Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hỗ trợ tâm lý trong nhà trường: Không thể xem nhẹ

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, nạn bạo lực học
đường liên tục diễn ra ở các trường phổ thông, là vấn đề được dư luận xã hội
quan tâm. Chủ thể gây nên bạo lực là các em học sinh đang ở lứa tuổi vị thành
niên, không chỉ xuất hiện ở các bậc “đàn anh” mà còn sự tham gia của “đàn chị”.
Đây là nỗi lo của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội. 
Tuổi vị thành niên luôn có sự
biến đổi lớn về tâm sinh lý, các em luôn muốn tự khẳng định “cái tôi” của bản
thân. Vì vậy, chúng ta phải có sự can thiệp thế nào để mang lại hiệu quả. Hiện
nay ở các nước gần với chúng ta như Thái Lan, Singapore… ngành giáo dục của họ
ngoài việc cung cấp, trau dồi kiến thức cho người học thì mỗi ngôi trường đều
có trung tâm hoặc phòng hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Nhiệm vụ của hỗ trợ tâm lý
là đòi hỏi người lớn và những người có trách nhiệm lắng nghe, giúp đỡ và tạo mọi
điều kiện thuận lợi cho học sinh nắm bắt được kiến thức, chia sẻ nhận thức, cảm
xúc, tình cảm và các vấn đề tâm lý, tinh thần khác nhằm giúp thế hệ trẻ vượt
qua những khó khăn, vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Từ tầm quan trọng của việc hỗ
trợ tâm lý cho thế hệ trẻ, thiết nghĩ ngành giáo dục cần phải mở các phòng tham
vấn tâm lý để hỗ trợ cho học sinh, nhất là ở bậc THPT, biến nó là nơi gỡ rối
cho học sinh, phụ huynh, thầy cô… khi họ gặp khó khăn về tinh thần, tình huống
giáo dục phức tạp. Những người có trách nhiệm cần phải thay đổi một số quan niệm
chưa phù hợp của một số cá nhân cho rằng hỗ trợ tâm lý cho học sinh chỉ là những
hỗ trợ khi chúng có sự cố về tâm lý điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi chúng ta đều
biết một con người chỉ có thể phát triển tốt khi được định hướng kịp thời, khoa
học và đúng đắn về mọi mặt. Trong đó công tác hỗ trợ tâm lý cho học sinh phải
là một quá trình liên tục, toàn diện, có kế hoạch, chủ động không đơn thuần là
sự lắng nghe, chia sẻ nhận thức cảm xúc, tình cảm mà còn những vấn đề tâm lý,
tinh thần khác nhằm giúp các em giảm stress.
Để có những trung tâm, phòng
tham vấn tâm lý trong nhà trường hoạt động có hiệu quả có lẽ chúng ta sẽ gặp một
vài khó khăn như đội ngũ thực hiện, kinh phí… Tuy nhiên trước thực trạng học
sinh ở các bậc học có “sự cố” về tâm lý ngày càng tăng như hiện nay thì đòi hỏi
chúng ta phải có trách nhiệm can thiệp kịp thời để con em mình có được nhận thức
và hành động đúng đắn.
Đậu Văn Tân
(Giảng viên Trường ĐH Nguyễn Huệ)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)