Ngày ngày ra vào trường gặp phụ huynh tươi cười chào hỏi, tôi cảm thấy vui trong lòng. Sự “tôn sư trọng đạo” thể hiện từ những việc như thế. Vậy mà khi xảy ra chuyện gì, sự “tôn sư trọng đạo” ấy tạm thời họ quên, ngay cả trước mặt con mình. Phụ huynh vì nóng ruột chờ con mình có thể “trút cái giận” lên cô giáo.
1. Tan học buổi trưa, ba em HS đi ra cổng, một em nhặt được con dao dí vào cổ một em khác, thế là cả ba lẫn mẹ em bị dí dao dẫn ngược con vào trường để trách nhà trường: Dạy HS như thế nào để nó dí dao vào người khác, nếu con tôi xảy ra chuyện gì cô có chịu trách nhiệm được không?, rồi đề nghị cô giáo phải đến nhà em đã dí dao vào con mình… trong khi cô còn phải trông mấy chục HS bán trú.
2. Tan học buổi trưa, hoặc ở nhà vừa ăn cơm xong (chưa đến buổi học chiều), một nhóm HS kéo nhau cặp theo đường rày xe lửa, men theo con suối để bắt cua bắt cá… Người đi đường đến báo nhà trường, ban giám hiệu gọi cho phụ huynh, thì phụ huynh nói phải đi làm, hoặc nói ai biết giờ học nó đâu… Vì lo cho HS, tôi phải “nhờ” bảo vệ của trường tới kêu hoặc rước các em về. Tan trường đã quá 45 phút, người dân vào trường báo có vài HS đang đứng trên thành cầu rất nguy hiểm. Tôi lại “vận động” bảo vệ ra xem và nhắc nhở. Còn phụ huynh ở nhà khi biết chuyện thì nói “tôi đi làm rồi!”.
3. Tan học buổi chiều đã lâu (18 giờ) mà em nữ sinh lớp 4 vẫn chưa ai đón, sự việc cứ tiếp diễn ngày này qua ngày nọ do phụ huynh phải đi làm… chưa về kịp. Do đó, khi thì tôi, lúc cô hiệu phó phải ở lại trường “trông em” vì phân công nhân viên thì sợ vi phạm Luật Lao động, về thì không đành khi nhìn em buồn, mỏi mắt chờ người nhà, trong khi đó trường chỉ còn một bảo vệ là nam… Phụ huynh nghĩ giao con cho nhà trường – nơi giáo dục là an toàn nhất! Còn tôi buộc phải nghĩ xa hơn…
4. Phụ huynh nghe con nũng nịu đòi quà trước cổng trường cũng chiều theo, nhiều phụ huynh như thế nên người bán hàng rong cứ tụ tập trước cổng trường. Hậu quả để lại là rác và rác… nhà trường phải “nhờ nhà dân gần đó quét giùm – tuy nhờ nhưng có kinh phí kèm theo”; có khi “vận động” phục vụ của trường – vận động nhưng cũng có bồi dưỡng… tất cả để đảm bảo: “Cổng trường em sạch – đẹp – an toàn”.
Có thể nói, hết một ngày làm việc không có việc gì xảy ra là một niềm vui đối với người quản lí; hết một ngày làm việc về nhà đã lâu nhưng còn nghe và tiếp một phụ huynh qua điện thoại: Giờ này sao con tôi chưa về?… thì hỡi ôi, buồn lắm! Cái hậu cần phải giải quyết, có an tâm không khi thốt lên: Trường tôi hôm nay cho về đúng giờ nhưng tại phụ huynh không đón đúng giờ… Chắc câu nói không có duyên tí nào.
Trần Mỹ Lệ
(Hiệu trưởng Trường TH Bình Quới, Q.Thủ Đức)
Bình luận (0)