Theo Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, hiện thành phố này là địa phương có quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước nhiều nhất với khoảng 80% quỹ nhà cả nước. Năm 2024, Đà Nẵng dự kiến hoàn thành 1.880 căn hộ, chuẩn bị khởi công đầu tư 2 dự án từ nguồn vốn ngân sách, lựa chọn chủ đầu tư 3 dự án từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Những nỗ lực này mang đến cho người lao động, nhất là lao động có thu nhập thấp có điều kiện để an cư.
Khu nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm đang còn gần 200 căn hộ chờ thông phòng mở rộng diện tích để cho công nhân thuê
Giảm bớt gánh nặng cho công nhân
7 năm trước, chị A Lăng Thị Vít rời miền quê nghèo thuộc huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) về TP.Đà Nẵng làm công nhân cho Công ty Matrix chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em, đóng tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm. Chị Vít bảo, hồi ở quê, làm rẫy có ngày không kiếm được 10 ngàn đồng tiền mặt, quần quật từ sáng đến tối chỉ mong vụ mùa đến thu được hạt lúa, trái bắp ngô để làm lương thực. Nhà nghèo, người chồng và đứa con chị không may gặp nạn rồi lần lượt qua đời. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm buồn. Thế là chị quyết định rời quê về thành phố xin việc. “Lương công nhân mỗi tháng dao động tầm 4 đến 5 triệu đồng. Hồi ấy, thuê phòng trọ ở chung với bạn mà mỗi tháng cũng hơn 1 triệu đồng. Hai năm nay, tôi được xét thuê căn hộ tại Khu nhà ở công nhân tại KCN Hòa Cầm. Chi phí thuê nhà, điện nước vào khoảng hơn 500 ngàn đồng/tháng nên “dễ thở” hơn nhiều so với thuê nhà ở ngoài”, chị Vít kể.
Cũng thuộc diện được thuê căn hộ tại Khu nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm, chị Nguyễn Thị Bê chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi có 4 mẹ con cùng thuê ở đây nhưng do căn hộ chật, chỉ 17m2 nên hai cháu lớn phải ra ngoài thuê trọ, còn hai mẹ con ở lại để đỡ chi phí thuê nhà. Dù không đủ không gian cho cả gia đình như mong muốn nhưng với giá thuê rẻ nên mỗi tháng tôi cũng đỡ được một khoản để nuôi cháu nhỏ ăn học thay vì thuê ngoài có thể giá sẽ đắt gấp đôi, thậm chí nhiều hơn”.
Chị A Lăng Thị Vít được thuê nhà giá rẻ tại Khu nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm (Cẩm Lệ, Đà Nẵng)
Khu nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm (thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) có 3 block nhà ở dành cho công nhân. Mỗi block có 87 căn hộ. Việc các công nhân được xét thuê nhà tại đây phần nào giúp họ vơi bớt gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều công nhân cho rằng căn hộ ở đây có diện tích quá khiêm tốn nên không phù hợp với đối tượng gia đình công nhân có đông thành viên. Hiện khu nhà ở này còn hơn 170 phòng thuộc 2 block kế cận đang chờ kế hoạch thông phòng, mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu thuê nhà ở của công nhân.
Hiện thực hóa mục tiêu nhà ở cho người thu nhập thấp
Xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân KCN; xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai… là một trong những nội dung của Nghị quyết số 42-NQ/TW, của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là một trong những mục tiêu được Đà Nẵng đặt ra và triển khai Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Đà Nẵng sẽ đầu tư khoảng hơn 20.000 căn nhà ở xã hội, trong đó 8.400 căn giai đoạn 2021-2025 và 12.100 căn giai đoạn 2026-2030. Bảo đảm chỉ tiêu Chính phủ giao cho Đà Nẵng theo đề án “Một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030”.
Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy chương trình nhà ở xã hội. Bố trí vốn ngân sách lũy kế đến nay hơn 3.500 tỷ đồng để đầu tư nhà ở xã hội, bố trí cho thuê đối với nhóm đối tượng đặc biệt khó khăn về nhà ở: Người có công với cách mạng, hộ giải tỏa, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, hộ nghèo, học sinh sinh viên và công nhân KCN.
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH TP.Đà Nẵng Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, từ năm 2018 đến nay, ngân hàng đã cho 1.079 lượt người vay tiền mua căn hộ tại 4 dự án chung cư nhà ở xã hội trên địa bàn với tổng dư nợ là 388,7 tỷ đồng. Hiện nay, Ngân hàng CSXH Việt Nam đang đề xuất Chính phủ bố trí vốn để cho người mua nhà ở xã hội được vay trong năm 2024 và 2025. Riêng đối với Đà Nẵng, trước mắt, Ngân hàng CSXH thành phố sử dụng nguồn vốn 50 tỷ đồng/năm do UBND TP.Đà Nẵng ủy thác để cho người dân vay mua nhà ở xã hội hoặc xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở. Nếu nguồn vốn 50 tỷ đồng/năm nói trên không đủ, đơn vị sẽ linh hoạt đề xuất sử dụng nguồn vốn từ các chương trình tín dụng khác mà UBND TP.Đà Nẵng đã ủy thác, riêng năm 2024 có tổng vốn lên đến 250 tỷ đồng. |
Từ năm 2005, Đà Nẵng đã triển khai 5 đề án phát triển nhà ở xã hội, trong đó có Đề án có nhà ở cho nhân dân giai đoạn 2005-2010, Đề án xây dựng 7.000 căn hộ phục vụ Chương trình có nhà ở; Đề án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên các trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thuê; Đề án phát triển nhà ở công nhân các KCN trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng các khu chung cư xã hội bố trí cho gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2020-2025. Tính đến hết năm 2023, thành phố đã hoàn thành 15.549 căn hộ chung cư và 1.146 phòng ký túc xá sinh viên. Riêng giai đoạn 2021-2023, hoàn thành 8 khối nhà với 1.774 căn, tại 3 dự án: Chung cư thu nhập thấp Tân Trà, chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-1 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside và chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh – Khối nhà E3, E4.
Hiện Đà Nẵng đang triển khai xây dựng 5 dự án chung cư thu nhập thấp với 2.750 căn hộ. Ngoài ra, thành phố giao Sở Xây dựng chuẩn bị chuyển đổi công năng 2 khu ký túc xá sinh viên sang nhà ở xã hội và cải tạo, sửa chữa nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm với tổng 813 căn từ nguồn vốn ngân sách. Đà Nẵng cũng kêu gọi đầu tư 3 dự án nhà ở xã hội tại địa bàn quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ với tổng 3.519 căn. Bên cạnh đó, thành phố cũng giới thiệu để Tổng Liên đoàn Lao động triển khai dự án thiết chế công đoàn và nhà ở với 732 căn hộ; trong hai năm 2024-2025 sẽ kêu gọi đầu tư 2-3 dự án mới.
Phan Lệ
Bình luận (0)