Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Loạn trường đại học: Chỉ tiêu dân trí hay nhu cầu nhân lực?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Việt Nam hiện nay có bao nhiêu trường đại học? Không mấy ai trả lời được chính xác, có thể là 450 hay 470, và con số này luôn bị thay đổi vì một tháng có thêm hai trường ĐH mới, một năm có thêm ít nhất là 17-20 trường. Con số này cũng không chính xác nốt.
Đặc biệt là trong khoảng thời gian gần mười năm trở lại đây việc lập đại học trở thành phong trào rầm rộ như thành lập hợp tác xã nông nghiệp trước đây. 
Chúng ta đang chứng kiến một thảm cảnh chỉ có duy nhất ở Việt Nam, là các trường cạnh tranh nhau không phải bằng chất lượng mà bằng các mánh lới chèo kéo người học, tung ra các chiêu thức hệt như các quán ăn đường phố như tặng tiền, đồng phục, hạ điểm đầu vào đến mức 7 điểm cũng trở thành sinh viên… Các chuyên gia nước ngoài họ hoàn toàn không hiểu điều gì đang xảy ra với một dân tộc có tuổi đời khởi xướng đại học vào loại lâu đời nhất nhì trên thế giới. 
Việc đào tạo là một lẽ, nhưng quan trọng hơn là làm sao phân bổ đến được đúng nơi có nhu cầu.
Trước đây đại học tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn thì nay tỉnh nào cũng có đại học (có lẽ trừ Dăk Nông mới thành lập là chưa có) có tỉnh đến bốn, năm trường đại học. Có trường mới toanh còn thơm mùi sơn nước, nhưng số trường nâng cấp từ cao đẳng, trung cấp, trường nghề, trường chính trị, trung tâm đào tạo thường xuyên lên đại học thì nhiều vô kể, nhiều đến mức có những trường đại học mà người có thâm niên giáo dục 30 – 40 năm khi được hỏi ngơ ngác không biết nó nằm ở đâu, đào tạo lĩnh vực nào, ai là hiệu trưởng. 
Không biết có phải vì lý do dễ kiếm ăn hay không mà việc lập đại học thành một phong trào mạnh mẽ, không chỉ tỉnh huyện, bộ ngành mà cả các tập đoàn kinh tế, công ty đều nhảy vào cuộc. Nếu một tổng công ty xây dựng, bất động sản, truyền thông, công nghệ thông tin, khai thác khoáng sản có máu mặt mà chưa có đại học thì chưa được coi là sang trọng. Nếu một ngày nào đó đại học Việt Nam lập lại trật tự nhờ có quy luật “mạnh được, yếu thua” và được điều tiết bởi “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường thì cũng không phải là quá tệ, nhưng như thế thì thật là quá nhẫn tâm với những người nông dân cắm mặt xuống bùn kiếm từng đồng xu lẻ mà đặt trọn niềm tin vào những trường đại học dở trường dở chợ như thế. 
Tại sao lại phải cho ra nhiều trường đại học ồ ạt như thế? Chúng ta thử lý giải hiện tượng này và xem xét hệ quả của nó ra sao? 
Cái lý của người cấp phép là làm sao trong thời gian ngắn phải nâng số sinh viên trên 10.000 dân ngang bằng với các nước tiên tiến xung quanh, như thế mới đáp ứng được mục tiêu năm 2020 trở thành nước công nghiệp, điều này cũng diễn ra trong việc đào tạo tiến sĩ làm sao phủ kín trong các cơ quan công quyền và giáo dục với chỉ tiêu đào tạo mới là 20.000 tiến sĩ. Hiện nay số sinh viên/10.000 dân của Việt Nam là khoảng 200 đến 220, trong khi các nước như Thái Lan, Philippines, Malaysia là 400 đến 450, Hàn Quốc và Singapore là 500 đến 600. Bộ Giáo dục và đào tạo muốn nâng số sinh viên/10.000 dân bằng Thái Lan, Malaysia hôm nay là 400 vào năm 2025. Đó là một ý tưởng hay, nhưng chưa chắc đã hợp lý. Bởi lẽ: 
Giống như cơ thể con người, cơ thể kinh tế của một quốc gia chỉ có thể dung nạp một lượng nhân lực có trình độ ở một mức độ nào đó. Việc sản xuất ra bao nhiêu kỹ sư, cử nhân, kiến trúc sư, nhà quản lý là tuỳ thuộc vào nhu cầu thực tế của xã hội trong mỗi giai đoạn chứ không phải xuất phát từ việc nhìn xem các nước láng giềng và lại càng không nên xuất phát từ trí tưởng tượng bay bổng của một vị lãnh đạo tỉnh (cho dù là với động cơ cực kỳ trong sáng) rằng tỉnh kia có đại học văn hoá, đại học công nghệ thông tin thì có lý do gì mà mình lại không có, trong khi đào tạo ra không biết để làm gì. Thuốc bổ là cần, nhưng uống nhiều quá cũng sinh bệnh mà chết. 
