Trước dự báo một mùa hè hạn hán, tình trạng xâm nhập mặn bắt đầu diễn ra và lưu lượng nước từ thượng nguồn của các con sông tại Quảng Nam chảy về thấp, TP.Đà Nẵng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn.
Mực nước tại đập dâng An Trạch hạ thấp gây ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt cho người dân TP.Đà Nẵng
Nước sông đổ về nhỏ giọt
Theo báo cáo của Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), từ đầu tháng 4-2024 đến nay, độ mặn tại nhà máy nước Cầu Đỏ thường xuyên duy trì trên 1.000mg/lít. Điều này, bắt buộc nhà máy phải đóng cửa thu nước trên sông Cầu Đỏ. Trạm bơm phòng mặn An Trạch được vận hành để bơm nước từ sông Yên về cung cấp nước sinh hoạt cho người dân TP. Tuy nhiên, tại đập dâng An Trạch, mực nước của sông Yên thường xuyên bị hạ thấp, nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần và dịp lễ khi các nhà máy thủy điện trên sông Vu Gia – Thu Bồn vận hành xả nước với lưu lượng nhỏ.
Ghi nhận mực nước trên sông Yên tại đập An Trạch vào ngày 15-4 vừa qua chỉ đạt 1,33m. Nếu mực nước này thấp hơn 1,6m thì trạm bơm phòng mặn An Trạch cũ với công suất 210.000m2/ngày đêm sẽ dừng hoạt động; nếu thấp hơn 1,1m thì cả trạm bơm phòng mặn An Trạch cũ và mới có tổng công suất 420.000m2/ngày đêm đều phải dừng hoạt động.
Thống kê sơ bộ cho thấy, nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn TP.Đà Nẵng vào mùa nắng nóng khoảng 360.000m2/ngày đêm. Việc mực nước sông Yên hạ thấp dẫn đến không đảm bảo vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch mới và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho người dân.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, tháng 4-2024, tổng lượng dòng chảy trên sông Vu Gia tại trạm Thành Mỹ ở mức thấp hơn 85% so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó lượng mưa trong hai tháng 4 và 5-2024 rất thấp. Vì vậy, lưu lượng dòng chảy ở mức thấp hơn từ 15-55% so với trung bình nhiều năm.
Sở Tài nguyên – Môi trường TP.Đà Nẵng nhận định, nhu cầu tiêu thụ điện sẽ giảm thấp trong đợt lễ cộng thêm công suất cung cấp từ điện mặt trời được huy động lớn vào ban ngày nên thủy điện sẽ không được huy động phát điện trong thời gian này. Điều này đồng nghĩa với việc nước từ thượng nguồn các sông ở Quảng Nam như Vu Gia – Thu Bồn, sông Yên đổ về Đà Nẵng giảm, có thể không đủ cao trình đảm bảo hoạt động lấy nước ở trạm bơm An Trạch.
Nỗ lực triển khai các giải pháp
Trước tình hình mặn xâm nhập, UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan tổ chức nhiều giải pháp trước mắt. Theo đó vận hành hiệu quả trạm bơm phòng mặn An Trạch để đưa nguồn nước thô về nhà máy nước Cầu Đỏ và sân bay. Khai thác tối đa công suất các nhà máy nước trên địa bàn mà nguồn nước thô không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn như nhà máy nước Hòa Liên (đang khai thác nước trên dòng sông Cu Đê), nhà máy nước Hòa Trung (đang khai thác nước từ hồ Hòa Trung), nhà máy nước Hải Vân (đang khai thác nước từ các suối của đèo Hải Vân), nhà máy nước Sơn Trà (đang khai thác nước từ khu vực Hồ Xanh thuộc bán đảo Sơn Trà)…
Đồng thời, Đà Nẵng cũng phối hợp chặt chẽ với Quảng Nam để triển khai thi công đắp đập tạm trên sông Quảng Huế nhằm tăng lượng nước về hạ du sông Vu Gia; Yêu cầu các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn vận hành hồ với lưu lượng, thời gian xả đúng quy trình để đảm bảo việc xả nước về hạ du nhằm đẩy mặn giúp thuận tiện cho nhà máy nước Cầu Đỏ thu nước tại cửa thu.
Chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt Đây là một trong những yêu cầu của UBND TP.HCM đối với các sở ngành liên quan trong công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô. Theo đó, UBND TP yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến về thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn. Kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng chống. Đồng thời cần tuyên truyền người dân có hình thức linh hoạt trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt. UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị xác định các khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt để chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Chủ động nạo vét các tuyến kênh, mương nội đồng bị bồi lắng, tắc nghẽn để khôi phục, tăng khả năng trữ nước. Vận hành hợp lý các cống điều tiết để đảm bảo ngăn mặn, tiêu thoát nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt người dân. T Ban |
Đà Nẵng cũng đã xây dựng 8 kịch bản tương ứng từng mốc nhiễm mặn để kịp thời xử lý nhằm đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân TP trong tình huống bất khả kháng. UBND TP giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng, Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng và các đơn vị liên quan chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo cấp nước cho người dân và du khách. Không để xảy ra tình trạng thiếu nước sạch trong thời gian tới.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên – Môi trường đề nghị chỉ đạo xả nước hợp lý từ các hồ chứa thủy điện nhằm đảm bảo mực nước cho trạm bơm phòng mặn An Trạch vận hành; đề nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục phối hợp với ban ngành chức năng của Đà Nẵng giám sát chặt chẽ, đôn đốc các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn vận hành đúng quy trình 1865 để đảm bảo cấp đủ nước cho vùng hạ du đến cuối mùa hạn năm nay. Đồng thời chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông này trong trường hợp xả nước phát điện với lưu lượng ít hơn quy trình thì phải đảm bảo xả đủ nhằm duy trì mực nước tại đập dâng An Trạch không dưới 1,6m để cấp nước cho Đà Nẵng.
Phan Yên
Bình luận (0)