Năm học mới đã diễn ra khoảng một tháng và kể từ khi tài liệu giảm tải chính thức được chuyển cho các sở GD-ĐT, việc thực hiện tại nhiều trường vẫn còn lúng túng, mỗi địa phương triển khai theo một cách khác nhau.
Ảnh: minh họa – Internet |
Có ý kiến giáo viên cho rằng tài liệu hướng dẫn còn chung chung, nên có những tình huống cụ thể không biết xử lý thế nào.
Trước các ý kiến này, Bộ GD-ĐT có chỉ đạo gì mới để giúp các địa phương thống nhất cách thực hiện, đảm bảo mục tiêu giảm tải? Ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT), cho biết: Tài liệu Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông được bộ ban hành với cách biên soạn khá chi tiết, cụ thể và dễ hiểu.
Khi nhận được văn bản của bộ, giáo viên chỉ cần tự nghiên cứu, đối chiếu và đánh dấu vào sách giáo khoa những bài, những nội dung không phải dạy, những bài chuyển đọc thêm, những câu hỏi bài tập không yêu cầu học sinh làm. Bộ cũng chỉ đạo không ra bài tập và không kiểm tra, thi và đánh giá kết quả học tập của học sinh vào những nội dung giảm bớt trong văn bản Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông.
Hiện nay, đại đa số sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường, tổ bộ môn và giáo viên điều chỉnh phân phối chương trình chi tiết để triển khai kịp thời. Còn một số sở, phòng GD-ĐT triển khai có chậm hơn, tuy nhiên việc này không ảnh hưởng đến việc dạy và học của các trường, vì theo phân cấp đã nói ở trên, các trường học được chủ động về thời gian theo kế hoạch năm học đã xây dựng.
Trong quá trình dạy học, giáo viên mới nhận thấy những bất cập. Vậy xin ông cho biết giáo viên có thể đóng góp ý kiến khi kế hoạch giảm tải đã được triển khai không?
Từ ngày 17 đến hết ngày 31-8, bộ đã nhận được nhiều ý kiến góp ý bằng văn bản và qua email cho dự thảo. Hầu hết ý kiến thống nhất với mục đích điều chỉnh nội dung dạy các môn học để phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông, với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; thống nhất với các nguyên tắc và định hướng tinh giản các nội dung quá khó, trùng lặp, chưa thật sự cần thiết đối với học sinh, các câu hỏi, bài tập đòi hỏi phải khai thác quá sâu kiến thức lý thuyết để giáo viên, học sinh dành thời gian cho các nội dung thiết thực khác, tạo thêm điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ đề nghị các tập thể, cá nhân trong quá trình tổ chức thực hiện Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông nếu có thêm ý kiến góp ý về điều chỉnh nội dung dạy học, hoặc có vướng mắc không giải quyết được thì gửi trực tiếp về bộ (qua địa chỉ email: vgdth@moet.edu.vn; vgdtrh@moet.edu.vn) hoặc thông qua các sở. Bộ sẵn sàng tiếp thu, nghiên cứu để có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời.
Ở nhiều trường học hiện nay, việc quá tải đối với học sinh không chỉ do chương trình – sách giáo khoa nặng, mà do quan điểm của giáo viên và phụ huynh vẫn muốn học sinh học “nâng cao”. Bên cạnh đó là áp lực “học để thi”, nhất là thi vào các trường điểm, trường tốp trên, khiến giáo viên và học sinh phải dạy học vượt quá chương trình quy định. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Như chúng ta đã biết, việc quá tải trong dạy học đối với học sinh có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do tâm lý “khoa cử” của giáo viên, học sinh và gia đình học sinh. Muốn giải quyết tình trạng quá tải này phải cần rất nhiều giải pháp. Việc thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản là một trong những giải pháp giúp giáo viên thực hiện được ngay vì rất cụ thể, dễ làm và sẽ mang lại hiệu quả.
Bộ đã và đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương, nhà trường, giáo viên và học sinh tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá; tăng cường các điều kiện dạy học; nâng tỉ lệ học sinh được học hai buổi/ngày… để góp phần giảm tải, nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo Trịnh Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ
Tuổi Trẻ
Bình luận (0)