Từng nhịp trên màn hình monitor tựa như những đường nét hạnh phúc – hạnh phúc cho những số phận đang từng ngày giành giật sự sống trên giường bệnh cấp cứu. Hạnh phúc của đội ngũ y – bác sĩ là khi được đem đôi bàn tay, khối óc của mình mang sự sống trở lại. Ghép tạng xuyên Việt từ người hiến tặng luôn là một hành trình diệu kỳ. Câu chuyện được ghi tại Bệnh viện Trung ương Huế những ngày tháng 4.
Các ca ghép tạng được thực hiện thành công tại Bệnh viện Trung ương Huế
Hành trình xuyên Việt
Đêm muộn ngày 31-3, ngay sau khi nhận được thông tin điều phối tạng từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia về việc có người hiến chết não tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh hiến tặng tạng, các bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế đủ điều kiện nhận tạng hiến: gan, tim và thận. Áp lực về khoảng cách địa lý đặt ra bài toán phải làm sao để đáp ứng các tiêu chí nhanh nhất, an toàn nhất, đảm bảo thời gian cho phép của tạng hiến.
GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nói chắc nịch: “Dù ngăn cách địa lý cũng không thể cản được quyết tâm giành giật sự sống của bệnh nhân từ tay tử thần”. Một lần nữa, các tạng hiến từ người chết não không ở các thành phố lớn mà ở tuyến tỉnh có thời gian vận chuyển cách xa TP.Huế nhất được thực hiện.
Ngay trong đêm, bệnh viện đã họp khẩn, tiến hành rà soát và dự trù lên các phương án di chuyển hợp lý nhất, tận dụng từng giây, từng phút để tạng hiến được bảo quản đúng thời gian tối ưu. Xác định, lần nhận điều phối này, các yếu tố về khoảng cách, phương tiện và thiết bị cần thiết đều không thuận lợi. Đặc biệt đây là ca lấy, ghép đa tạng và nỗi trăn trở là “quả tim” bởi thời gian cho phép từ người hiến đến người nhận không quá 6 giờ. Đồng thời, gan người hiến được chia đôi, cho 1 bệnh nhân ở Hà Nội và 1 em bé ở Huế, đây cũng là lần đầu tiên triển khai ghép gan trên bệnh nhân nhi tại Bệnh viện Trung ương Huế.
GS.TS Phạm Như Hiệp chia sẻ: “Trong điều kiện Việt Nam không có máy bay chuyên dụng để vận chuyển trực tiếp tạng giống như các nước hiện đại trên thế giới, nhưng đứng trước những bệnh nhân đã điều trị dài ngày tại bệnh viện đang trong tình trạng nguy kịch, cả ê-kíp ghép tạng đặt quyết tâm ở mức cao nhất, không cho phép có sai sót, không được chậm trễ để mang lại sự sống và những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân”.
Nhận lệnh từ người “thuyền trưởng”, ngay ngày hôm sau, bệnh viện cử ê-kíp 8 y, bác sĩ – những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ghép tạng do TS. Nguyễn Thanh Xuân – Phó Giám đốc bệnh viện làm Trưởng đoàn đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí. Cùng với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tham gia họp, đánh giá, phân tích và điều quan trọng nhất là phối hợp làm sao để lấy được ca hiến đa tạng đầu tiên tại tuyến tỉnh đưa về ghép cho các bệnh nhân tại các trung tâm ghép tạng trên cả nước. Cuộc họp trực tiếp và trực tuyến của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cùng các đơn vị tham gia lấy và ghép tạng bắt đầu lúc 14 giờ 30 phút ngày 1-4, nhằm lên kế hoạch và phương án lấy tạng phù hợp với thời gian vận chuyển tạng cho kịp thời gian di chuyển.
Vào lúc 2 giờ sáng, Bệnh viện Việt Đức đã đưa kỹ thuật viên từ Hà Nội về Quảng Ninh lấy máu làm đọ chéo cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật lấy tạng được thực hiện từ đêm mồng 1 đến rạng sáng 2-4 với sự tham gia của khoảng 120 y – bác sĩ. Đến 9 giờ 23 phút cùng ngày, đoàn công tác của Bệnh viện Trung ương Huế đưa 3 bộ phận tạng của người hiến tặng đã hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài – tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Những cuộc đời được hồi sinh
GS.TS Phạm Như Hiệp kể lại, trong thời gian đó, các ê-kíp nhận tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế tích cực chuẩn bị bệnh nhân sẵn sàng nhận 3 tạng: gan, tim, thận và đã khẩn trương phẫu thuật ngay khi tạng kịp về đến Bệnh viện Trung ương Huế vào lúc 9 giờ 50 phút. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, trái tim đã đập lại trong lồng ngực người bệnh suy tim rất nặng. Bệnh nhân này đã từng 2 lần ngưng tim, đang được hồi sức tại bệnh viện thì phép màu đã đến. Với bệnh nhi ghép gan, được chẩn đoán xơ gan do teo đường mật bẩm sinh đã được điều trị phẫu thuật Kasai, tuy nhiên không đáp ứng điều trị, tình trạng xơ gan ngày càng nặng, hiện tại đang điều trị cấp cứu nếu không được ghép gan kịp thời sẽ tử vong. Với sự chỉ đạo kịp thời của GS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, cùng sự hỗ trợ của ê-kíp ghép gan Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do PGS.TS Lê Văn Thành phụ trách, ca ghép gan đã thành công, mang lại cơ hội sống cho bệnh nhi này. Sau 5 giờ cùng lúc bệnh viện thực hiện ghép 3 tạng.
Đoàn công tác Bệnh viện Trung ương Huế cấp tốc đưa 3 tạng của người hiến tặng từ Quảng Ninh về Huế để ghép cho người cần
Hoàn thành ca phẫu thuật, hiện các bệnh nhân sau ghép đã ổn định, đang dần hồi phục tốt. Hậu phẫu ngày thứ 5, tình trạng 3 bệnh nhân đã rút nội khí quản, tỉnh táo hoàn toàn, các chỉ số huyết động và sinh hóa ổn định, chức năng tạng tốt. Nhìn vẻ mặt tươi tắn, nụ cười trên môi các bệnh nhân. Đó là một điều kỳ diệu mà ít ai dám nghĩ đến khi chứng kiến họ nằm trên giường bệnh vài ngày trước đó.
GS.TS.BS Phạm Như Hiệp, cho biết, trong vòng 48 giờ đồng hồ, đơn vị đã lập 3 kỷ lục về ghép tạng. Đó là kỷ lục “ngày ghép tạng” bắt đầu từ ngày 2-4 với 4 ca ghép thận cùng huyết thống, 1 ca ghép thận tự thân (bệnh nhân đa chấn thương, chấn thương thận độ 4), 3 ca ghép tạng xuyên Việt kể trên. Kỷ lục thứ hai là lần đầu tiên thực hiện ghép bộ ba tạng tim, gan, thận xuyên Việt từ người cho chết não tại bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, (Quảng Ninh) và kỷ lục thứ ba là thời gian vận chuyển 3 tạng xuyên Việt cho cùng một đơn vị dài nhất. “Bệnh viện Trung ương Huế mong rằng, sẽ có thêm những điều kỳ diệu xuất hiện từ tạng hiến được trao đi, để những cuộc đời mới hồi sinh, cho “mầm sự sống” nảy nở không ngừng”, BS Phạm Như Hiệp nói.
Phan Lệ
Bình luận (0)