Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tuyển sinh vào lớp 10: Bí quyết “lấy” điểm cao ở ba môn thi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Học sinh lớp 9 ôn tập tại Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1)
Nội dung đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2011-2012 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, có 80% nằm trong phần kiến thức cơ bản và 20% phân loại học sinh. Do đó, nhiều giáo viên khuyên thí sinh (TS) cần chuẩn bị tâm lý thoải mái, bình tĩnh đọc kỹ đề thi, trình bày sạch sẽ… là sẽ đạt điểm cao.
Môn văn: Viết chữ rõ ràng, trình bày sạch đẹp
Ở môn này, TS nên đọc kỹ đề, lập dàn ý ngoài giấy nháp, chú ý phân bố thời gian hợp lý để làm bài, viết chữ rõ ràng, trình bày sạch sẽ… Đó là những điều mà TS cần lưu ý khi làm bài. Cô Trần Thúy An – Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) lưu ý: “Khi giám thị phát xong đề thi, các em đừng vội cắm cúi viết ngay mà hãy dành 5-10 phút đọc kỹ đề, gạch chân từ ngữ quan trọng để xác định nội dung chính của đề. Đặc biệt, đối với phần nghị luận văn chương (thường chiếm khoảng 5 điểm) nên TS phải hết sức lưu ý để tránh lạc đề, xa đề. Các em nên viết ra giấy nháp các ý chính, ý phụ (càng nhiều càng tốt) rồi sắp xếp các ý đó theo một trình tự trước sau hợp lý. Khi viết một bài làm văn, TS cần cố gắng cân nhắc lựa chọn từ ngữ chính xác, viết câu đúng ngữ pháp, tách đoạn hợp lý, có liên kết câu và liên kết đoạn văn để bài văn mạch lạc nhưng vẫn trôi chảy, giàu chất văn. Bài nghị luận xã hội chỉ chiếm 3 điểm nên các em không cần viết quá dài. Phương pháp làm hai dạng bài nghị luận văn chương và nghị luận xã hội có những điểm khác nhau nhưng bố cục vẫn tuân thủ theo trình tự ba phần: mở bài (nêu vấn đề), thân bài (giải thích, phân tích thực trạng, xác định thái độ đúng, phê phán thái độ sai…), kết bài (rút ra bài học cho mình và nêu ra phương hướng hành động thiết thực)”. Trong khi đó, cô Đinh Thị Ngọc Nhung – Tổ trưởng bộ môn văn Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình) cho rằng, với phần nghị luận xã hội, TS phải nắm bắt, chọn lọc những chi tiết đắt giá để cô đọng bài làm. Riêng phần nghị luận văn chương, TS cần phân tích tác phẩm, đặc điểm nhân vật nắm vững nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Sau khi làm xong bài, TS nên đọc lại để chắc chắn mình làm đúng các yêu cầu của phần câu hỏi văn và tiếng Việt, kiểm tra xem bài thơ đã chép tựa bài và tên tác giả chưa, bài tiếng Việt có chú thích rõ ràng hay không… Ngoài ra, TS cũng cần đọc lại bài làm để sửa lỗi chính tả, lỗi dùng từ. TS cố gắng viết chữ rõ ràng và sạch sẽ để chiếm được cảm tình của giám khảo.
Box: Bố cục của hai dạng bài văn nghị luận văn chương và nghị luận xã hội luôn theo trình tự ba phần: mở bài (nêu vấn đề), thân bài (giải thích, phân tích thực trạng, xác định thái độ đúng, phê phán thái độ sai…), kết bài (rút ra bài học cho mình và nêu ra phương hướng hành động thiết thực).
Môn toán: Đọc kỹ đề, biết phần nào làm phần đó
Khi thực hiện bài thi môn toán, trước hết TS đọc kỹ từng yêu cầu của đề thi và tránh chép sai đề là chia sẻ của nhiều giáo viên có kinh nghiệm lâu năm ở bộ môn toán. Thầy Bùi Trọng Bỉnh, Tổ trưởng bộ môn toán, Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) khuyên: “Khi làm phần đại số thì cần chú ý đến dấu +, dấu -, dấu ngoặc, các con số cần viết rõ ràng. Ngoài ra, hầu hết các câu trả lời, kết luận của từng phần đều có điểm nên TS phải chú ý đừng bỏ sót phần này. Còn phần hình học, TS phải vẽ hình vào giấy thi ngay sau khi vẽ ở giấy nháp (có một số em vẽ nháp rồi quên vẽ vào bài thi), bài không có hình vẽ thì dù TS có làm hoàn chỉnh giám khảo cũng không chấm. Điều lưu ý nữa là TS nên chọn vẽ hình ở trang nào thuận tiện nhất để khi làm bài tránh phải lật đi, lật lại. Hình vẽ phải đủ lớn để dễ quan sát, bởi hình vẽ là yếu tố rất quan trọng để nhìn ra vấn đề hay không”. Đồng tình với ý kiến này, cô Đỗ Thị Phụng Hoàn, giáo viên toán, Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) chia sẻ thêm: “Phần tính diện tích, TS phải biết cách chia hình lớn thành những hình nhỏ để tính toán, chú ý đọc kỹ đề và vẽ hình chính xác vì nếu vẽ hình không chính xác TS rất dễ mất điểm”. Thầy Nguyễn Thanh Tịnh, giáo viên toán, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) nhấn mạnh: “Ngay sau khi giám thị phát đề thi, TS đừng vội chăm chú làm bài mà phải cẩn thận đọc kỹ toàn bộ và từng phần đề thi bởi TS hay đọc nhầm đề dẫn đến giải sai. Chẳng hạn, các em thường nhầm lẫn giữa chứng minh phương trình có nghiệm với tìm điều kiện để phương trình có nghiệm nên thường giải không đúng với yêu cầu của đề thi. TS không nên bỏ sót các câu hỏi nhỏ trong các bài tập, làm được phần nào thì cứ làm phần đó chứ không nên thấy bài khó mà bỏ qua các bước hay các ý nhỏ, bởi người chấm thi vẫn chấm các ý nhỏ nếu các em làm được. Thông thường, trong đề thi phần đại số chiếm 6,5 điểm và phần hình học chiếm 3,5 điểm, vì thế các em phải phân bố thời gian hợp lý giữa các phần để không bỏ sót phần nào”.
 

