Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh đến với internet lợi hay hại?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà trường và phụ huynh nên quan tâm đến học sinh

Trong lớp em, phần lớn nhà bạn nào cũng nối mạng internet. Chỉ riêng em và một số bạn là không được bố mẹ nối mạng với lí do: internet chẳng phục vụ gì cho việc học của con em mình.
Em rất thích được nối mạng internet, bởi theo em, trên mạng có rất nhiều điều để chúng em học hỏi. Mạng cung cấp thông tin trên mọi lĩnh vực: văn học, toán học, lịch sử, sinh học… và rất nhiều điều cần thiết trong cuộc sống. Nhìn chung, nó cung cấp nhiều tri thức mới lạ, đáng học tập. Ngoài ra, ta có thể kết bạn với người nước ngoài, trau dồi thêm kiến thức môn tiếng Anh hiệu quả hơn. Nhưng mỗi lần em nói về vấn đề này, bố mẹ đều lảng sang chuyện khác và cho rằng: “Con còn nhỏ không lo học, lúc nào cũng lo lắp mạng là sao? Mẹ chẳng thấy thông tin ở đâu, chỉ toàn nghe chuyện game, rồi chat…”. Theo em, internet rất có lợi, nhưng nếu ai đó sử dụng sai mục đích thì lợi lại trở thành hại. Thưa thầy, mong muốn sử dụng internet của em là đúng hay sai? Văn hóa mạng có thực sự xấu như cách nghĩ của bố mẹ em và một số gia đình khác không?
Tôi cho rằng đây là vấn đề khá nóng mà cả xã hội và nhất là các vị phụ huynh đang quan tâm. Cụ thể, thời gian qua tôi đã được rất nhiều phụ huynh tìm đến chia sẻ nỗi bức xúc về tác hại của internet đối với con cái. Bà Ngọc Huyền ở Bình Thạnh nói trong nước mắt: “Ngày còn học ở tiểu học, năm nào con tôi cũng là học sinh xuất sắc. Thấy cháu được chọn vào một trường cấp 2 danh tiếng của quận tôi mừng lắm. Theo ước nguyện của cháu, tôi kêu người đến nối mạng internet với hy vọng cháu có thêm điều kiện để mở mang kiến thức cho bằng anh bằng em. Quả thật từ ngày có internet xem chừng cháu chăm chỉ hơn hẳn. Đêm nào cũng thức tới 11, 12 giờ khuya ngồi say đắm nơi bàn học. Những tưởng như vậy là đã thành công trong việc tìm ra giải pháp giúp cháu chú tâm vào việc học. Nào ngờ đến kỳ họp phụ huynh, tôi mới tá hỏa: kết quả điểm thi học kỳ vừa qua của cháu rất tệ. Tôi về bí mật theo dõi việc học khuya của cháu mới vỡ lẽ: sự say sưa của cháu hằng đêm tất cả chỉ là đắm mình vào các trò chơi điện tử chứ đâu có học hành được gì. Bây giờ tôi biết làm gì để giúp cháu tránh xa cái bóng ma internet ấy!?”. Còn chị Tuyết Trinh ở quận 1 lại than thở việc con chị vốn trước đây rất mê thể thao, từng là thành viên đội bóng rổ của trường. Vậy mà từ khi có internet cháu si mê trò chơi game đến mức không còn nghĩ gì đến thể thao; học hành cũng sút kém trông thấy. Đặc biệt thể trạng của cháu từ chỗ hơn 50kg giờ chỉ còn hơn 40kg. Chị Hồng Như ở Gò Vấp lại ta thán chuyện cậu quý tử của mình được ba (giám đốc một công ty xây dựng khá nổi tiếng) cho lắp đặt internet nhân ngày sinh nhật tuổi 15; những tưởng cậu sẽ giỏi giang, tiến bộ hơn, nào ngờ cậu bị ma lực game hút hồn, học hành chểnh mảng, bài vở bê trễ, vai trò lớp trưởng bị bỏ bê, tắc trách. Thế là từ chỗ xếp loại giỏi cậu tụt xuống khá, rồi trung bình và chức lớp trưởng cũng “tiêu” luôn… Đó chỉ là mấy trường hợp nhỏ trong 1.001 những trường hợp “cười ra nước mắt” khi tuổi trẻ học đường tiếp cận với internet.
Theo tôi, khi bố mẹ kiên quyết khước từ nối mạng internet cho em với lý do “mẹ chẳng thấy thông tin ở đâu, chỉ toàn chơi game, rồi chat” cũng là điều dễ hiểu. Em cũng phải nghiêm túc nhận ra mặt trái của internet để cảnh báo mình trước khi chưa quá muộn. Sự thật thì không có gì không tồn tại hai mặt đối lập.  Ai chẳng thích dùng con dao sắc. Song hãy coi chừng, không khéo sẽ rất dễ “đứt tay” có ngày. Nói tới ích lợi của internet – một thành tựu lớn của khoa học hiện đại hẳn không cần bàn cãi. Nó thực sự là “ông thầy” siêu phàm giúp ta cập nhật mọi tri thức. Song đúng như em đã nhận ra: “Internet rất có lợi, nhưng nếu ai đó sử dụng sai mục đích thì lợi lại trở thành hại”. Mong muốn sử dụng internet để mở mang kiến thức là hoàn toàn đúng. Và sự thật nếu biết sử dụng internet có văn hóa, đúng mục đích thì làm gì có chuyện xấu. Nhưng liệu em có dám chắc 100% rằng nếu có internet em sẽ không sử dụng sai mục đích không? Những học sinh rơi vào trường hợp “dở khóc dở cười” vừa nêu trên lúc đầu đến với văn hóa mạng các em cũng rất tự tin. Vậy mà vẫn rơi vào cảnh “ma đưa lối quỷ đưa đường” dẫn đến học hành sa sút. Cha mẹ em hẳn rất sợ điều tương tự đó cũng xảy ra với em nên có ý muốn chưa (chứ không phải không) nối mạng cho em. Nếu thời gian tới em thực sự khẳng định được mình bằng những kết quả tiến bộ trông thấy trong học tập và tu dưỡng, xác tín được niềm tin nơi bố mẹ về bản lĩnh làm chủ của em trong mọi hoàn cảnh, ở mọi nơi mọi lúc kèm theo một bản “cam kết” sử dụng văn hóa mạng vì mục đích học tập đúng nghĩa cùng nhu cầu giải trí lành mạnh có chừng mực thì chắc ngày vui có internet với em sẽ được bố mẹ đáp ứng trong thời gian không lâu nữa đâu.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký
LTS: Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký vừa gửi đến Giáo Dục TP.HCM bức thư của một học sinh lớp 8A1 Trường THCS Giấy (Phong Châu, Phù Ninh, Phú Thọ) gửi cho thầy nhờ tư vấn về việc em bị bố mẹ không cho tiếp xúc với mạng internet. Với mong muốn cho phụ huynh và học sinh hiểu rõ hơn về mặt tích cực cũng như tiêu cực của internet, tòa soạn xin giới thiệu cùng bạn đọc.  
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)