Chính tả là viết đúng mặt chữ, theo quy định chuẩn tiếng Việt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tôi còn nhớ những năm 60 của thế kỷ trước, có một lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong bài phát biểu với các thầy giáo, cô giáo và đại biểu sinh viên của trường, Thủ tướng dành nhiều thời gian nói về tầm quan trọng của việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cuối bài nói, Thủ tướng nêu một dẫn chứng: “Tôi vừa được thầy hiệu trưởng cho xem “Đơn xin ra nhập Đoàn” của một sinh viên! Thật đáng ngạc nhiên! Sinh viên này chưa vào Đoàn, mà đã xin ra rồi. Viết “gia nhập” mà thành “ra nhập” vừa sai chính tả, vừa sai về dùng từ Hán-Việt. Nhà trường phải dạy cho sinh viên nói đúng, viết đúng, tiến tới nói hay và viết hay tiếng Việt”. Tôi cứ thấm thía mãi lời của vị Thủ tướng uyên bác-tác giả của bài viết nổi tiếng “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Cách đây hơn chục năm, trên Báo có đăng tin: Một học sinh lớp 9 ở Thủ đô đã sửa nhiều lỗi chính tả trong một luận án tiến sĩ! Chuyện thật, mà cứ như bịa. Cho đến nay, thì “bệnh” sai chính tả đang trở thành căn bệnh trầm trọng trong nhà trường, từ cấp tiểu học đến đại học và cả sau đại học. Người viết sai chính tả không chỉ là học sinh, sinh viên mà còn là một số giáo viên, rồi từ đó lây lan ra ngoài xã hội. Mới đây, có một giáo sư đã tìm hiểu, thống kê tỷ lệ sai chính tả khá cao trong rất nhiều văn bản ở một số cơ quan, ngành nghề của Việt Nam ta, nhất là các văn bản hành chính và cả trên báo chí. “Bệnh” sai chính tả bây giờ đang ở cấp báo động “đỏ”!
Trong các loại lỗi chính tả, thì nặng nhất là viết sai phụ âm đầu: Lầm lẫn giữa l với n, ch-tr, s-x, r-d-g(i). Đây là loại lỗi phổ biến của học sinh, sinh viên, giáo viên miền Bắc. Tiếp đó là lỗi không viết hoa sau dấu chấm và khi viết tên riêng. Bên cạnh đó, là viết sai vần, sai dấu ghi thanh: Lẫn lộn giữa các dấu “sắc”- “hỏi”-“ngã”-“nặng” (người miền Trung, miền Nam thường mắc loại lỗi này). Càng ở lớp dưới, thì sai chính tả càng nhiều. Các trường ở nông thôn, miền núi, hải đảo sai chính tả nhiều hơn các trường ở đô thị.
Có học sinh lớp 12 (một trường công lập) viết:
“Trúc sinh trúc mọc bên đình,
Em sinh em đứng một mình cũng sinh”.
Thật… tội nghiệp cho cô gái trong câu ca dao cổ truyền. Cô gái, có lẽ chỉ ở tuổi trăng tròn, đã bị em học sinh kia vô tình tước mất cái vẻ xinh xắn, duyên dáng, đáng yêu (“Em xinh”), bỗng chốc trở thành người thiếu phụ (“Em sinh”), tức là phải sinh đẻ quá sớm-mà lại là … đẻ đứng (“Em sinh em đứng”). Thế mới chết người ta chứ!
