Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngăn chặn học sinh bỏ học

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà trường cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa, về nguồn để các em HS tránh xa các tệ nạn xã hội. Ảnh: N.Anh

Phòng chống lưu ban, bỏ học (LB-BH) trong trường phổ thông luôn được ngành GD-ĐT đặc biệt quan tâm. Bởi vì có phòng chống LB-BH tốt mới nâng cao được hiệu suất đào tạo.
Để giáo dục (GD) một đứa trẻ trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội không phải là một công việc đơn giản và cũng không phải chỉ có trách nhiệm của các thầy cô giáo trong các trường học. Tất cả những ai tiếp xúc với trẻ đều phải là nhà GD, đặc biệt cha mẹ là những nhà GD đầu tiên của trẻ… Mà đã là nhà GD thì phải luôn là “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Do đó để GD một đứa trẻ có hiệu quả thì cần phải kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình – xã hội, trong đó, GD nhà trường đóng vai trò nòng cốt. Đồng thời phải có sự thống nhất và liên thông các phương pháp GD, phương pháp đánh giá học sinh (HS).
Vai trò của nhà trường
Tùy theo tình hình, đặc điểm, trình độ HS của từng lớp và năng lực trình độ của giáo viên (GV), ban giám hiệu cần có sự phân công GV bộ môn và GV chủ nhiệm (CN) một cách hợp lý, phát huy hết trình độ chuyên môn, khả năng sư phạm và kinh nghiệm thực tế của đội ngũ GV. Ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn phải thường xuyên theo dõi tình hình học tập và rèn luyện của các lớp thông qua dự giờ, thăm lớp, trao đổi với GV bộ môn, GVCN để kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những sai sót nếu có. Ngoài ra nhà trường cần có chính sách miễn giảm cho HS có hoàn cảnh khó khăn, không để các em nghỉ học vì gia đình khó khăn. Hàng tuần, hàng tháng, lãnh đạo nhà trường phải nghe GVCN báo cáo sĩ số, tình hình học tập của từng lớp. Nhắc GVCN phải theo dõi sát từng đối tượng HS của lớp mình, đặc biệt những HS có nguy cơ nghỉ, bỏ học. Trong đó một phần rất quan trọng là GV bộ môn cần quản lý lớp tốt, hướng mọi HS tập trung vào bài học. Trong một tiết học cần phải chỉ ra được phần trọng tâm, cốt lõi và giúp HS của lớp ghi nhớ ngay tại lớp phần trọng tâm cốt lõi đó. Kiểm tra chặt chẽ và nghiêm túc việc HS tự học, soạn bài, làm bài tập ở nhà cũng như theo dõi việc chuyên cần của HS trong giờ học của bộ môn mình giảng dạy, có biện pháp chấn chỉnh, phụ đạo kịp thời những HS vắng tiết. Không ngừng cải tiến và đổi mới phương pháp giảng dạy chuyển từ giảng dạy số đông qua giảng dạy cá thể, có biện pháp phù hợp với tình hình từng đối tượng HS, tích cực sử dụng hiệu quả các trang thiết bị và phương tiện dạy học để HS tiếp thu bài một cách tốt nhất. Với GVCN, ngoài việc đóng vai GV bộ môn của lớp, GVCN còn phải nắm vững HS về mọi mặt, từ học tập, đạo đức, tâm tư tình cảm, sở thích cá nhân đến cả hoàn cảnh gia đình của từng HS lớp mình chủ nhiệm. Luôn tạo được sự thân thiện và gần gũi với HS, tránh quát nạt, lớn tiếng gây căng thẳng, cố gắng tạo được không khí thi đua sôi nổi trong học tập giữa các tổ, nhóm và cá nhân mỗi HS…
Trách nhiệm của gia đình và xã hội
Cha mẹ phải luôn là GVCN thứ hai của HS để quản lý HS tự học và rèn luyện tại nhà. Đặc biệt, phải liên hệ kịp thời với GVCN khi phát hiện con mình, nghỉ, bỏ học không phép hoặc có phép. GVCN thông tin cho phụ huynh về lịch học và sinh hoạt của HS để hạn chế tối đa việc HS không trung thực với cha mẹ và GVCN nghỉ học không lý do (kể cả học chính khóa cũng như học thêm trái buổi). Cha mẹ phải là chỗ dựa vững chắc về hậu cần, điều kiện và phương tiện học tập. Đồng thời cha mẹ phải là nguồn động viên vô bờ bến bằng những tình thương bao la, là nhà tâm lý học của con mình nhằm giúp HS vươn lên trong học tập và rèn luyện. Đặc biệt, phụ huynh phải quản lý tốt khoảng thời gian HS đi từ nhà đến trường và ngược lại kể cả giờ học thêm bên ngoài nhà trường.
Hiện nay, khi HS tan học hay ở nhà trong những ngày nghỉ với môi trường xã hội bên ngoài có rất nhiều cám dỗ dễ làm cho các em bị sa ngã, nhất là những em có học lực yếu, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, để những HS này tiếp tục được theo học văn hóa hay học nghề chúng ta cần có một giải pháp tuyển sinh đầu cấp học một cách khoa học, đặc biệt là sự phân luồng cho HS lớp 9 lên lớp 10.
Đặc biệt phải kiểm soát tốt việc HS tụ tập ở các nơi giải trí như tiệm internet, bi da, karaoke… và kiên quyết không cho HS vào các khu vực này trong giờ hành chính cũng như không để các em tiếp cận với những nội dung không lành mạnh và tiếp xúc với các đối tượng “xấu”.
Mỗi địa phương cần có các sân chơi TDTT, nhà văn hóa, đồng thời phải có kế hoạch quản lý và sử dụng có hiệu quả góp phần GD thanh thiếu niên về việc rèn luyện sức khỏe, củng cố niềm tin và lý tưởng sống, giảm bớt các tệ nạn xã hội.
Huỳnh Công Triết
(Hiệu trưởng Trường THPT Tân Thông Hội, TP.HCM)
Vai trò của nhà trường vẫn là then chốt trong việc GD HS. Do đó, lãnh đạo nhà trường phải thường xuyên lồng ghép nội dung này trong các cuộc họp hội đồng sư phạm để GV bộ môn và GVCN có thể đề ra những biện pháp hiệu quả nhất trong việc ngăn chặn HS lưu ban, bỏ học. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)