Ngoài giờ học, Tôn Nữ Thùy Linh (bên phải) còn phụ giúp mẹ làm nông
|
Đạt 9,5 điểm môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011, em Tôn Nữ Thùy Linh (học sinh lớp 12C2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) trở thành thí sinh có điểm thi môn sử cao nhất nước và là một trong hai thủ khoa của Học viện Hành chính (cơ sở tại TP.HCM)…
Nên học theo tư duy lôgic
Đó là bí quyết học môn lịch sử của Thùy Linh. Em cho biết lịch sử cũng thiên về tư duy lôgic, mỗi sự kiện lịch sử, ngoài diễn biến còn có nguyên nhân, hiệu quả… thế nên, nếu học theo kiểu thuộc lòng thì chưa vào phòng thi kiến thức đã “rơi rụng” hết.
Thích học lịch sử từ bé nhưng phải đến năm học lớp 9, khi được cô giáo Phan Thị Thu Hương (giáo viên Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm – nơi Thùy Linh theo học) tư vấn và động viên, Thùy Linh mới đồng ý vào đội tuyển học sinh giỏi môn lịch sử của trường. Cơ duyên gắn bó Thùy Linh với môn lịch sử từ ngày đó! “Thông qua lịch sử, với những sự kiện, những câu chuyện… có thể tái hiện được truyền thống cũng như bản sắc văn hóa của cả một dân tộc, đất nước. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, là thầy cô giáo phải dạy cho học sinh phương pháp học bộ môn, phải làm sao để học sinh thấy hứng thú thật sự với môn học chứ không phải học theo cách đối phó”, Thùy Linh chia sẻ.
Ba năm học THPT, Thùy Linh đều đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn lịch sử cấp thành phố. Em cho biết rất thích học các môn toán, lý, hóa, sử, địa vì tất cả đều thiên về tư duy lôgic. Đến năm lớp 12, khi xác định sẽ thi vào khối C, Thùy Linh mới tập trung nhiều thời gian để ôn tập môn lịch sử.
Để học tốt môn lịch sử, theo Thùy Linh, không thể xem đó là môn học bài để rồi cứ “học vẹt”, học thuộc lòng. “Ngoài việc phải nắm được kiến thức cơ bản, ghi nhớ sự kiện, người học cần phải hệ thống lại kiến thức. Mỗi sự kiện, ngoài những con số, bao giờ cũng phải chú ý đến bản chất và đặc điểm của nó. Lúc học, có thể chia thành từng giai đoạn, nhưng giữa các giai đoạn lịch sử bao giờ cũng có sự liên kết, gắn bó với nhau. Chính vì vậy, người học cần phải biết xâu chuỗi, hệ thống lại để nắm được cả tiến trình”, em cho biết.
Theo nhận xét của em, đề thi môn lịch sử năm nay tương đối khó, nếu không phân tích kỹ những yêu cầu của đề bài thì thí sinh sẽ rất dễ bị lạc đề. Thùy Linh dẫn chứng, đối với câu 3 trong đề thi lịch sử năm nay, em biết rất nhiều bạn sẽ nghĩ là những thắng lợi về mặt quân sự nên sẽ chỉ nhắc đến những thắng lợi của một số chiến dịch cụ thể. Thế nhưng, nếu biết phân tích yêu cầu của đề bài thì sẽ thấy, thực chất của câu hỏi là sự kiện ký kết hiệp định Paris.
Thủ khoa chuyên… trồng mì
Có hộ khẩu ở TP.Đà Nẵng nhưng gia đình Thùy Linh ở tổ 26, phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) vẫn theo nghiệp… đồng áng. Cũng như bao học trò ở các vùng thôn quê nghèo khó khác, từ nhỏ Thùy Linh đã biết cầm cái chổi quét nhà hay cùng ba mẹ nhổ cỏ lúa, trồng khoai… Bà Huỳnh Thị Xuyến, mẹ của Thùy Linh, cho biết cả nhà trông chờ vào 4 sào ruộng khoán và mảnh vườn nhỏ trồng khoai mì nên kinh tế gia đình cũng khá thiếu thốn. Cứ tan buổi học là em lại tất bật phụ ba mẹ công việc vườn tược, ruộng đồng. Nhiều lúc thấy Thùy Linh thức khuya để học bù mà ba mẹ thương con đến thắt ruột. Vất vả vậy nhưng em rất chăm học, lo xong việc đồng áng là lấy sách vở ra xem.
Sinh ra trong gia đình có bảy anh chị em, các anh chị lớn đã có gia đình và ra ở riêng, cuộc sống của họ cũng không dư dả gì để phụ giúp ba mẹ nên bà Xuyến trở thành lao động chính gồng gánh mọi chuyện trong gia đình. Ba Thùy Linh đã mất sức lao động do tuổi già. Thương mẹ nên ròng rã gần ba năm học THPT, Thùy Linh không ở trọ gần trường mà đều đặn mỗi ngày đạp xe đến trường với chặng đường hơn 16km để đỡ đần mẹ việc đồng áng. Đi học về đến nhà là em bỏ cặp sách lên bàn rồi vội vã ra đồng làm cỏ lúa cho đến tối mịt mới về nhà. Đến học kỳ II năm học lớp 12, khi khu ký túc xá của Trường Lê Quý Đôn đưa vào sử dụng, Linh mới không còn gò lưng đạp xe đến trường mà xin mẹ ở lại để tiện việc ôn tập chuẩn bị thi ĐH.
Biết tin mình đỗ thủ khoa Học viện Hành chính (cơ sở tại TP.HCM) nhưng Thùy Linh cảm thấy không vui khi nhìn dáng mẹ tất bật hơn mọi ngày. “Em dự định sẽ vừa đi học, vừa làm thêm để phụ mẹ trang trải một phần chi phí học tập. Thời gian đầu, chắc em và gia đình sẽ rất khó khăn vì em chưa bắt nhịp cuộc sống mới nên chưa thể tìm việc làm ngay được”, Thùy Linh nói về con đường đi phía trước. Nhìn vẻ quả quyết và niềm vui của con, người mẹ như quên hết những cơ cực, nợ nần và những lo lắng cho đoạn đường dài trước mắt: “Đợt ni cháu Tôn Nữ Ái Linh (chị song sinh với Thùy Linh) cũng đăng ký thi vào ngành bác sĩ đa khoa ĐH Y Huế, đạt 18 điểm, đủ điểm để xét tuyển nguyện vọng 2 vào ĐH Sư phạm đấy”, bà Xuyến phấn khởi cho biết thêm.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bà Huỳnh Thị Xuyến, mẹ Thùy Linh, trải lòng: “Hai chị em Linh đều sắp trở thành sinh viên, cùng đi học xa nhà, là người mẹ thiệt tình lòng tui cũng ngổn ngang lắm. Tui chưa biết tính bán cái chi để có tiền cho con nhập trường, nhưng thương con thì ráng cho con được cái chữ, đó là tài sản duy nhất mà người nông dân như tui có thể cho con để sau này tương lai chúng tươi sáng hơn”.
|
Bình luận (0)