Không ít HS cảm thấy mệt mỏi và chán với bài vở trên lớp, vì thế phụ huynh cần phải gần gũi, chia sẻ nhiều hơn để các em học tập tốt
|
Hiện tượng học sinh (HS) chán học, thậm chí trốn học đi chơi là “căn bệnh” khó trị luôn làm đau đầu nhà trường và gia đình.
Vậy tại sao lại xảy ra hiện tượng này? Làm thế nào để nhà trường và phụ huynh giải quyết thực trạng này?
Khi con chán học
Đang là một HS giỏi nhiều năm liền, nhưng khi lên lớp 12 thì kết quả học tập của N.T.H (học sinh một trường THPT tại Q.Bình Thạnh) giảm sút nghiêm trọng. Gần đến kỳ thi học kỳ nhưng H. không tập trung tới bài vở mà đầu óc cứ “treo ngược cành cây”, vô lớp lơ là không nghe thầy cô giảng bài; về nhà H. không chịu ôn bài mà thường xuyên kiếm cớ đi chơi với bạn bè. Trong thời gian học tập sa sút này, bố mẹ H. (làm tổng giám đốc hai công ty lớn tại TP.HCM) thỉnh thoảng nghe bạn bè của con nhắc đến nhưng họ không tin vì nghĩ rằng con mình ở nhà vẫn rất ngoan, tối đến vẫn thấy học bài chứ có đi đâu. Vì vậy, khi nhận phiếu báo điểm từ giáo viên, bố mẹ H. choáng váng bởi từ một HS giỏi, giờ con họ chỉ đạt điểm ở mức trung bình khá.
Chán học không chỉ là hiện tượng xảy ra ở HS trung học mà ngay những HS tiểu học, thậm chí là những em mới học lớp 1, lớp 2 cũng gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, với những HS nhỏ tuổi thì giáo viên và gia đình phát hiện nhanh hơn và khắc phục kịp thời nên tình trạng này chỉ xảy ra ở một giai đoạn ngắn.
Chị Nguyễn Thu Thủy ở Q.5, cho biết con chị đang học lớp 2, bỗng nhiên một ngày cháu nằng nặc đòi nghỉ học. Chị khuyên răn mãi mà con không chịu. Đến khi lên lớp, chị hỏi cô giáo chủ nhiệm thì cô cho biết những ngày gần đây con chị mất tập trung vào việc học, chỉ ngồi ủ rũ một mình, cô cũng đang tìm cách giải quyết. Còn anh Đỗ Minh Hải ở Q.3, có con trai năm nay học lớp 5 Trường Tiểu học T.Q.T, tâm sự: “Khi tôi đón con đi học về, tôi kể rất nhiều chuyện nhưng cháu không chịu nghe mà cứ ngó ngược ngó xuôi. Tới khi học bài buổi tối, cháu lại tìm cách lôi những câu chuyện hồi chiều của tôi ra thảo luận. Tôi có cảm giác như cháu đang tìm mọi cách để trì hoãn việc học bài. Cháu cứ thích nói chuyện không đúng lúc đúng chỗ trong khi việc học lại không chịu tập trung”.
Phụ huynh cần gần gũi, chia sẻ với HS
Ông Ngô Minh Uy, Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố khuyên: “Đừng để con cái thừa thãi vật chất, dư dả thời gian mà thiếu thốn tình cảm gia đình, như vậy dễ đưa trẻ vào tình trạng chán nản trước cuộc sống, trước việc học tập. Kiến tạo không gian đầy ấm cúng trong gia đình là việc làm tích cực giúp con cái trưởng thành và phát triển tốt nhất”.
|
Theo ông Trần Tuấn Lộ, Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Văn Hiến, HS chán học thường biểu hiện ở những điểm như thiếu chú ý trong giờ học, hay lấy thời gian học tập để làm việc khác, tìm đủ lý do để không phải ngồi vào bàn học… và kết quả học tập bị sa sút trầm trọng.
Trong khi đó, cô Phạm Thị Lệ Chi, giáo viên Trường Tiểu học Đuốc Sống (Q.1) đưa ra những thực tế: “HS chán học ở bậc tiểu học không nhiều và chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn vì nếu được gia đình, bạn bè và thầy cô phát hiện và giúp đỡ kịp thời thì các em lấy lại tinh thần học tập nhanh chóng. Khi chán học, các em sẽ không tập trung vào bài giảng của giáo viên mà chỉ làm những việc riêng như lấy tập nháp ra vẽ, tô màu hoặc lấy hộp bút ra chơi một cách tự nhiên như không hề có cô giáo”.
