêm sinh động, học sinh hứng thú, tích cực học tập. Ðối với học sinh học chương trình tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục, học sinh rất hứng thú, tự tin khi tham gia các hoạt động học tập, nắm chắc cấu tạo ngữ âm của tiếng, học sinh hiểu được ngôn ngữ một cách vững chắc, cặn kẽ; các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết bảo đảm theo yêu cầu của chương trình, học sinh có kỹ năng phân tích được ngữ âm, nắm được cấu trúc của các kiểu vần; tốc độ đọc nhanh, đọc tốt; học sinh nắm chắc quy luật chính tả, có kỹ năng nghe và viết chính tả tốt.
 Theo Thúy Quỳnh 

(nhandan) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)