Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM yêu cầu cải cách thủ tục hành chính phải thực chất

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 29-11, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch về hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác công – tư, khuyến khích đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025.


Để hỗ trợ doanh nghiệp, UBND TP yêu cầu các sở, ban, địa phương chủ động thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách thực cht, trong đó tập trung một s lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiu phin hà

Kế hoạch được ban hành nhằm theo dõi sát tình hình hoạt động, chủ động nắm bắt các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế, khắc phục các khó khăn để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đảm bảo thu ngân sách nhà nước và chi thường xuyên.

Có giải pháp thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác công – tư, tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới, thúc đẩy khởi nghiệp, tăng cường các biện pháp khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quy mô, nâng cao khả năng cạnh tranh ở khu vực và quốc tế.

Các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn sau đại dịch Covid-19 gồm: Hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu hàng hóa; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ người lao động; hỗ trợ thuế, hải quan.

Trong đó, đối với hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính, UBND TP yêu cầu  các sở, ban, ngành thành phố, UBND quận, huyện thành phố Thủ Đức chủ động triển khai thực hiện một cách thực chất, trong đó tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp.

Cụ thể là các lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, môi trường, lao động…; cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, các thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành, không ban hành các điều kiện kinh doanh mới không thực sự cần thiết hoặc có hiệu quả quản lý thấp hơn hiệu quả về kinh tế, xã hội.

Đẩy nhanh triển khai dịch vụ công cấp độ 4 một cách toàn diện tất các lĩnh vực thủ tục hành chính ở tất cả các cấp phù hợp quy định pháp luật. Tiếp tục giảm thiểu số lượt thanh, kiểm tra doanh nghiệp, theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra, kiểm tra. Cải cách mạnh mẽ hơn về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Không ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, người dân; trường hợp đã ban hành thì phải rà soát, sửa đổi ngay theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 88 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2023.

Bên cạnh các hỗ trợ trên là các giải pháp, nhiệm vụ thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác công – tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quy mô, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Với kế hoạch này, UBND TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các giải pháp theo kế hoạch này; định kỳ báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15-12 hằng năm.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch, định kỳ báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố trước ngày 31-12 hằng năm.

Các sở, ban, ngành thành phố, UBND  thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động nghiên cứu thực hiện theo phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ.

N.Trinh

 

Bình luận (0)