Việc đào tạo là một lẽ, nhưng quan trọng hơn là làm sao phân bổ đến được đúng nơi có nhu cầu. TP.HCM có đến hàng trăm, thậm chí là cả ngàn bác sĩ tốt nghiệp nhưng có đi làm hết không? Nhiều ngành khác như sư phạm, hành chính, các ngành khoa học xã hội tốt nghiệp xong cứ quanh quẩn ở 14 quận nội thành TP.HCM. Tình trạng này cho thấy xã hội không thiếu nhân lực trình độ cao, có nhiều ngành thừa rất nhiều mà do chưa có chính sách tốt cho nên không thu hút được nhân lực và như vậy mở ra càng nhiều trường đại học đồng nghĩa với việc hàng tồn kho ngày càng nhiều, lãng phí cho xã hội và cho chính mỗi gia đình. 
Cơ thể kinh tế của một quốc gia chỉ có thể dung nạp một lượng nhân lực có trình độ ở một mức độ nào đó. Việc sản xuất ra bao nhiêu kỹ sư, cử nhân, kiến trúc sư, nhà quản lý là tuỳ thuộc vào nhu cầu thực tế của xã hội trong mỗi giai đoạn chứ không phải xuất phát từ việc nhìn xem các nước láng giềng để phấn đấu cho bằng.
Không ít những vị chức sắc cho rằng việc đào tạo ra nhiều cử nhân, kỹ sư nếu không kiếm được việc làm thì bề nào cũng vẫn tốt, vì như thế là góp phần nâng cao dân trí, đào tạo con người. Điều này không sai, nhưng trình độ phát triển và mức sống của đại đa số người dân chưa đến mức “học chơi”. 
Lên đại học quá dễ dù “phải theo tiêu chuẩn”, nhưng để có những tiêu chuẩn thì không có gì khó, chỉ cần một cô thư ký ngồi một buổi trước máy tính là sẽ có tất tần tật. Vậy là chẳng mất gì, chỉ cần tăng thêm một năm nếu là cao đẳng ba năm, còn đội ngũ thầy cô giáo, cơ sở vật chất vẫn vậy (nếu thiếu thì thuê mượn đỡ ở đâu đó), có khác chăng là thay cái bảng treo ở trước cổng trường. Nhưng vấn đề không đơn giản như thế. Khi các anh, chị học trung cấp, cao đẳng thì còn chấp nhận các công việc phổ thông, kể cả việc lao động nặng nhọc, chân lấm tay bùn… nhưng khi có tấm bằng đại học, giờ là “ông kỹ sư, bà cử nhân” giải quyết được sĩ diện thì bắt đầu chê việc. Ở một tỉnh nọ của đồng bằng sông Cửu Long có trường trung cấp tài chính, khi xưa tốt nghiệp xong người học vui vẻ về xã, huyện làm việc nhưng nay lên đại học chả ai chịu về xã nữa. Đó là hậu quả của việc gán nhãn mới màu mè chất lượng cao lên chai nước mắm có độ đạm vẫn thế. Nếu đọc trong bất kỳ lời giới thiệu nào của các trường dân lập đều có câu “văn bằng cấp nằm trong hệ thống văn bằng của Bộ Giáo dục và đào tạo và Nhà nước Việt Nam” như là một sự bảo chứng cho nhãn hiệu. 
Rất nhiều vị quản lý nhà nước cho rằng việc bùng nổ đại học rồi dẫn đến phá sản như đã diễn ra trong thị trường bất động sản là điều tốt và là cơ hội thanh lọc đại học. Đúng là điều này đang xảy ra với nhiều khoa bị giải thể vì không có sinh viên, nhưng không dễ gì với trường. Việc lập ra đã khó, nhưng giải thể có khi còn khó hơn, bởi đó là “tâm huyết” là “lòng yêu dân tộc” của các vị sáng lập và càng khó hơn vì động chạm đến lợi ích nhóm, thậm chí lợi ích gia đình. Thực tế không ai mở trường học với tuyên ngôn để kiếm tiền mà là phục vụ đất nước, nhưng có một thực tế ai cũng thấy một thời kinh doanh giáo dục là kinh doanh an toàn nhất, vốn ít nhất mà lời cũng bộn nhất. Chỉ cần mướn được mặt bằng là có thể chiêu sinh được, thầy đi mời bên ngoài miễn trả giá cao hơn công lập sau đó phát triển với phương châm “lấy mỡ nó rán nó”.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, khi bà nội tôi còn sống, bà tôi vẫn làm bánh cuốn ra chợ phiên đầu làng bán, mỗi phiên bà chỉ làm có chừng 30 cái, tôi hỏi sao bà không làm nhiều hơn, bà nói ở cái làng này những người có được một, hai xu mua bánh cuốn đâu có bao nhiêu mà làm nhiều, làm nhiều lại ế mang về. Những người nông dân ở cái làng quê bé tẹo chả được học quy luật cung cầu thế mà họ cũng biết sản xuất ra cỡ nào thì vừa, sao quan chức chúng ta nhiều tiến sĩ, giáo sư thế mà vẫn tính hớ mới lạ chứ.
Ai là người chịu trách nhiệm trả lời trước nhân dân? Rồi ai đó sẽ nói rằng lịch sử sẽ phán xét? Nhưng than ôi không phải đợi đến mai sau mà ngay hôm nay con cháu chúng ta đang phải trả giá cho những quyết định “khó hiểu” này.
Theo TS Nguyễn Minh Hòa
SGTT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)