Khâu ra đề luôn có ý nghĩa trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học viên. Ngoài đòi hỏi về tính chính xác, khoa học thì đề thi còn phải phù hợp với đối tượng – đề ra phải vừa sức người học, không quá khó và cũng không quá dễ. Đó là yêu cầu của ông Phạm Chí Dũng – Chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên (GDTX) tại buổi tập huấn ra đề thi học kỳ I năm học 2011-2012 cho bảy bộ môn ngành học GDTX do Sở GD-ĐT T.PHCM tổ chức.
Theo quyết định của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ năm học 2011-2012, các trung tâm GDTX sẽ được quyền tự chủ trong dạy và học, trong đó có việc ra đề thi học kỳ. Do đó giáo viên phải rà soát lại chương trình sách giáo khoa, phân phối chương trình của bộ để nắm vững các kiến thức trọng tâm của bộ môn. Theo Sở GD-ĐT, năm nay các trung tâm GDTX phải chú ý đến chương trình giảm tải để tránh tình trạng nội dung đề thi nằm ngoài chương trình khiến học viên không làm bài được. Một số trung tâm có ngân hàng đề thi từ những năm trước cũng không thể chủ quan theo kiểu “có gì dùng nấy” vì chương trình thường có phần tích hợp, liên hệ thực tế, liên đới với các bộ môn liên quan… Nhất là chương trình lớp 9 đã thay đổi rất nhiều vì có một nửa nằm trong chương trình một nửa kiến thức vận dụng nằm ngoài chương trình. Bên cạnh đó giáo viên cẩn thận rà soát lại những gì đã dạy và chưa dạy để bổ sung những lỗ hổng về kiến thức của học viên. Ví dụ, khi phân tích tác phẩm Vợ nhặt (nhà văn Kim Lân) chỉ chú ý đến hai nhân vật là vợ chồng anh Tràng mà quên đi nhân vật thứ ba là bà cụ Tứ thì khi làm bài học viên sẽ không làm được.
Theo Sở GD-ĐT, năm nay cấu trúc đề thi bảy bộ môn hầu như không thay đổi. Ví dụ: môn ngữ văn khối 9 có 3 câu (câu 1: Phần tiếng Việt và kiểm tra kiến thức sách giáo khoa; câu 2: Nghị luận xã hội khoảng 300 chữ; câu 3: Nghị luận văn học). Đề thi khối 12 có cấu trúc: Câu 1 tái hiện kiến thức sách giáo khoa; câu 2: Bài nghị luận xã hội khoảng 400 chữ và bài nghị luận văn học.
P.N.Q
Bình luận (0)