Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Giải ảo” những ngộ nhận về nhân lực công nghiệp chip bán dẫn

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các nhà chuyên môn, hiện nay có một số ngộ nhận về nhân lực trình độ đại học cho công nghiệp chip bán dẫn cần được "giải ảo".

Cần chuẩn bị nhân lực cho một hệ sinh thái

Theo PGS Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học công nghệ, ĐH Bách khoa Hà Nội, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn phải tính toán đến mọi khâu, mọi hoạt động trong chuỗi quy trình, tức là trong một hệ sinh thái có sự kết nối liên ngành.

Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do ĐH này tổ chức. MAI CHI

Với các cơ sở đào tạo trong nam ngoài bắc, giờ chỉ cần các trường đầu tư thêm một chút cho chương trình đào tạo ĐH liên quan tới chuyên ngành chip bán dẫn, tôi tin là chúng ta hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu nhân lực trình độ ĐH cho công nghiệp chip bán dẫn.

GS Chử Đức Trình (Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội)

Chuỗi quy trình công nghiệp chip bán dẫn có 3 khâu cơ bản: thiết kế, sản xuất, kiểm thử – đóng gói. Khi tính toán chi phí đầu tư và lợi nhuận mà công nghiệp chip bán dẫn mang lại, thế giới không chỉ căn cứ vào thu – chi từ 3 khâu trên, mà còn gộp cả các nhánh công việc phục vụ 3 khâu trên, gồm: phần mềm thiết kế và nhân IP (kiến trúc ARM); máy móc và công cụ; vật liệu.

Năm 2023, ước tính nguồn thu từ công nghiệp chip bán dẫn trên thế giới là 290 tỉ USD, trong đó chi là 200 tỉ USD (gồm chi cho nghiên cứu và phát triển là 92 tỉ USD). Ba khâu cơ bản chiếm 80% giá trị gia tăng, các khâu phụ trợ chiếm 20% giá trị gia tăng.

Nhiều ngành có thể cung ứng nhân lực

Tuy nhiên, lâu nay có hiện tượng hơi lệch lạc trong truyền thông khi nhiều người nhìn nhận nhân lực cho công nghiệp này chỉ là những ngành liên quan tới điện tử, vật liệu bán dẫn.

"Nhiều ngành mà hệ thống giáo dục ĐH chúng ta đang đào tạo đều có thể cung ứng nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn. Thiết kế thì có thiết kế vi mạch, thiết kế công nghệ vật liệu và tích hợp, thiết kế phần mềm (bao gồm phần AI). Phần công nghiệp phụ trợ cho sản xuất chip cần nhân lực được đào tạo về cơ khí, tự động hóa, máy chính xác. Phần vật liệu, vật tư tiêu hao cũng đòi hỏi nhiều công nghệ lõi liên quan tới công nghệ vật liệu nano, vật liệu mới…", PGS Việt Anh cho biết.

Cũng theo PGS Việt Anh, ĐH Bách khoa Hà Nội là một cơ sở đào tạo ĐH đa ngành, có thế mạnh nổi trội về các lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ. Với các mã ngành đào tạo hiện tại, ĐH Bách khoa Hà Nội có thể đào tạo nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn ở đầy đủ các khâu: thiết kế, sản xuất, phát triển ứng dụng…

Ở các khâu thiết kế và nghiên cứu phát triển, ông Việt Anh khẳng định, trình độ cử nhân ĐH Bách khoa Hà Nội có các ngành điện tử viễn thông, điện – điện tử; thạc sĩ có thiết kế VLSI (thiết kế vi mạch); tiến sĩ có bán dẫn, thiết kế VLSI.

Với các khâu sản xuất, ĐH này đang đào tạo ở cả 3 trình độ (ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ) các ngành điện, điện tử, vật liệu, vật lý kỹ thuật, kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano, hóa học. Đóng gói kiểm thử thì ngoài mấy ngành nhắc đến ở trên còn có các ngành công nghệ nano, hóa, tự động hóa. Khâu hỗ trợ ứng dụng có thêm ngành kỹ thuật máy tính…

Không cần đợi mở chuyên ngành vi mạch mới có người

Theo GS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội, gần đây có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng trước mục tiêu năm 2030 đào tạo được 50.000 người có trình độ ĐH phục vụ công nghiệp chip bán dẫn. Lo lắng đó là có cơ sở, bởi thực ra nhu cầu mà ngành công nghiệp chip bán dẫn ở VN cần không phải là 50.000 người có trình độ ĐH mà là từ ĐH trở lên. Nghĩa là sẽ phải có một tỷ lệ khá lớn người được đào tạo chuyên sâu, đào tạo sau ĐH.

