Em tôi học lớp 10 một trường quốc tế. Nhiều năm liền em là học sinh tiên tiến. Nó nói tiếng Anh rất khá, sử dụng vi tính thành thạo nhưng không sao phân biệt được các thành phố, tỉnh nào nằm ở đâu.
Thậm chí em còn ngờ ngợ về chuyện người miền Nam và người Việt Nam khác nhau ra sao. Hỏi quốc lộ 1A là đường nào, em nói: “Làm sao em biết”… Liệu có phải chỉ mình em tôi hay bao nhiêu học sinh đã học xong THCS không thể trả lời những câu hỏi như vậy?
Em tôi quan tâm, hay nói chuyện về Thế chiến thứ hai, quân đồng minh chiến thắng quân phát xít, trận chiến Trân Châu cảng, chiến thắng Điện Biên Phủ… Nhưng chỉ cần lùi xa hơn một chút về lịch sử Việt Nam, ví dụ như vương triều nhà Nguyễn tồn tại khoảng năm nào, kể tên vài ông vua nhà Nguyễn… thì tôi dám cá rằng không chỉ em tôi mà nhiều học sinh cỡ tuổi nó sẽ rối như mớ bòng bong.
Trong nhà tôi, đồ vật gì hư hỏng cũng phải kêu thợ. Em là con trai mà không biết gì về các thiết bị điện. Nhiều lúc tôi băn khoăn không biết nó được học những gì từ môn vật lý ở trường. Đừng nói chuyện sửa bàn, sửa ghế, ngay việc đóng cây đinh hay bắt con vít nó cũng lúng túng, quờ quạng. Sáng học, chiều học, tối học. Hết giờ. Em giống như một cái máy học, chỉ việc đóng – mở công tắc.
Càng gần gũi em, tôi lại càng cảm thấy thương nó. Em sắp trưởng thành, tốt nghiệp THPT. Nhưng những chuyện nhỏ của em cứ làm sao ấy. Kiến thức chông chênh, hụt hẫng. Thiếu hẳn thời gian được giáo dục về hoàn thiện kỹ năng sống. Em sẽ ra đời thế nào đây, hả em?
Theo HÀ THANH
(TTO)
Bình luận (0)