Người thanh niên đóng vai trò là bị cáo trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử
|
Thay vì phải lắng nghe những kiến thức về pháp luật trong các tiết học khô khan, hơn 300 học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Q.3 đã được “mục sở thị” một phiên tòa ngay tại sân trung tâm trong tuần qua…
Khi chàng thanh niên tuấn tú được một người trong sắc phục công an áp giải ra sân trường, mọi ánh mắt của học viên đều đổ dồn về phía họ. Rồi khi thư ký phiên tòa bước ra và yêu cầu tất cả mọi người đứng dậy để hội đồng xét xử bắt đầu làm việc, các học viên tuy tỏ ra rất ngạc nhiên nhưng vẫn chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của người thư ký. Phiên tòa bắt đầu làm việc theo đúng trình tự… như phiên tòa thật – dù đây chỉ là phiên tòa giả định do Đoàn cơ sở Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM phối hợp với Trung tâm GDTX Q.3 tổ chức.
Nội dung của phiên tòa xét xử về tai nạn giao thông mà đối tượng gây án là học viên một trung tâm GDTX. Tuy chưa đủ tuổi sử dụng xe gắn máy nhưng đối tượng đã sử dụng phương tiện này, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ), đi ngược chiều và gây tai nạn khiến 1 người chết, 1 người bị thương. Sau khi sự việc xảy ra, người gây ra tai nạn đã trực tiếp đưa các nạn nhân đi bệnh viện và bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, trước những vi phạm do mình gây ra, người gây ra tai nạn vẫn không thể tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật.
Tuy chỉ là giả định, nhưng không vì thế mà phiên tòa mất đi sự nghiêm túc với các trình tự vốn có. Trong các phần: thủ tục, xét hỏi, tranh luận, tuyên án… những cá nhân đóng vai trò là thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên tại phiên tòa đều thể hiện sự uy nghiêm và thái độ khoan hồng của pháp luật đối với việc khai báo thành khẩn của bị cáo. Các học viên cũng được chứng kiến những lý luận sắc sảo của người đóng vai trò là luật sư, thái độ ăn năn hối cải của người vi phạm pháp luật. Bản án 2 năm 3 tháng tù giam theo Bộ luật Hình sự là hình phạt xử lý thích đáng đối với bị cáo, cũng là lời cảnh báo đối với những thanh thiếu niên điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đến tuổi trưởng thành. Em Ngô Ngọc Hà, học viên lớp 11, chia sẻ rằng từ trước tới nay em chỉ xem các vụ xét xử qua chương trình thời sự trên truyền hình hay phim ảnh. “Em không thể hình dung một phiên tòa được xét xử như thế nào cho tới khi tham dự phiên tòa giả định này. Em nghĩ đây cũng là một cách tuyên truyền pháp luật hiệu quả vì không chỉ học viên trung tâm GDTX mà học sinh các trường THPT cũng có nhiều bạn sử dụng xe gắn máy phân khối lớn làm phương tiện đi lại”, Ngọc Hà khẳng định.
Ông Võ Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm GDTX Q.3, cho biết năm học nào trung tâm cũng phối hợp với các ban ngành tổ chức các buổi nói chuyện để học viên hiểu rõ hơn về pháp luật. Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật vào trong nội dung các tiết học giáo dục công dân. “Học viên tại trung tâm GDTX thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau nên rất khó khăn trong việc quản lý và giáo dục. Do đó, trung tâm thường tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa có nội dung thiết thực, nhẹ nhàng nhằm góp phần giáo dục đạo đức cho các em”, ông Sơn nhấn mạnh.
Hiện nay, hành vi vi phạm an toàn giao thông hay phạm pháp hình sự ở lứa tuổi thanh thiếu niên đang là vấn đề “nóng” được các cơ quan pháp luật quan tâm. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2011, TP.HCM có 18 vụ phạm pháp hình sự ở lứa tuổi học sinh – sinh viên, bắt 43 đối tượng vi phạm giao cho Công an TP.HCM. Việc các cơ quan, ban ngành tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu niên là một hoạt động được nhiều trường học, địa phương hưởng ứng trong nhiều năm qua. Anh Ngô Hồng Anh, đại diện Đoàn cơ sở Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, cho biết ngoài Trung tâm GDTX Q.3, đoàn còn tổ chức phiên tòa giả định tại một số trường THPT, khu dân cư lao động. Nội dung các vụ án đều được xây dựng trên cơ sở các vụ án có thật đã từng xảy ra trước đây. “Tại mỗi nơi có xét xử, đoàn đều để lại địa chỉ để các em học sinh, học viên có những thắc mắc về pháp luật, nghề nghiệp thuộc về pháp luật có thể gửi câu hỏi để chúng tôi hướng dẫn, giải đáp. Các cá nhân tham gia chương trình này đều luôn cố gắng trả lời các em trong thời gian sớm nhất”, anh Hồng Anh nói.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Tuy chỉ là phiên tòa giả định nhưng không vì thế phiên tòa mất đi sự nghiêm túc với các trình tự vốn có. Những cá nhân đóng vai trò là thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên… đều thể hiện sự uy nghiêm và thái độ khoan hồng của pháp luật.
|
Bình luận (0)