NKT đang làm việc tại Phòng CNTT, Chi cục Thuế Q.1 (TP.HCM)
|
Trường ĐH Văn Lang và Tổ chức cứu trợ & phát triển Mỹ (CRS) vừa phối hợp với Tổ chức Từ nhân dân Mỹ (UAID) tổ chức hội thảo “Việc làm về công nghệ thông tin cho người khuyết tật” tại TP.HCM.
Tại hội thảo, đại diện CRS tại Việt Nam – ông ChengGuangZhao – cho biết chương trình đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) cho người khuyết tật (NKT) dựa theo tiêu chuẩn quốc tế và năng lực của từng học viên. Ngoài việc đào tạo kiến thức chuyên môn, chương trình còn cung cấp cho NKT các kỹ năng mềm, tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều đại biểu, NKT hiện vẫn khó tìm được việc làm, do nhiều nguyên nhân như nghề học không phù hợp, còn chịu sự phân biệt đối xử nhất định trong xã hội…
TS.Nguyễn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết trong hai năm qua, chương trình đào tạo CNTT do CRS, USAILD và Trường ĐH Văn Lang đã cung cấp một nền tảng kiến thức chuyên môn về CNTT (các chuyên ngành: lập trình viên phần mềm, kỹ thuật viên đồ họa, họa viên kiến trúc, tin học căn bản cho người khiếm thị và lớp giáo dục viên cộng đồng) và kỹ năng xã hội cho NKT để có thể phát triển hòa nhập thực sự với cuộc sống. Chương trình được thiết kế theo mô hình doanh nghiệp trong đào tạo. Theo đó, học viên được học với cường độ và áp lực cao như đang làm việc trong doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, trong đó học viên phải vận dụng các kỹ năng làm việc nhóm để hoàn thành những dự án (project) được giao.
Được biết, đến nay chương trình đào tạo CNTT cho NKT đã có 369 học viên tốt nghiệp, trong đó có 292 học viên đã tìm được việc làm ổn định. Riêng chương trình triển khai tại Trường ĐH Văn Lang đã có 138/171 học viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm, chiếm tỷ lệ 87,9%. Một số học viên chưa tìm được việc làm là do sức khỏe yếu hoặc tiếp tục học lên cao hay kinh doanh tại nhà.
Ông Nguyễn Hùng – Giám đốc Công ty LogiGea (chuyên về CNTT) cho rằng, NKT được đào tạo từ chương trình đang làm việc tại các doanh nghiệp rất chịu khó và trung thành không nhảy việc, dù bước đầu họ còn thiếu kỹ năng xã hội, tự ti về sức khỏe.
Bài, ảnh: Q.Huy
Bình luận (0)