Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cơ hội cho toán học Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Toán học là một bộ phận cấu thành của văn minh nhân loại. Giáo dục và nâng cao dân trí khó thành công nếu chúng ta xem nhẹ việc học và nghiên cứu về toán. Vai trò và ứng dụng của toán học trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội thật lớn lao.
 


Trường THCS số 1 Nam Lý (Ðồng Hới, Quảng Bình) đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học môn Toán.  
 

Nhưng tình hình giảng dạy và nghiên cứu về toán thời gian qua ở nước ta diễn ra như thế nào; có những gì vướng mắc cần tháo gỡ và bổ sung nhằm chấn hưng nền toán học đang có chiều hướng đi xuống, phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Vài chục năm trở lại đây, không có ngành khoa học – kỹ thuật nào hay công tác quản lý của bất cứ một quốc gia nào lại không sử dụng công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin được tách ra từ toán học trở thành một ngành toán đặc biệt với những máy móc, thiết bị và kỹ năng tính toán tinh vi. Ðầu những năm 80 của thế kỷ trước, "lý thuyết mật mã khóa công khai" được ứng dụng rộng rãi phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, thanh toán ngân hàng, thu nhập hằng tháng của cán bộ, công chức qua thẻ ATM… tất cả đều dùng "mật mã khóa công khai". Trong bảo mật thông tin, người ta không chỉ sử dụng số học, mà còn dùng đến cả hình học đại số, một ngành hết sức mới mẻ và lý thuyết. Sự ra đời và ngày càng hoàn thiện các máy tính song song, máy tính véc-tơ, đồng thời sự liên kết giữa toán học tính toán và tin học (tính toán song song, tính toán lưới, tính toán hiệu năng cao) đã thật sự đưa toán học và tin học gần với đời sống hơn.
Cách đây hơn 40 năm, hệ THPT chuyên toán ở nước ta được hình thành và phát triển, kéo theo sự ra đời của các môn chuyên khác như: Vật lý, Tin học, Sinh học, Văn, Ngoại ngữ… Không ít học sinh khối chuyên toán đã giành các giải cao trong các kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế và khu vực. Mỗi người một lĩnh vực, một ngành nghề, nhưng khá nhiều trường hợp trong số họ đã trở thành những giáo sư, chuyên gia đầu ngành và nhà quản lý giỏi đang sống, làm việc ở trong nước và nước ngoài. Giáo sư Ngô Bảo Châu, người được nhận giải thưởng cao quý Fields đúng kỷ niệm lần thứ 65 Cách mạng Tháng Tám (19-8-2010) là một minh chứng tiêu biểu. Tiếc rằng, vì những lý do khác nhau, không ít người có năng khiếu toán và các bộ môn khoa học khác đã không được phát hiện, bồi dưỡng và định hướng nghề nghiệp để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng đất nước. Dẫn tới trình độ đội ngũ chuyên ngành ở ta còn hạn chế, trong khi tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao (có trường lên tới 35 – 40 sinh viên/giảng viên). Bởi vậy, việc kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu chưa làm được nhiều, số bài báo khoa học có giá trị được công bố trên các tạp chí có uy tín còn quá ít. Nó cũng cắt nghĩa vì sao công tác đào tạo toán trình độ cao ở nước ta còn khó khăn, bất cập. Trong khi chúng ta đang phải đối mặt với sự hẫng hụt về chuyên gia đầu đàn trong lĩnh vực toán học.