Đồng tình với ý kiến này, cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên dạy tiểu học Trường Quốc tế Canada, chia sẻ: “Khi HS tiểu học chán học, các em sẽ có những biểu hiện “chống đối” lại bài giảng của giáo viên rất tự nhiên nên giáo viên sẽ phát hiện kịp thời. Thường các em kiếm cớ hỏi cô giáo đủ mọi chuyện. Trong những trường hợp này, chúng ta không nên giảng nhiều mà phải cho HS học ít thôi và từ từ tìm hiểu các nguyên nhân khiến các em chán học để khắc phục bài giảng còn thiếu sót của mình”.
Bàn về vấn đề chán học của HS, ông Ngô Minh Uy, Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố, đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh đừng quá tức giận với những gì đang xảy ra với con mình mà hãy học cách đối diện với những tình huống con mình đang gặp phải và nhẹ nhàng tìm hiểu các nguyên nhân từ phía nhà trường cũng như bản thân con và gia đình. Sự gần gũi chia sẻ với con để hiểu ra vấn đề và giải quyết là việc làm hết sức quan trọng. Hãy xem con như một người bạn để dễ dàng tâm tình và hiểu con hơn, từ đó định hướng con theo những suy nghĩ và hành vi tích cực nhằm tránh xa những thói quen không tốt trong cuộc sống mà lơ là trong học tập. Đừng để con cái thừa thãi vật chất, dư dả thời gian mà thiếu thốn tình cảm gia đình sẽ dễ đưa con vào tình trạng chán nản trước cuộc sống, trước việc học tập. Kiến tạo không gian đầy ấm cúng trong gia đình là việc làm tích cực giúp con cái trưởng thành và phát triển tốt nhất”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Khi trẻ không muốn về nhà
Tuần qua, tôi thật sự bất ngờ khi gặp nhóm học sinh cũ trong quán nước gần một trung tâm văn hóa ngoài giờ. Các em đều là học sinh giỏi đang học bán trú tại một trường THCS khá nổi tiếng của thành phố. Sau những lời thăm hỏi, các em cho biết, tan học là đến trung tâm, khi học xong là vào quán uống. Đã hơn 21 giờ, thấy các em cứ mãi hàn huyên tâm sự, tôi hối thúc về nhà để ba mẹ mong. Một em lên tiếng: “Phải chi ba mẹ đang mong ở nhà thì vui biết mấy, giờ này chưa ai về đâu, thầy ơi”. Một em khác nói: “Về sớm làm gì? Bây giờ về cũng ăn cơm một mình, rồi xem ti vi hay lên net”…
Các em không muốn về nhà! Một thực tế đáng buồn mà khá nhiều phụ huynh không nghĩ đến. Ở cái tuổi đang lớn, nhu cầu được chia sẻ, muốn được mọi người quan tâm là rất quan trọng, thế mà cha mẹ hay gia đình không là nơi chốn các em cần thì thật là tai hại. Bạn bè, những người lớn không phải là người thân trong gia đình bỗng trở nên cần thiết, quan trọng với trẻ hơn cha mẹ, đây là điều đáng lo ngại. Trẻ yêu sớm, quan hệ tình dục sớm, bị lạm dụng… cũng một phần nguyên nhân do các em không được cha mẹ gần gũi nên đã tìm đến người khác để được quan tâm chia sẻ và rồi phạm sai lầm….
Mỗi lần họp phụ huynh, tôi thường nói: “Cha mẹ hãy xem con cái như một người khách. Đi làm về, dù mệt mỏi đến đâu phụ huynh cũng phải dành thời gian để nói chuyện như khi có khách đến nhà. Phụ huynh hãy xem con mình là người khách quý mà mình cần phải bỏ nhiều thời gian hơn để hỏi han trò chuyện”.
Các bậc cha mẹ hãy thử nghĩ, tiền bạc làm ra thật nhiều sẽ có ích gì khi có một đứa con hư. Mong rằng các phụ huynh hãy sắp xếp công việc để gần con nhiều hơn. Đừng để gia đình trở thành nơi trẻ không muốn về.
Lê Phương Trí
|
Bình luận (0)