Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cà Mau hỗ trợ học sinh nghèo đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, trong những năm qua, tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học ở Cà Mau lại tái diễn, nhất là ở những xã nghèo, địa bàn nhiều kênh rạch, học sinh phải đi học bằng phương tiện đò.
Ðây là thực tế khá phổ biến ở tất cả các huyện trong toàn tỉnh, đồng thời cũng là nguyên nhân quan trọng làm hạn chế công tác giáo dục, vận động, duy trì và ổn định sĩ số hằng năm của hầu hết các trường phổ thông vùng nông thôn, kể cả một số xã thuộc thành phố Cà Mau.
Theo thống kê, vào thời điểm đầu năm học 2009 – 2010, số học sinh phổ thông tỉnh Cà Mau phải đi đò ngang đến lớp hằng ngày hơn 6.500 em, đi đò dọc hơn 31 nghìn em. Trong đó, học sinh phải đi đò dọc thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, con thương binh, con liệt sĩ, học sinh khuyết tật, học sinh bị nhiễm chất độc hóa học khoảng 14 nghìn em. Bình quân số tiền đò một học sinh phải trả hằng tháng đi đò ngang khoảng 45 nghìn đồng, tiền đi đò dọc khoảng 200 nghìn đồng. Chính vì vậy, gánh nặng chi phí tiền đò đến trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ học sinh bỏ học hằng năm cao.
Nhằm chia sẻ gánh nặng này với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có con em đi học, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thông qua phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", tỉnh Cà Mau đã chính thức triển khai rộng rãi chủ trương hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đi học bằng phương tiện đò. Kế hoạch phải thiết thực, nhằm huy động tối đa học sinh đến trường, hạn chế và tiến tới đẩy lùi tình trạng học sinh phổ thông bỏ học vì không có tiền đi học bằng phương tiện đò, góp phần thực hiện công bằng xã hội. Mặt khác, kế hoạch hỗ trợ này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực từ các tổ chức, các nhà tài trợ, nhà hảo tâm và nhiều lực lượng xã hội khác quan tâm tương lai thế hệ trẻ, và công tác phát triển sự nghiệp giáo dục nói chung. Việc triển khai thực hiện kế hoạch phải bảo đảm 100% học sinh có hoàn cảnh khó khăn và những học sinh thuộc diện khác được đi đò hằng ngày đến lớp, đồng thời những chủ đò phải hội đủ các điều kiện an toàn giao thông đường thủy nội địa theo quy định.
Nhờ có chủ trương hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đi học bằng phương tiện đò, học sinh bỏ học vì xa trường, đi lại khó khăn đã giảm đáng kể. Ngay từ đầu năm học 2009-2010, đã có 554 học sinh ở các cấp bỏ học đã được tiếp tục trở lại trường. Cuối năm 2009-2010, tỷ lệ học sinh phổ thông trong toàn tỉnh bỏ học giảm 0,28% so cùng kỳ năm học 2008 – 2009. Trong đó, cuối năm học 2010-2011, cấp tiểu học bỏ học giảm 1,32%; cấp trung học cơ sở bỏ học giảm 2,79% và cấp trung học phổ thông giảm 1,84%. Tuy nhiên, chuyện hỗ trợ tiền đò cho học sinh khó khăn chỉ là giải pháp nhất thời, còn về lâu về dài, Cà Mau sẽ xây dựng 1.588 cây cầu kết nối giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, các em học sinh đi xe đạp đến trường, chấm dứt tình trạng học sinh đi học bằng đò.
Chủ trương hỗ trợ tiền đò cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã tác động và thúc đẩy các bậc cha mẹ học sinh cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của con em mình. Các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh phải quán triệt và có trách nhiệm thực hiện tốt chủ trương này, quản lý chặt chẽ hơn trong việc chăm sóc, dạy dỗ các em, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc trường quản lý; theo dõi, quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng để tránh thất thoát, tiêu cực.
Theo THÚY QUỲNH
(nhandan)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)