Nhìn nhận và đánh giá một cách nghiêm túc, toán học nước ta còn nhiều bất cập, yếu kém cần khắc phục. Trong đó, nổi cộm là các vấn đề một thời gian dài, chúng ta chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của nghiên cứu toán học đối với công tác giảng dạy, đào tạo toán và thiếu những cơ chế, chính sách phù hợp trong việc đào tạo các nhà khoa học trẻ thành nhà khoa học đầu đàn. Việc đổi mới công tác dạy và học toán, nhất là ở các khối chuyên toán THPT ít được quan tâm, việc tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia môn toán mấy năm gần đây thiếu tính khoa học nên ảnh hưởng chất lượng đội tuyển. Kỳ thi Ô-lim-pích toán quốc tế lần thứ 52 diễn ra tại Hà Lan trung tuần tháng 7 năm nay là một minh chứng cụ thể (Việt Nam chỉ đạt sáu huy chương đồng).
Ðể thúc đẩy sự phát triển của toán học nước nhà, tháng 8-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 – 2020 (đầu tư hơn 650 tỷ đồng), với mục tiêu đưa nền toán học nước ta có bước phát triển mới, đạt thứ hạng 40 so thế giới vào năm 2020. Rõ ràng là phải có các giải pháp đồng bộ nhưng theo các chuyên gia có tâm huyết thì cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau. Trước hết, muốn phát triển toán học không có con đường nào khác là phải đẩy mạnh nghiên cứu toán học và đặt nó trên nền tảng chuẩn mực quốc tế. Ðây là giải pháp dài hạn, nhằm xây dựng và hoàn thiện mô hình các trường đại học – nghiên cứu, các viện nghiên cứu – ứng dụng toán học, để tạo ra đội ngũ chuyên gia, cán bộ giảng dạy có trình độ cao (mỗi khoa toán ở trường đại học tối thiểu có 30 – 40 tiến sĩ giỏi). Coi trọng đào tạo các chuyên gia liên ngành như toán kinh tế, toán địa chất, toán sinh học…
Ðiều đáng mừng của giới toán học nước nhà là ngày 23-12-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về toán. Mục tiêu của viện là trở thành một trung tâm toán học xuất sắc, có môi trường làm việc tương đương với một số nước phát triển về toán để trao đổi học thuật nhằm nâng cao năng lực khoa học của các nhà nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học nước nhà. Góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 đến 2020. Bảo đảm cho toán học Việt Nam phát triển bền vững, đồng thời nâng cao vị thế của nền toán học nước nhà trên trường quốc tế. Ðây là Viện nghiên cứu theo mô hình của các nước tiên tiến do GS Ngô Bảo Châu làm Giám đốc khoa học. Bộ máy của Viện có biên chế gọn nhẹ (khoảng mười người có uy tín trong lĩnh vực chuyên ngành) tham gia điều hành. Học viên là những cán bộ có năng lực được tuyển chọn từ khoa toán của các trường đại học, viện nghiên cứu. Nhiệm vụ của họ là thực hiện các đề tài nghiên cứu về toán trình độ cao, hình thành nên các nhóm nghiên cứu đi sâu vào các vấn đề của toán học hiện đại với phương pháp tự nghiên cứu, tự đào tạo là chính. Viện nghiên cứu cao cấp về toán sẽ tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ ngành toán được tiếp xúc, làm việc với các nhà toán học nổi tiếng thế giới mà không cần phải ra nước ngoài. Triển khai, thực hiện mô hình viện này có hiệu quả, sẽ tạo bước "đột phá", nhằm giải quyết một trong các mục tiêu lớn của chương trình trọng điểm toán quốc gia giai đoạn 2010 – 2020, là chấn hưng nền toán học nước nhà đang có chiều hướng đi xuống. Mặt khác, hội nhập mạnh mẽ vào nền toán học thế giới.
Ðến nay, thống kê chưa đầy đủ, cả nước có hơn 400 trường đại học, cao đẳng, nhưng trong đó có 30 trường đại học đào tạo cử nhân toán hoặc sư phạm toán. Thực tế cũng cho thấy, chỉ có 15 trường có khoa toán độc lập, còn lại là có người dạy toán trong khoa cơ bản thuộc các trường đại học, cao đẳng khác.
(Hội toán học Việt Nam)
Theo NGUYỄN KHÔI
(NDDT)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)