Tôi thường chấm thi môn Văn trong các kỳ thi tuyển sinh đại học-cao đẳng khối C, D và một số khối khác, rất sửng sốt thấy rất nhiều thí sinh chữ viết quá ẩu, đã xấu lại còn sai chính tả một cách loạn xạ, nhiều khi tới mức ngô nghê, tức cười. Không hiểu vì sao mà các em này cũng tốt nghiệp THPT và lại còn đỗ vào các trường đại học-cao đẳng để học các môn khoa học xã hội-nhân văn, mà đúng ra, yêu cầu đầu tiên là phải thông thạo về các kỹ năng sử dụng tiếng Việt! Nhiều học sinh THPT viết sai chính tả (và sai kiến thức) đến mức… khủng khiếp: “Chuyện ngắn vợ trồng A Phủ là tác phẩm lổi tiếng của tô hoài”; “Mị là một cô ghái đẹp”; “Anh Chàng đã lãnh đạo nhân dân lổi dậy phá kho thóc…” (trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân); v.v.. Sinh viên các trường đại học-cao đẳng nói chung viết sai chính tả đã là điều không thể chấp nhận; nhưng không ít sinh viên các khoa KHXH & NV, trong đó có cả khoa Ngữ văn, khoa Báo chí cũng rất “hồn nhiên”(?!) viết sai chính tả. Có sinh viên sư phạm sắp ra trường mà trong một giáo án tập giảng, 4 trang viết, có tới 19 lỗi chính tả!
“Bệnh” sai chính tả trong trường học trước hết là do chất lượng yếu kém của việc dạy, học môn Văn và tiếng Việt từ các cấp phổ thông, mà chủ yếu là do lỗi phát âm của nhiều giáo viên, nhất là các giáo viên sinh ra ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Một số giáo viên dạy Văn mà phát âm các tiếng có phụ âm đầu l (e lờ) và n (en nờ) còn ngọng líu ngọng lô, huống chi giáo viên dạy các bộ môn khác. Ví như thầy, cô nói: “Truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Nân (Lân)”; “Hôm lay, nớp ta vắng mấy bạn? Nớp trưởng điểm danh”. Trong các đợt thực tập sư phạm, có rất nhiều sinh viên nói ngọng. Cháu tôi học ở một trường THCS nội thành Hải Phòng, kể: “Cô sinh viên thực tập ở lớp cháu nói ngọng nhiều quá, các bạn cháu cứ bấm bụng mà cười. Cô bảo “Các em về nhà nàm cho cô các bài tập; phải nuôn nuôn cố gắng học hành…”. Có giáo viên lại biến n thành l, ví như : “Các em phải lắm cho được các kiến thức chính của bài học”! Nói ngọng (phát âm sai l-n) thường dẫn đến viết sai chính tả. Đã có lưu truyền trong các nhà trường câu chuyện cả thầy và trò đều phát âm sai mà cuối cùng câu hỏi và câu trả lời lẫn lộn hết:
Thầy hỏi: Trò cho thầy biết ông ấy là người lước lào (nước nào)?
Trò trả lời: Thưa thầy, ông ấy là người lước Nào (nước Lào) ạ!
Đã vậy, việc sửa tật nói ngọng và viết sai chính tả của học sinh, sinh viên thường ít được giáo viên quan tâm. Trong việc chấm, trả bài, đáng lý giáo viên phải dành thời gian sửa lỗi chính tả cho học sinh, sinh viên; nhưng vì thầy, cô cũng viết sai, vì tắc trách, hoặc vì nhiều lý do khác, nên nhiều giáo viên đã bỏ qua khâu quan trọng này. Bên cạnh đó, còn có một nguyên nhân thuộc nhận thức phiến diện và sai lạc của không ít giáo viên các cấp và nhiều phụ huynh học sinh. Họ coi đó là chuyện… nhỏ(?!). Viết thế nào thì viết miễn sao nói được nội dung (!?). Thế cho nên sinh viên ra trường, công tác ở các ngành và cả ở một số cơ quan báo chí cũng mắc nhiều lỗi chính tả.
Sai chính tả là vi phạm chuẩn mực ngôn ngữ. Nó chứng tỏ sự thiếu hụt tri thức văn hóa của người viết. Viết sai chính tả là không tôn trọng mình và không tôn trọng người khác, làm giảm hiệu quả thông tin, nhiều khi làm người đọc hiểu sai ý định của người viết và gây phản cảm khi tiếp nhận văn bản. Trong nhà trường, giáo viên và học viên, sinh viên không thể viết sai chính tả. Đây là một việc làm thiết thực nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tăng thêm tình yêu của mọi người đối với tiếng mẹ đẻ!
Theo ĐÀO NGỌC ĐỆ
(QĐND)
Bình luận (0)