Cần nâng cao kỹ năng sư phạm cho GV
|
Ngành GD-ĐT đã nghiêm cấm giáo viên (GV) đánh học sinh (HS) dù với bất kỳ hình thức hay lý do nào. Tuy nhiên, một số GV cho rằng, nếu không đánh thì HS không biết… sợ, còn đánh thì bị dư luận lên án. Từ đó, nhiều người đã làm ngơ hay thờ ơ trước hành vi vi phạm nội quy nhà trường của HS.
Vậy việc GV “thương cho roi cho vọt” đối với HS có hoàn toàn là sai không?
Không đánh… thì thờ ơ
Một GV dạy tiểu học ở quận Gò Vấp cho biết: HS tiểu học thường rất lười vì các em đang ở tuổi hiếu động nên khi ngồi vào bàn là quay ngược, quay xuôi không chịu học bài. Tuy nhiên chỉ cần GV giơ cây thước lên là các em nghe lời răm rắp vì sợ bị cô đánh. Bởi vậy, đôi lúc chúng tôi buộc phải sử dụng thước, nhưng chỉ gõ nhẹ vào bàn tay cảnh cáo các em thôi, vì PH không đồng tình với việc “thương cho roi cho vọt” và kiện cáo khá lôi thôi.
Không chỉ có HS tiểu học mới bị GV dọa đánh mà ngay cả HS bậc THCS và THPT khi không nghe lời hay có thái độ vô lễ cũng khiến GV mất bình tĩnh rồi đánh HS. Thầy Đoàn Bá Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận – cho hay: “Cách đây khoảng hai năm, khi GV trong trường chưa được trang bị nhiều về kỹ năng sư phạm đã có một số trường hợp mất bình tĩnh mà xử phạt HS bằng roi. Tuy nhiên, gần đây tình trạng này đã chấm dứt do nhà trường đẩy mạnh hơn việc trang bị kỹ năng sư phạm cho GV”.
Mới đây, GV một trường THCS ở quận 5 đã không kiềm chế trước thái độ vô lễ của cậu học trò nên “lỡ tay” tát em này. Hậu quả là dư luận truyền tin GV đánh HS phải nhập viện, nhưng thực tế việc trót lỡ tay đánh em này không để lại hậu quả nặng nề như vậy. GV này cũng đã nhận khuyết điểm của mình và chịu các hình thức xử phạt đã được quy định trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, hiệu trưởng trường này cho rằng “đằng sau những hình thức kỷ luật này nọ sẽ không đau đớn bằng án phạt trong tâm hồn của một nhà giáo khi đã không kiềm chế được cảm xúc của mình”.
Hầu hết GV đều thông cảm với bạn đồng nghiệp đã không kiềm chế được cảm xúc nên đánh HS vì hơn ai hết họ cũng là người đứng trên bục giảng và thấu hiểu được tâm trạng đồng nghiệp khi có HS vô lễ. Cô Phạm Thị Huệ – Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, quận 3 – chia sẻ: “Thực sự không có GV nào muốn đánh HS hết vì ai cũng nhận thức được việc đánh các em là thể hiện sự bất lực của mình. Tuy nhiên, một số GV vốn nóng tính đã không kiềm chế trước những hành động quá vô lễ của học trò nên dùng roi. Do đó có không ít GV thấy dư luận lên án quá nhiều về việc GV đánh HS nên khi lên lớp, nếu nói không được thì họ chỉ làm tròn trách nhiệm dạy học, còn HS vi phạm thì họ lại xem các em là “bất khả xâm phạm” nên không đụng tới, thờ ơ. Họ sợ nếu lỡ tay đánh các em sẽ ảnh hưởng đến nghề nghiệp, mất việc… nhưng chính điều này lại dẫn đến thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của GV trước HS”.
Đánh HS là thể hiện sự… bất lực
Nhiều người cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng GV đánh HS là do các em quá vô lễ, coi thường thầy cô. Thầy Đặng Văn An – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, quận 4 – cho rằng hiện nay các gia đình chỉ có hai con nên PH nuông chiều, con muốn cái gì là được cái đó. Vì thế, một số em lên lớp là quậy phá, GV nói không chịu nghe lời, nếu GV không được trang bị kỹ càng về kỹ năng sư phạm thì sẽ dễ rơi vào tình trạng mất bình tĩnh và sử dụng đến roi.
Một nguyên nhân khác khiến GV mất bình tĩnh trước hành động quậy phá của HS là áp lực từ nội dung chương trình. Một GV ở quận Bình Thạnh khẳng định: “Chương trình hiện nay khá nặng khiến GV cảm thấy áp lực khi truyền đạt kiến thức, trong khi đó HS ở dưới lớp lại quậy phá làm mất thời gian, từ đó không kiềm chế nên quát mắng, thậm chí là thẳng tay tát HS”.
Tuy nhiên, dù với bất kỳ lý do nào thì việc GV đánh HS cũng khiến mọi người không đồng tình. Cô Hoàng Thị Lê An – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 – khẳng định: “Một số HS có hành vi thiếu tôn trọng GV khiến họ cảm thấy bị xúc phạm nên rất bức xúc và đã nóng vội để xảy ra những hành động không nên có. Chúng tôi rất hiểu và thông cảm cho những GV này nhưng không thể đồng tình với việc làm của họ bởi việc làm này không đúng với phương pháp giáo dục. Khi HS có thái độ vô lễ với GV, GV cần phải bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân, phân tích cho các em nhận thấy lỗi lầm của mình và cố gắng sửa sai”.
Còn thầy Đoàn Bá Cường thì nêu giải pháp: “Hiểu biết các kỹ năng sư phạm và cách ứng xử với HS không phải ai cũng giỏi, mỗi người có một sở trường riêng. Nhiều người dùng biện pháp “đánh” vào tâm lý HS có hiệu quả cao nhưng nhiều người thực hiện mãi mà vẫn không tốt. Theo tôi, biện pháp tốt nhất là dùng trẻ để giáo dục trẻ. Nếu HS phạm lỗi thì vào giờ sinh hoạt GV nên để HS phạm lỗi ra trước lớp để em đó phản biện lại hành vi của mình làm với mục đích gì và để cho tập thể lớp đánh giá. Tất cả HS đều không muốn cô lập, nếu bị bạn bè nhận xét sai thì HS đó sẽ đưa ra phương hướng sửa sai như thế nào và cố gắng sửa lỗi. Ngoài biện pháp này, ban giám hiệu nhà trường cũng cần chủ động tổ chức các buổi tập huấn, tư vấn thêm về kỹ năng sư phạm cho GV thì mới có được kết quả tốt”.
Bài, ảnh: Dương Bình
“Khi HS có thái độ vô lễ với GV, GV cần phải bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân, phân tích cho các em nhận thấy lỗi lầm của mình và cố gắng sửa sai” – cô Hoàng Thị Lê An – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 – chia sẻ. |
Bình luận (0)