Nhiều GV khẳng định sẽ không có chuyện tiêu cực khi áp dụng hình thức đánh giá học lực HS bằng nhận xét
|
Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế đánh giá, xếp loại học sinh (HS) THCS và THPT. Theo đó, các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục sẽ được đánh giá bằng nhận xét kết quả học tập theo hai mức: đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu, quy chế này có hiệu lực từ ngày 26-1-2012.
Muốn được đánh giá đạt yêu cầu, HS phải đảm bảo ít nhất một trong hai điều kiện là thực hiện được cơ bản các yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với nội dung trong bài kiểm tra; có cố gắng, tích cực học tập và có tiến bộ rõ rệt… Trường hợp chưa đạt yêu cầu là đối với các trường hợp còn lại.
Sợ giáo viên nhận xét theo cảm tính
Trước hình thức đánh giá này, nhiều phụ huynh và HS băn khoăn, lo lắng vì sợ giáo viên (GV) sẽ đánh giá, nhận xét theo cảm tính làm ảnh hưởng đến kết quả học tập chung. Chị Nguyễn Thục Anh (ở quận 10), thắc mắc: “Con tôi học lớp 8, cháu khá hiếu động nên nhiều GV không thích. Tôi sợ cháu bị cô giáo “đì” sẽ nhận xét chỉ đạt loại khá môn âm nhạc, trong khi các môn khác cháu đều đạt loại giỏi thì bị ảnh hưởng đến kết quả học tập chung của học kỳ hay cuối năm”. Còn anh Nguyễn Tuấn Anh có con đang học tại Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh) phân vân: “Mọi năm, điểm số học lực của cháu được tính tổng điểm tất cả các môn học rồi chia ra lấy điểm trung bình, từ đó sẽ biết học lực đạt loại khá hay giỏi. Tuy nhiên, từ học kỳ 2 năm học 2011-2012 Bộ GD-ĐT áp dụng theo hình thức mới nên chúng tôi đang lo không biết cách xếp loại học lực như thế nào? Liệu hình thức mới này có phân minh, rõ ràng như cho hẳn điểm ở từng cột hay không?”.
Theo Quy chế 40 của Bộ GD-ĐT về đánh giá, xếp loại trung bình kết quả học tập các môn học, ở điều 6, mục 2 ghi là cho điểm theo thang điểm từ 0 đến 10 điểm, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm này khi ghi kết quả đánh giá xếp loại. Từ quy chế này, cô Lâm Hồng Lê Phy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (quận 3), cho biết: HS đạt loại giỏi, điểm trung bình các môn phải từ 8,0 trở lên, ba môn (âm nhạc, mỹ thuật, thể dục) phải đạt loại giỏi hoặc khá; còn nếu một trong ba môn bị trung bình thì học lực sẽ xuống loại khá. Sang học kỳ 2 năm học này sẽ áp dụng hình thức đánh giá, xếp loại mới: đánh giá theo hai mức là đạt hay không đạt sẽ dễ hơn cho các em HS vì nếu đạt thì vẫn giữ mức xếp loại chung cho học lực của các em. Vì thế, phụ huynh không nên băn khoăn, lo lắng vì dù ở hình thức nào thì GV và ban giám hiệu vẫn đảm bảo được sự công bằng cho các em HS trong cách đánh giá kết quả học tập.
Khó có thể xảy ra tiêu cực
Để tránh tình trạng xảy ra tiêu cực ở ba môn học đánh giá HS bằng nhận xét, Ban giám hiệu Trường THCS Lê Lợi (quận 3) đã quyết định: Tất cả các bài kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết và học kỳ GV đều phải chấm điểm bằng bút chì trước rồi căn cứ vào điểm để xếp loại cho các em. Cô Lâm Hồng Lê Phy lý giải: “Việc cho điểm rồi quy từ điểm để xác định cho HS đạt loại gì rất chính xác, tránh được việc chấm điểm theo cảm tính. Chẳng hạn, môn thể dục có những phần nhỏ như chạy tính bằng giây, nhảy xa tính bằng mét, nếu áp dụng bằng điểm là chính xác theo từng giây, từng mét”.
GV Trường THCS Bình Tây (quận 6) cũng áp dụng hình thức tương tự như Trường THCS Lê Lợi. Cô Phạm Thị Tuyến, GV dạy môn âm nhạc, cho hay: “Chúng tôi dựa vào mức điểm để nhận xét HS cho chính xác. Chẳng hạn: loại giỏi từ 9-10 điểm, loại khá từ 7-8 điểm, loại trung bình từ 5-6 điểm, loại yếu là dưới 5. Vì thế, tất cả các bài kiểm tra từ trắc nghiệm, viết đến thực hành đều nhận xét rõ ràng, GV khó có thể bênh vực em này em kia. Hơn nữa, môn học này chúng tôi không thể yêu cầu các em học như ở nhạc viện mà chỉ cần các em có sự cố gắng thì để đạt loại giỏi, khá là rất dễ”.
Những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh không phải là thiếu căn cứ nhưng hầu hết GV đều khẳng định rằng, dù ở hình thức đánh giá nào nếu GV muốn tiêu cực cũng có thể làm được, điều cốt lõi vẫn là ở cái tâm, lòng tự trọng nghề nghiệp của GV. Cô Lê Thị Ngọc Loan, GV dạy môn âm nhạc, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) cho rằng: “Đánh giá bằng cho điểm hay nhận xét đều có thể xảy ra tiêu cực, nếu GV muốn bênh vực em này em kia cũng được vì quyền cho HS loại nào, điểm nào nằm trong tay GV. Tuy nhiên, nếu làm điều này GV cũng không dễ gì “qua mặt” được các em HS, như thế sẽ mất uy tín trước HS. Việc đánh giá năng lực HS bằng cách nhận xét, GV không thể làm theo cảm tính bởi vì HS cũng có cách nhìn nhận, đánh giá GV khá chính xác. Chẳng hạn, khi chấm bài thực hành, GV cho HS trình bày một nhạc phẩm nào đó, nếu em hát sai lời, sai nhạc thì thử hỏi làm sao GV có thể cho em đó loại giỏi trước tất cả HS trong lớp. Nếu nhận xét không đúng, chắc chắn HS sẽ cho rằng GV không có trình độ chuyên môn và sẽ thắc mắc liền. Vì thế chúng tôi đều cố gắng để nhận xét các em một cách khách quan nhất”.
Bài, ảnh: Dương Bình
“Việc đánh giá năng lực HS bằng cách nhận xét, GV không thể làm theo cảm tính vì HS có cách nhìn nhận, đánh giá GV khá chính xác. Chẳng hạn, khi chấm bài thực hành môn âm nhạc, nếu HS nào đó hát sai lời, sai nhạc thì thử hỏi làm sao GV có thể cho loại giỏi trước tất cả HS trong lớp”, cô Lê Thị Ngọc Loan, GV dạy môn âm nhạc, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) chia sẻ. |
Bình luận (0)