Hà Nội mong muốn xây dựng mô hình đào tạo có sức cạnh tranh khu vực
Học phí cao – chất lượng cạnh tranh
Bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình giáo dục chất lượng cao từ năm 2007, không ít trường học của Hà Nội đã bắt đầu có sức hút lớn với chất lượng cạnh tranh cả trong khu vực. Theo ông Phạm Văn Đại, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, với 550.000 đồng/tháng, 3 năm gần đây, phụ huynh học sinh của trường hoàn toàn yên tâm với chất lượng đào tạo tại đây và đã “chặn” được gần như tuyệt đối tình trạng nhiều gia đình ở trường này lựa chọn cho con đi du học ngay từ bậc phổ thông. Ông Đại cho biết, so sánh cùng một mục tiêu đào tạo, chi phí của trường HN-Amsterdam là 550.000 đồng/học sinh/tháng không có khoản thu thêm học 2 buổi/ngày trong khi mức thu này ở Singapore lên tới 600 USD/tháng.
Đối với khối ngoài công lập, không ít trường vốn hoàn toàn trong nước nhưng đang vươn tới chất lượng đào tạo quốc tế với dự kiến mức thu khá “hoành tráng”. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, với mục tiêu đào tạo phát triển toàn diện, tạo sự tiến bộ rõ nét với mọi đối tượng học sinh cùng với việc đầu tư cao về cơ sở vật chất… hiện tại mức thu của nhà trường là 2,5 triệu đồng/học sinh/tháng. Dự kiến, với việc phát huy mô hình dịch vụ chất lượng cao nhà trường sẽ đưa mức thu từ nay đến 2015 là 4 triệu đồng/học sinh/tháng. Cũng đưa ra các đặc điểm về dịch vụ chất lượng cao của trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền cho biết, hiện nhà trường áp dụng mức thu 3 triệu đồng/học sinh/tháng với lớp chất lượng cao và 6 triệu đồng/học sinh/tháng với lớp quốc tế. Mức thu này dự kiến sẽ được nâng lên từ nay tới năm 2015 lần lượt 4 triệu đồng và 8 triệu đồng.
Cần kiểm soát được chương trình
Ông Đỗ Doãn Hải, Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng các chương trình nâng cao bên cạnh chương trình chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT cần phải được kiểm định, ít nhất là qua Sở GD-ĐT. “Trường chất lượng cao của Hà Nội cần định hướng theo tiêu chí hiện đại và tiếp cận thế giới. Theo tôi, từ năm 2008, Indonesia đã đưa ra tiêu chuẩn các cơ sở giáo dục chất lượng cao, tiệm cận quốc tế của nước này đều phải được kiểm định cả về chương trình, giáo viên, cơ sở vật chất… Giáo viên của nước này phải dạy một số môn bằng tiếng Anh. Hiệu trưởng bắt buộc phải có khả năng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế…” – ông Đỗ Doãn Hải dẫn chứng.
Tham góp về tiêu chí trường chất lượng cao, ông Nguyễn Hải Châu, Vụ phó Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, “việc định nghĩa trường chất lượng cao còn nhiều bàn cãi, tuy nhiên về cơ bản trường chất lượng cao phải đạt chuẩn trường học đã được Bộ GD-ĐT ban hành và có những mặt phát triển hơn. Riêng với sản phẩm đầu ra thì đây sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá chính đối với trường chất lượng cao bên cạnh hàng loạt các tiêu chí đánh giá khác”.
Theo ông Phạm Văn Đại, bộ tiêu chí Sở GD-ĐT Hà Nội đang xây dựng không thể trọn vẹn ngay nhưng vẫn cần có hướng dẫn để làm công cụ đánh giá cho các nhà quản lý khi có nhiều trường chưa đạt mức chất lượng cao nhưng vẫn tự công bố, ảnh hưởng quyền lợi người học. Theo đó, ngay trong tháng 1-2012, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ họp với các phòng để định hình mô hình chất lượng cao với từng cấp học từ mầm non tới THPT với dự kiến gồm 5 tiêu chuẩn và 9 tiêu chí đánh giá trường chất lượng cao.
Bình luận (0)