 

TS thường nhầm lẫn giữa chứng minh phương trình có nghiệm với tìm điều kiện để phương trình có nghiệm nên thường giải không đúng với yêu cầu của đề thi.

Môn tiếng Anh: Viết chính xác từng từ, từng chữ

Viết chính xác từng từ, từng chữ, từng câu, từng đoạn và cẩn thận để tránh đánh nhầm các đáp án là hai điều quan trọng đối với TS làm bài thi môn tiếng Anh. “Đề thi có phần trắc nghiệm, chọn câu trả lời đúng (a, b, c, d) nhằm kiểm tra kiến thức cũng như kiểm tra cách thành lập từ, các thì, viết lại câu… Đối với phần kiểm tra kiến thức về cách thành lập từ trong tiếng Anh (word form), TS cần viết đúng chính tả và thuộc các từ cùng gốc (ví dụ: care, careful,  carefully), vì chỉ sai một chữ cũng bị mất điểm.Các em không nên tập trung quá nhiều thời gian vào một câu hỏi mà mình không biết, nếu không biết câu nào, các em đánh dấu bằng bút chì câu đó và làm những câu dễ hơn, sau đó quay lại đọc rồi làm tiếp. Một trong những lưu ý nhỏ mà các em cần nhớ là không nên sử dụng bút chì để làm bài thi mà phải sử dụng bút bi có cùng màu mực”, cô Tôn Nữ Vân Hương, Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình) khuyên. Trong khi đó, thầy Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên bộ môn tiếng Anh (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết độ phân hóa của đề thi đúng theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, phần nhận biết khoảng 40%, phần thông hiểu 40% và phần vận dụng khoảng 20%. Vì thế, khi làm bài thi các em không chỉ chú trọng về phần ngữ pháp mà phần từ vựng cũng rất cần thiết, có lợi thế về từ vựng sẽ giúp các em đọc hiểu được bài để làm bài tập. Ngoài ra, đọc kỹ đề, tránh đánh nhầm đáp án là lưu ý hết sức quan trọng trong làm bài thi môn tiếng Anh bởi đây là phần thi trắc nghiệm.
Box: Khi làm bài, TS không chỉ chú trọng về phần ngữ pháp mà phần từ vựng cũng rất cần thiết, có lợi thế về từ vựng sẽ giúp TS đọc hiểu được bài để làm bài tập.
Bài, ảnh: Dương Bình
4 điểm TS cần lưu ý trong kỳ thi vào lớp 10
1. Trong kỳ thi tuyển vào lớp 10, TS không được xét đặc cách như ở kỳ thi tốt nghiệp THPT nên các em phải lưu ý giữ gìn sức khỏe trong những ngày thi. Trước ngày thi, các em nên nghỉ ngơi thư giãn, tránh thức quá khuya, có chế độ ăn uống hợp lý để đảm bảo sức khỏe tốt, lấy lại tinh thần thoải mái khi làm bài thi.
2. TS tuyệt đối không mang theo điện thoại di động vào phòng thi. Dù điện thoại đã tắt máy nhưng nếu bị giám thị phát hiện trong giờ làm bài thi thì TS sẽ bị đình chỉ thi.
3. TS nên rà soát lại các giấy chứng nhận ưu tiên, chính sách xem đã nộp đầy đủ cho nhà trường chưa, bởi theo quy định của Bộ GD-ĐT, các loại giấy chứng nhận được hưởng điểm ưu tiên, khuyến khích nếu nộp sau ngày thi sẽ không có giá trị để xét cộng điểm.
4. Tuyệt đối không quay cóp, trao đổi hay thảo luận trong giờ thi, nếu vi phạm TS có thể bị đình chỉ thi.
Thầy Hồ Phú Bạc
(Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục – Sở GD-ĐT TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)