Trường đại học Memorial (Canada) đã trao 16 học bổng toàn phần ngành công tác xã hội cho sinh viên Việt Nam với tổng trị giá hơn 81.000 USD.
Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ dự án giảm nghèo thông qua tăng cường năng lực công tác xã hội và sức khỏe hướng tới tăng cường năng lực cho cán bộ ngành công tác xã hội (CTXH) của Việt Nam.
GS-TS Lan Trần Giễn, Việt kiều Canada, Giám đốc dự án, đồng thời là người có nhiều tâm huyết với sự nghiệp phát triển nghề CTXH trong nước, đánh giá rất cao những nỗ lực và sự thay đổi vượt bậc của Việt Nam trong quá trình thúc đẩy CTXH trở thành một nghề chuyên nghiệp, từ nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với một ngành nghề mới mẻ như CTXH, đến việc đưa vào hệ thống giáo dục đào tạo ngành này. Bà Lan Giễn cho biết thêm, giai đoạn 2 của dự án nhằm giải quyết sự thiếu hụt trong lực lượng giảng viên CTXH.
Theo báo cáo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, cả nước có hơn 40 trường đại học, cao đẳng mỗi năm tuyển khoảng 2.000 sinh viên chuyên ngành CTXH. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên có bằng tiến sĩ và thạc sĩ còn rất ít, chỉ khoảng 30 – 40 người. Thậm chí, có trường chưa có giảng viên nào được đào tạo về CTXH mà chỉ được đào tạo ngành học gần như: xã hội học, nhân học, giáo dục đặc biệt… Đa phần trong số họ đều được đào tạo tại nước ngoài do vậy còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn về văn hóa xã hội tại Việt Nam. Số giảng viên còn lại chủ yếu được đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức về CTXH từ ngành, nghề khác. Thực tế, chỉ có trường Đại học Lao động – Xã hội (ULSA) và trường Đại học Mở bán công TP Hồ Chí Minh là có mạng lưới cơ sở thực hành và giáo viên hướng dẫn. Tại Đại học Lao động – Xã hội, trong mười năm đào tạo, từ 2000 đến nay, chỉ thu khoảng 700 sinh viên theo học ở các trình độ.
Theo NHI LÊ
NDĐT
Bình luận (0)