Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Bình đang tư vấn kiến thức SKSS cho HS Trường THPT Nguyễn Chí Thanh
|
Chỉ là chiếc bao cao su bình thường, nhưng khi một cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng đưa lên cho mọi người cùng thấy, những học sinh (HS) khối 10 và 11 đã ồ lên như thể nhìn thấy một vật thể thú vị. Đó chỉ là một trong những tình huống hài hước của các cô cậu học trò khi được nghe về sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên và HIV/AIDS.
Kiến thức lơ mơ
Trong một buổi tư vấn về SKSS mới đây tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Tuyết Trinh – Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Bình – cho rằng SKSS là một trong những vấn đề tế nhị, nhạy cảm và rất khó nói. Riêng đối với những cô cậu học trò đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, thì những chuyện “người lớn” này vẫn còn “nằm ngoài vùng phủ sóng”, dẫn đến việc các em thiếu quan tâm, lơ là với những chuyện này. Thế nhưng, chính các em cũng là những người dễ bị “dính” vào những rắc rối thuộc lĩnh vực người lớn bởi sự tò mò, thích khám phá và thể hiện bản thân mình. Và cũng chính sự thờ ơ và thiếu hiểu biết đã đẩy các em vào những tình huống dở khóc, dở cười mà không phải ai cũng đủ sáng suốt để tìm cách giải quyết. “Khi còn làm BS tư vấn cho tổng đài 1088, một em nữ sinh 14 tuổi đã gọi điện cho biết em đã trót quan hệ với bạn trai và bị trễ kinh đã 10 ngày, em nhờ tôi tư vấn cách kiểm tra xem mình có thai hay không. Sau khi được tôi đưa ra những lời khuyên cần thiết, em còn khóc lóc và dặn tôi: “Cô đừng nói cho ai biết nhé, em sợ lắm”. Tôi còn tiếp rất nhiều trường hợp đang ở tuổi ô mai nhưng lại rất ngô nghê về giới tính. Thậm chí có em còn hỏi tôi rằng lấy chanh vắt vào “chỗ kín” sau khi quan hệ có giết chết được tinh trùng không? Nghe thật xót xa và tội nghiệp”, BS. Trinh kể lại.
Tương tự, tiết ngoại khóa dưới sân Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng khiến những người tham dự phải “cười ra nước mắt” trước những câu hỏi rất… ngây ngô như: Hai người kiss nhau có bị lây nhiễm HIV không? Hay con muỗi chích một người HIV và một người bình thường thì quy trình lây nhiễm có xảy ra không? Không chỉ thế, rất nhiều “cậu ấm cô chiêu” còn không biết phải xử sự như thế nào khi tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS. Đây quả là vấn đề đáng lo ngại đối với giới trẻ, nhất là với HS tại các trường THPT hiện nay.
Cần có cái nhìn đúng đắn
Trong buổi nói chuyện với HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, một BS ở Trường ĐH Y dược TP.HCM đã kể câu chuyện về hai HS nam, nữ. Họ vốn là đôi bạn chơi rất thân và thường trao đổi bài vở với nhau. Một ngày nọ, gia đình bạn gái có việc phải về quê và để em ở nhà một mình. Người bạn trai tới nhà bạn gái học và trong một phút không kiềm chế được mình, “chuyện ấy” đã xảy ra. Câu chuyện này là một ví dụ cho thấy chuyện tập làm người lớn của tuổi teen có thể diễn ra vào bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng câu hỏi của một HS đặt ra sau khi nghe câu chuyện này đã khiến nhiều người băn khoăn, vì “mang bao cao su khi còn ở lứa tuổi HS liệu có gây ra sự kỳ thị của người lớn đối với mình hay không?”.
Có thể nói, kiến thức về SKSS và phòng tránh HIV-AIDS đối với lứa tuổi teen vẫn là một ẩn số khiến không ít người lo ngại. BS. Nguyễn Thị Tuyết Trinh cho biết, quan hệ tình dục giữa nam và nữ vốn là một quy luật bình thường của cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề này đang được giới trẻ “bình thường hóa” một cách vô tội vạ trong các mối quan hệ, giao tiếp hằng ngày. Một điều rất dễ hiểu là khi các em đang ở lứa tuổi vị thành niên, các hormon kích thích sự phát triển giới tính đã ảnh hưởng tới tinh thần, khiến các em trở nên tò mò, thích khám phá những hiện tượng đang xảy ra giữa hai giới tính với nhau. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển của các phương tiện truyền thông, internet cũng góp phần kích thích cảm giác tò mò khi các em xem các cảnh “nóng”. Vì vậy, việc trang bị kiến thức SKSS và phòng tránh HIV/AIDS cho HS ở giai đoạn này là hết sức cần thiết. Đã đến lúc, người lớn cần có cái nhìn đúng đắn về lứa tuổi HS, không để đến lúc “hươu” chạy lạc đường mới tìm cách chỉ dẫn, khuyên răn.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Việc trang bị kiến thức SKSS cho HS là hết sức cần thiết. Và người lớn cần có cái nhìn đúng đắn về lứa tuổi HS, không để đến lúc “hươu” chạy lạc đường mới tìm cách chỉ dẫn, khuyên răn. |
Bình luận (0)