Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Làm gì khi học sinh chán học: Bài cuối: Sốc tâm lý ảnh hưởng đến việc học

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên và gia đình cần quan tâm đến sự phát triển tâm lý của học sinh

Những vấn đề xuất phát từ tâm sinh lý của bản thân cũng như sự bất hạnh trong gia đình cũng làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh…
Mặc cảm về bản thân
Một câu mắng vô tình của giáo viên do làm bài không được hay những lời trêu chọc của bạn bè về thân hình quá cỡ… cũng khiến cho vài “cậu ấm cô chiêu” bị sốc tâm lý và cảm thấy chán nản chuyện học hành, chỉ muốn thu mình ở nhà cho yên.
“Học sinh THPT đang ở độ tuổi trưởng thành, các em rất nhạy cảm với những lời nói của giáo viên. Chỉ cần một câu nói nghiêm khắc khi các em không làm bài tập hay nói chuyện riêng trong lớp cũng đủ để trở thành một cú sốc tâm lý khiến các em cảm thấy cách cư xử đó là quá đáng và chống đối lại bằng cách lơ là học tập”, cô Nguyễn Thị Tuyết, chuyên viên tư vấn tâm lý Trường THPT Gia Định chia sẻ. Cùng với lời nói của giáo viên, sự phát triển về tâm sinh lý cũng khiến những học sinh có ngoại hình khiêm tốn hay “quá cỡ” bắt đầu mặc cảm với bản thân và chán việc học. Cô Tuyết cho biết trong quá trình làm công tác tham vấn tâm lý, có một nữ sinh lớp 11 đã chia sẻ với cô về vấn đề này. Em cho rằng ngoại hình của mình mập quá cỡ nên rất sợ ánh mắt ái ngại của bạn bè khi nhìn mình, do đó em luôn ngại ngùng khi đến lớp mà chỉ muốn nghỉ học. Từ đó em bỏ bê việc học cả mấy tháng.
Không chỉ chán học vì mặc cảm với ngoại hình, nhiều học sinh còn chán học vì bị bạn bè từ chối chơi chung, không làm được các bài tập… Theo cô Nguyễn Thị Hồng Châu – giáo viên bộ môn giáo dục công dân Trường THPT Lê Quý Đôn – trong quá trình phát triển tâm sinh lý, đặc biệt là ở lứa tuổi trung học, nhiều học sinh bị khủng hoảng tâm lý, nghĩ rằng không ai muốn chơi với mình nên muốn thay đổi. Sự thay đổi này diễn ra như sau: một là sống thụ động, khép kín và chán việc đến trường dẫn đến tình trạng chán học; hai là các em muốn mọi người chú ý đến mình hơn nên nhiều lúc trong giờ học các em quậy phá, lơ là với việc học.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Trần Tuấn Lộ – Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Văn Hiến – cho rằng trường hợp học sinh chán học do mặc cảm về bản thân là không nhiều. Với những học sinh này, chủ yếu là do các em bị khiếm khuyết mặt nào đó về ngoại hình, bị bạn bè xúc phạm, trêu ghẹo nên các em nghĩ mỗi ngày đến trường là một ngày bị xã hội coi thường, thương hại. Vì thế các em chỉ muốn sống khép mình và chán việc học. Một trường hợp chán học khác nữa là do bệnh lý, một số em bị bệnh tự kỷ nên mang tâm lý né tránh, không muốn tham gia học tập cùng các bạn; hoặc một số em lại bị bệnh tăng động giảm chú ý nên không thể ngồi yên một chỗ để học tập mà thường xuyên phải đi tới đi lui, chạy nhảy linh tinh, làm các việc riêng mà lơ là đến việc học.
Gia đình không hạnh phúc
Bố mẹ bất hòa, gia đình không hạnh phúc cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng không ít đến tâm lý học sinh khiến các em muốn chống đối lại tất cả mọi việc của người lớn bằng cách bỏ bê việc học. Đặc biệt, đây không chỉ là tâm lý của các em đã ở độ tuổi trưởng thành mà ngay cả những em nhỏ cũng chán ngán với việc học khi ba mẹ chia tay.
Cô Nguyễn Thị Phi Nhung – giáo viên Trường THPT Thanh Đa – kể về trường hợp một học trò cũ mà đến giờ cô vẫn không thể quên: “Ba mẹ ly hôn, em ở với mẹ. Mẹ em nghĩ đơn giản rằng cú sốc tinh thần này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của em. Thế nhưng, bà lại không hề hay biết em bị mắc bệnh trầm cảm ngay sau khi ba mẹ chia tay. Đến lớp, em không hề nói chuyện với bất kỳ ai, thái độ lúc nào cũng tỏ ra bất cần đời, thậm chí khi giáo viên hỏi em còn không trả lời. Chỉ một năm sau, em quyết định nghỉ học vì… quá chán”.
Nhiều cặp vợ chồng trước khi ly hôn thường vẫn sống vui vẻ, hòa nhã trước mặt con cái để tránh cho các con buồn ảnh hưởng đến việc học tập. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý thì đây là một việc làm không nên bởi khi chuyện vỡ lở các em rất dễ bị chấn thương tâm lý, kể cả trẻ nhỏ.
Cô Bùi Thanh Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Đuốc Sống (Q.1) kể: “Cách đây gần chục năm, học trò của tôi cũng gặp phải trường hợp này. Ba mẹ bất hòa từ lâu nhưng cậu bé không hề biết, đến khi hai người dắt díu nhau ra tòa thì cậu bé bị sốc trước sự chia tay đột ngột này. Vây là đến lớp, cậu chỉ ngồi lầm lì một chỗ không chịu học bài, có khi giờ ra chơi cậu trốn về nhà làm giáo viên phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm khắp nơi. Phải mất rất nhiều thời gian, cậu bé mới vượt qua được cú sốc đầu đời này”.
PGS.TS Trần Tuấn Lộ khẳng định: Ba mẹ bất hòa, gia đình không hạnh phúc sẽ dẫn đến tâm lý cực đoan ở một số trẻ, đặc biệt là những trẻ sống nội tâm. Vì thế, khi gặp phải mối bất hòa thì các cặp vợ chồng nên nhường nhịn, chia sẻ lẫn nhau để tránh kết cục tan vỡ, đẩy con vào con đường bi kịch.
Bài, ảnh: Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)