"Đào tạo ĐH phục vụ cho công nghiệp vi mạch bán dẫn của chúng ta không hề xuất phát từ con số 0. Chúng ta đã đạt nhiều thành tựu, có nhiều chương trình đào tạo ĐH từ khi còn là Trường ĐH Tổng hợp trước đây (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội), hoặc ĐH Bách khoa Hà Nội thì có trung tâm ITIMS ra đời từ rất lâu rồi. Với các cơ sở đào tạo trong nam ngoài bắc, giờ chỉ cần các trường đầu tư thêm một chút cho chương trình đào tạo ĐH liên quan tới chuyên ngành chip bán dẫn, tôi tin là chúng ta hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu nhân lực trình độ ĐH cho công nghiệp chip bán dẫn", GS Trình nói.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM, cho rằng nhìn vào cơ cấu nhân lực một công ty FDI chuyên về thiết kế ở VN cho thấy, không cần thiết phải đợi mở các ngành chuyên về vi mạch thì chúng ta mới có người làm. Đội ngũ kỹ sư của họ đến từ nhiều ngành khác nhau: điện tử viễn thông, kỹ thuật máy tính và một số ngành liên quan khác. Như vậy thì hệ thống ĐH của chúng ta có sẵn. Nếu cần mở thêm ngành đào tạo thì đó nên là các ngành ở trình độ chuyên sâu, tức sau ĐH.

Theo ông Anh Thi, việc các doanh nghiệp làm chip bán dẫn kêu khó tuyển dụng vì không có người để tuyển, nghĩa là họ đang than phiền về nguồn nhân lực trình độ cao. Còn nếu để có người làm những việc đơn giản như thiết kế layout chẳng hạn, thì khá sẵn.

Những ngành đào tạo trình độ ĐH của ĐH Bách khoa Hà Nội phục vụ công nghiệp chip bán dẫn. ĐHBK

GS Nguyễn Đức Chiến, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận định hiện nay có xu hướng trường ĐH bắt đầu mở ngành đào tạo về bán dẫn, chủ yếu về thiết kế chip. Nhưng việc trước mắt cần làm hơn là khuyến khích các trường kỹ thuật mở rộng quy mô đào tạo bậc thạc sĩ, với thời lượng chương trình đào tạo từ 1,5 – 2 năm, nguồn tuyển sinh đầu vào là sinh viên tốt nghiệp các ngành điện, điện tử, vật lý, hóa học, khoa học máy tính.

Bên cạnh việc quan tâm chuẩn bị nhân lực đa dạng ngành cho hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, GS Chiến lưu ý cần quan tâm chú trọng thu hút học sinh giỏi môn vật lý theo học các ngành điện tử, vật lý để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp chip bán dẫn.

"Đây là ngành công nghiệp dựa trên khoa học vật lý nhiều nhất. Các sản phẩm bán dẫn phổ biến đều do các nhà khoa học vật lý phát minh ra, dựa trên cơ sở những lý thuyết nghe có vẻ rất viển vông là thuyết lượng tử, hay lý thuyết vùng… Hệ khắc (mà báo chí gọi là thạch bản, dù khắc hiện nay dùng quang khắc lên các vật liệu đa dạng chứ không phải dùng vật cứng khắc trên đá) cũng phải dùng kiến thức vật lý để có thể khắc được trên những bản rất nhỏ (ngày trước dùng đơn vị đo là micromet thì nay đã phải dùng đơn vị đo nhỏ hơn là nanomet)", GS Chiến nói.

Ông Nguyễn Anh Thi cũng cho rằng, một trong những trụ cột chiến lược để nâng cao năng lực công nghiệp chip bán dẫn VN là đào tạo. Trong đó, cần hỗ trợ nghiên cứu và triển khai rộng rãi các đổi mới giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) kéo dài 10 năm để tuyển dụng và giữ chân các giáo viên STEM chất lượng cao nhằm tăng thành tích và tỷ lệ tham gia của học sinh STEM. Cùng với đó, thiết lập một chương trình thí điểm để phát triển và nhân rộng các mô hình thành công nhằm cung cấp cho sinh viên trải nghiệm nghiên cứu thực hành dựa trên khóa học; hỗ trợ nghiên cứu để phát triển chương trình giáo dục STEM kết hợp nghệ thuật và thiết kế nhằm thúc đẩy tính sáng tạo và đổi mới.

Kinh nghiệm từ một mô hình thành công

GS Nguyễn Đức Chiến chia sẻ một bài học kinh nghiệm VN từng làm tốt từ cách đây 30 năm. "Đến năm 1990, VN vẫn chưa có ngành khoa học vật liệu. Năm 1992, Bộ GD-ĐT quyết định thành lập viện quốc tế đào tạo về khoa học vật liệu. Đầu vào là sinh viên tốt nghiệp các ngành vật lý, hóa, điện tử, thậm chí cả công nghệ sinh học, của các trường ĐH Tổng hợp, Bách khoa, Sư phạm… Đây là một mô hình thành công, giúp chúng ta có một đội ngũ nghiên cứu về khoa học vật liệu, có nhiều người hiện là lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu – đào tạo. Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội Huỳnh Đăng Chính cũng là một trong những học viên đầu tiên của viện. Trên thế giới cũng nhiều mô hình tương tự", GS Chiến kể.

Theo Quý Hiên/TNO

 

Bình luận (0)