Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Kiếm tiền từ nghiên cứu khoa học

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ là nơi học tập, nhiều trường ĐH còn có những cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn đem lại nhiều lợi nhuận.
Từ trại thực nghiệm…
Trại thực nghiệm nuôi cá nước ngọt Ninh Phụng với diện tích rộng 8,6 ha của Trường ĐH Nha Trang là một mô hình như vậy. Thạc sĩ Bùi Thanh Tuấn – Trưởng trại này, cho biết: “Trại được xây dựng với 3 chức năng chính: nơi thực hành cho sinh viên; môi trường nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; triển khai các mô hình làm kinh tế của trường. Tuy nhiên, quan trọng nhất là môi trường để thực hành, nghiên cứu cho giảng viên và sinh viên trong trường”. Mới đây, trại đã chuyển giao mô hình nuôi cá rô đồng toàn cái cho tỉnh Quảng Bình, rồi quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá nàng hai cho các tỉnh Nam Trung bộ. Hiện, trại đang thử nghiệm mô hình nuôi ghép cá – vịt để phục vụ hoạt động sản xuất của hộ dân các tỉnh lân cận. Những đề tài này đều do giảng viên và sinh viên của trường thực hiện. Trong tổng kinh phí có được, 40% dùng cho việc thuê khoán chuyên môn. Do vậy, những đề tài nghiên cứu đều mang lại nguồn thu nhập cho các giảng viên và sinh viên tham gia nghiên cứu.
Tương tự là trại thực nghiệm thủy sản tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Trại được doanh nghiệp đầu tư xây dựng từ năm 2009 với kinh phí khoảng 1 triệu USD, mỗi năm đầu tư thêm từ 300 – 500 ngàn USD để duy trì hoạt động. Đây là nơi để cán bộ, sinh viên của Khoa Thủy sản tham gia nghiên cứu và thực hành.
Cán bộ Trung tâm công nghệ địa chính Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đang thực hiện một dự án quy hoạch ở Campuchia.
PGS-TS Lê Thanh Hùng – Trưởng khoa Thủy sản cho biết: “Đây không chỉ là môi trường nghiên cứu, mà còn giúp mang lại thu nhập thêm cho thầy cô và các em sinh viên. Hiện trại đang triển khai đề tài nuôi cá chẽm nước ngọt (thay vì nuôi cá chẽm nước lợ như bình thường). Tuy mới triển khai được 6 tháng, nhưng kết quả ban đầu đã cho thấy thành công. Thời gian tới sẽ tiến hành bán cá giống cho dân với khoảng 6.000 – 7.000 đồng/con”.
Trường ĐH này còn có Trung tâm công nghệ địa chính thu nhập khoảng 10 tỉ đồng/năm. Thạc sĩ Phan Văn Tự – Giám đốc trung tâm, thông tin: “Hình thành từ năm 2000 với mục đích nghiên cứu, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, sinh viên thực tập của trường. Đến năm 2007, trung tâm mới xác định thêm mục đích phải tìm nguồn thu duy trì hoạt động. Từ đó đến nay, trung tâm nhận rất nhiều dự án, hợp đồng quan trọng. Trong khoảng 2 năm nay, trung tâm này còn có các dự án quy hoạch tại Campuchia và Lào.
…đến ứng dụng vào cuộc sống
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng triển khai xưởng thực nghiệm để nghiên cứu sản xuất năng lượng dùng làm nhiên liệu. Nguyên liệu được sử dụng để chế biến là các phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, trấu, lõi cây ngô, các chất thải có nguồn gốc xenlulo… để sản xuất các nhiên liệu và vật liệu có nguồn gốc sinh học đển độ sạch cần thiết để làm chất đốt cho các hộ gia đình, chất đốt chạy máy phát điện, chạy động cơ. Đây là dự án nghiên cứu phối hợp giữa trường và ĐH Tokyo (Nhật Bản). Từ xưởng thực nghiệm này, tiến tới mô hình sẽ áp dụng vào quy mô lớn hơn tại xã Thái Mỹ, H.Củ Chi để nhân rộng ra các địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi đó, Trường CĐ Bách Việt cũng từng cho ra sản phẩm rượu vang mang thương hiệu của trường. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành – Phó hiệu trưởng, cho biết trường đã phải qua tận Pháp để mua giống nho dành riêng để sản xuất rượu. Một trang trại trồng nho rộng 5 ha cũng được triển khai tại Phan Rang – Tháp Chàm. Trái nho sau khi thu hoạch được chuyển về trường để tiến hành quy trình chế biến: ướp, lên men, chắt lọc, đóng chai. Rượu đã được đăng ký bản quyền, với giá bán thử 70 ngàn đồng/chai. Điều đáng nói ở đây là, quy trình sản xuất này chính là nơi thực tập, thực hành của sinh viên môn học chế biến rượu bia, ngành công nghệ chế biến thực phẩm.
Trường ĐH Lạc Hồng cũng là nơi đã chuyển giao thành công nhiều nghiên cứu ra đời sống. Mới đây trường đã chế tạo thành công sản phẩm ứng dụng gel rửa tay kháng khuẩn (dịch keo nano bạc từ tiền chất bạc oxalat) có thể diệt được 6 loại vi khuẩn giúp phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Trường cũng đã nghiên cứu sản xuất thành công loại tiêu trắng từ chế phẩm sinh học và chuyển giao cho một công ty tại Bình Dương.
Theo Hà Ánh – Minh Luân
Thanh Niên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)