Mỗi lúc rảnh, thầy Tân lại bắt tay vào sáng tạo đồ chơi
|
“Ở đâu cần Tân có, ở đâu khó có Tân” là khẩu hiệu mà các đồng nghiệp tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM “gắn” cho thầy giáo Trần Minh Tân. Bởi đơn giản, khi có vướng mắc gì trong giảng dạy, họ đều tìm đến thầy Tân như một “quân sư” của mình.
Người sáng tạo học cụ
Có thể nói, nghề giáo là một duyên nợ với thầy Tân, bởi hơn 40 tuổi đời và đã “kinh” qua rất nhiều nghề, thầy mới chịu “dừng chân” khi về công tác tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật. Dù vậy, công việc của thầy khá thầm lặng bởi không trực tiếp đứng lớp giảng dạy, song lại có tính định hướng và giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của học trò. Đó là sáng tạo đồ chơi và dịch thuật các tài liệu liên quan đến giảng dạy trẻ khuyết tật. Thầy Tân cho biết hầu như các sách hỗ trợ phát triển hòa nhập cho người khuyết tật tại Việt Nam rất ít, do đó, thầy phải thường xuyên tìm các tài liệu nước ngoài – vốn được viết rất chỉn chu khi đưa ra các trường hợp, môi trường cụ thể – để chuyển dịch cho các giáo viên tham khảo. Cũng theo thầy Tân, học sinh khuyết tật chủ yếu học kỹ năng thông qua các trò chơi, đồ chơi trong khi thị trường lại khan hiếm, có đặt cũng không ai nhận làm nên việc sáng tạo học cụ là điều tất yếu mới có thể đáp ứng nhu cầu dạy – học. Bên cạnh đó, để tránh gây nhàm chán cho các em đòi hỏi đồ chơi phải phong phú, đa dạng và thay đổi liên tục.
Xuất phát từ nhu cầu nói trên, trong quá trình làm việc, thầy Tân luôn trăn trở làm sao để có thể “phát minh” ra thật nhiều món đồ chơi phục vụ cho hoạt động học và chơi của trẻ. Mày mò nghiên cứu, để rồi tài sản đồ chơi của thầy cung cấp cho các em, tính đến nay đã vượt con số 100 món.
Học cụ đầu tiên mà thầy Tân “ra mắt” chính là những góc ghế, chiếc bàn thấp được làm bằng giấy dán cứng thay cho gỗ, nhằm giúp các em bại não dễ dàng di chuyển. Tiếp đến là cái hộp đèn, một công cụ kích thích phát triển thị giác cho trẻ khiếm thị. Thầy Tân cho hay: “Vì không nhìn rõ, trẻ khiếm thị thường lười sử dụng thị giác khiến chức năng này mỗi ngày một thoái hóa nên hộp đèn là đồ chơi giúp các em thích thú sử dụng thị giác, qua đó nhìn được rõ hơn”. Để làm hộp đèn, thầy sử dụng thùng… mì tôm, sau đó khoét bỏ một mặt và thay bằng tấm mica trắng, bên ngoài dán đề can nhiều màu sắc. Cuối cùng dùng hai bóng đèn compact 14 watt, 220 volt làm nguồn sáng và có công tắc điều khiển. Ngoài ra còn có căn phòng nhỏ và sàn cộng hưởng là hai học cụ quan trọng giúp kích thích và phát triển giác quan cho người khuyết tật…
Kế bên phòng làm việc của thầy Tân, trung tâm còn dành hẳn cho thầy một phòng rộng, chứa đựng nhiều vật dụng từ vỏ hũ sữa chua, chai lọ, thùng giấy, ống nước, lon nước ngọt, đĩa CD hư… để mỗi lúc rảnh rang, thầy lại sang… mày mò, nghiên cứu và lắp ráp thành những món đồ chơi hữu ích. Cô Nguyễn Thị Duyên Anh, giáo viên tại trung tâm, đánh giá: “Hầu hết những món đồ chơi thầy Tân làm khiến học trò rất thích, thông qua đó chúng tôi có thể rèn luyện kỹ năng cho các em. Ví dụ, đồng hồ cát được làm từ hai vỏ chai, khi nhìn cát chảy, các em học được sự tập trung và cách phát âm những từ như: đầy, rỗng, nhanh, chậm”.
“Quân sư” của đồng nghiệp
Thầy Tân khẳng định: “Chính trong những lần dự giờ, tôi quan sát và suy nghĩ xem các em cần món đồ chơi nào để giúp phát triển kỹ năng, từ đó tìm đọc tài liệu và sáng tạo học cụ”. Sau đó, trong quá trình ứng dụng đồ chơi, tùy theo khả năng của học sinh mà các thầy cô góp ý để hoàn thiện sản phẩm. Ngược lại, nếu gặp bất cứ trở ngại nào khi giảng dạy, như khó khăn trong việc giúp trẻ phát âm, tập trung hay đi lại, các thầy cô cũng tìm đến thầy Tân để được giải đáp và chỉ dẫn sử dụng học cụ.
Điều khiến thầy Tân vui nhất là nhiều phụ huynh, sau khi nhìn thấy con em mình thông qua đồ chơi mà học được nhiều kỹ năng đã… tìm đến thầy để xin học cách lắp ráp đồ chơi. Theo thầy Tân, điều đó thể hiện sự quan tâm, có phối hợp giữa phụ huynh với nhà trường để có được kết quả tốt nhất. Biết nhu cầu của phụ huynh không dừng lại ở đó, thầy còn sáng tạo một kệ sách có đầy đủ tài liệu do mình chuyển dịch và hướng dẫn giảng dạy để phụ huynh có thể mua, mượn về nhà nghiên cứu. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều đồng nghiệp hiện giảng dạy tại các trường khuyết tật, chuyên biệt khác thường tìm đến thầy xin chia sẻ kinh nghiệm, học cách làm đồ chơi hoặc mời thầy về báo cáo chuyên đề hay tổ chức các buổi tập huấn để nâng cao nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên môn…
Đánh giá quá trình công tác của thầy Tân, ông Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc trung tâm – khẳng định: “Công việc của thầy Tân tuy thầm lặng nhưng đóng góp rất nhiều trong việc giảng dạy trẻ khuyết tật. Là một giáo viên trong hoàn cảnh nào cũng phấn đấu vượt khó, có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao nên thầy Tân luôn nhận được sự tín nhiệm, tin cẩn của đồng nghiệp, phụ huynh và học trò”. Điều thú vị là mặc dù năm nay đã 59 tuổi nhưng thầy Tân luôn dí dỏm: “Mai mốt nghỉ hưu, nghỉ thì nghỉ nhưng làm thì tôi vẫn làm. Là bởi tôi đến với “nghề” quá trễ và sáng tạo đồ chơi cho các em giờ trở thành niềm trăn trở, thôi thúc nên tôi luôn muốn cống hiến cho ngành giáo dục đặc biệt này!”.
Bài, ảnh: Ngân Du
Với những cống hiến của mình, thầy Tân được ghi nhận đạt thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi – lao động sáng tạo” do Công đoàn Giáo dục TP.HCM phát động; được tặng giấy khen của Ban chấp hành Đảng bộ Sở GD-ĐT TP.HCM về thực hiện tốt 4 năm cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và thành phố nhiều năm liền… |
Bình luận (0)