Mặc dù là lao động chính của gia đình, nhưng Hiếu vẫn học giỏi và đậu hai trường ĐH
|
Hay tin đậu ĐH nhưng nhiều học sinh nghèo ở Quảng Ngãi không cảm thấy vui mà luôn trăn trở với câu hỏi: “Lấy tiền đâu đi học bây giờ?”.
Đường đến giảng đường ĐH
Qua nhiều con đường đất đỏ quanh co ở vùng đồi núi, chúng tôi mới tìm được ngôi nhà đơn sơ của gia đình em Lê Quang Hiếu ở đội 2, thôn An Đại, xã Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa), chàng trai vừa đậu hai trường ĐH: ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM (17,5 điểm) và ĐH Kinh tế TP.HCM (20 điểm). Thấy người lạ đến nhà, từ trong nhà, bà nội của Hiếu cùng với ba em bước ra chào khách. Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu thông tin về Hiếu, bà Kiều Thị Kim Xuân – bà nội Hiếu – ứa nước mắt kể về gia đình và đứa cháu trai. Bà Kim Xuân tâm sự: “Tội thằng nhỏ, nó và ba đứa em sống thiếu thốn vòng tay, hơi ấm của mẹ lâu rồi. Còn ba chúng nó bị bệnh tim không thể làm việc nặng nên thằng Hiếu phải lo tất cả chuyện đồng áng (nhà có gần 4 sào lúa), rồi lo luôn chuyện bếp núc… Lam lũ quá chú à, thấy mà tội!”.
Từ lúc mẹ mất, Hiếu và các em chưa bao giờ có “khái niệm” đi học thêm, ngoài việc đến trường như bao bạn bè khác, bốn anh em Hiếu tự chỉ bảo nhau từng bài toán hay phân tích những gì mà các em chưa hiểu. Khi tôi hỏi về bí quyết tự học, Hiếu cho biết: “Hằng ngày, em lo 4 sào lúa, nấu cơm và nấu cám cho heo ăn nên ban ngày em không có thời gian để ngồi học. Em chỉ có thể học từ khuya đến 4h sáng, khoảng thời gian này học rất hiệu quả. Ngoài những kiến thức cơ bản, em còn tìm hiểu các bài tập nâng cao, tự giải hết bài này đến bài khác, bài tập nào chưa giải được thì em hỏi các bạn và quyết tìm ra lời giải cho đến cùng”. Đóng vai trò là anh cả trong gia đình, Hiếu vừa gánh vác hầu hết các công việc gia đình, vừa chỉ bảo cho ba đứa em học hành đều đạt từ học lực khá trở lên (hai em gái học lớp 11 và lớp 8, em trai đang học lớp 6).
Vất vả là thế nhưng kỳ thi ĐH 2010, Hiếu đã thi đậu vào hai trường ĐH: ĐH Công nghiệp TP.HCM và ĐH Nông lâm TP.HCM. Thế nhưng, do gia đình quá khó khăn, em đành gác lại ước mơ làm sinh viên. Trong một năm ở nhà mưu sinh, Hiếu vừa đảm đương công việc đồng ruộng, vừa tự học ôn thi ĐH. Và trong kỳ thi ĐH, CĐ 2011, một lần nữa Hiếu làm nức lòng cả thôn An Đại khi em đậu hai trường ĐH ở TP.HCM.
“Năm 2010, em thi đậu ĐH nhưng do nhà quá nghèo nên phải nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình. Mẹ em mất lúc em 12 tuổi vì bệnh tim, ba em cũng bị bệnh tim hành hạ. Hiện bệnh ngày càng nặng, lo cho cuộc sống gia đình hằng ngày còn khó khăn nên em đâu dám nghĩ sẽ có tiền để đi học…”, Hiếu chia sẻ.
Tâm sự cùng chúng tôi dưới gian bếp rách nát, khói bếp lên cay xé mắt, Hiếu hy vọng: “Nếu có điều kiện đi học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, em cố gắng học tốt, mong sao giúp các em có điều kiện học thành tài, giúp gia đình thoát nghèo và sửa lại ngôi nhà chắp vá này”.
Ước mơ “blouse trắng”
Dưới cái nắng chói chang, Ngọc Phượng vẫn chăm chỉ công việc để nuôi ước mơ đi học ĐH
|
Giống hoàn cảnh Lê Quang Hiếu, cô học trò Lê Thị Ngọc Phượng – được bạn bè phong cho biệt danh là “siêu nhân” khi 12 năm liền là học sinh giỏi, nhưng chưa một lần đi học thêm – cũng thiếu hơi ấm của cha từ lúc em mới 4 tuổi.
Sinh ra và lớn lên nơi miền quê nghèo heo hút, bốn bề là đồng lúa, đồi núi và sỏi đá ở thôn An Trường, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ nhưng Ngọc Phượng làm rạng danh vùng đất hiếu học khi đỗ hai trường ĐH: ĐH Ngân hàng TP.HCM (27 điểm) và ĐH Y khoa Huế (26 điểm). Ngoài ước mơ cứu giúp người nghèo, Ngọc Phượng còn mong muốn tự tay mình chữa bệnh cho mẹ, bởi nhà vắng bóng cha nên mẹ em phải tần tảo mưu sinh lo cho các con trưởng thành. Do làm lụng vất vả nên cơ thể mẹ chịu nhiều cơn đau hành hạ mỗi khi trái gió trở trời từ căn bệnh thấp khớp.
Mừng rỡ khi ước mơ được khoác chiếc áo “blouse trắng” trên mình đã thành nhưng trong đôi mắt Ngọc Phượng vẫn trĩu nặng, ứa lệ mỗi khi nhìn ra ngoài đồng lúa thẳng cánh cò bay. Ngọc Phượng bộc bạch: “Gia đình em chỉ sống nhờ vào 3 sào ruộng thì lấy tiền đâu để em thực hiện ước mơ làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ”.
Mở đường cho Phượng, tôi gợi ý: “Nếu có học bổng hoặc sự trợ giúp nào đó, em vẫn muốn đi học để trở thành bác sĩ chứ?”. Nghe vậy, đôi mắt Ngọc Phượng rạng ngời hy vọng, em nói: “Em sẽ đi học chứ anh”. Còn mẹ Phượng khấn: “Cầu mong cha nó phù hộ cho con có cơ hội đi học”.
Chỉ với 3 sào lúa (1 năm làm 2 mùa), gia đình còn lo toan cho chị của Phượng, hiện đang là sinh viên năm cuối Trường ĐH Quy Nhơn. Bây giờ đến lượt Phượng bước vào giảng đường, với 6 năm dài đằng đẵng. Liệu ước mơ được khoác chiếc áo “blouse trắng” có trở thành hiện thực với gia đình nghèo như Ngọc Phượng?
Có thể nói, ước mơ vào giảng đường ĐH không chỉ có ở Ngọc Phượng hay ở Hiếu mà đó là ước mơ chung của tất cả học trò nghèo trên vùng đất nghèo nhưng hiếu học Quảng Ngãi.
Bài, ảnh: Kim Long
Ngày 28-8, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Quảng Ngãi, Báo Giáo Dục TP.HCM và Báo Tuổi Trẻ trao 100 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2011 cho tân sinh viên Quảng Ngãi có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất trị giá 5 triệu đồng. Quang Hiếu và Ngọc Phượng là hai trong 100 tân sinh viên được nhận học bổng này.
|
Bình luận (0)