Muốn trở thành người có ích cho xã hội, trước hết các em học sinh phải học tập tốt (ảnh minh họa). Ảnh: Tường Vy |
Từ Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, em Thế Hưng (học sinh lớp 10 văn) gửi cho tôi bức thư giãi bày sự bức xúc giữa em và mẹ về chuyện viết lách, quan hệ bạn bè và học tập.
Em viết: Em có niềm đam mê viết báo từ nhỏ. Em thích cái cảm giác lâng lâng mỗi khi đi bộ ra bưu điện gửi thư rồi hét toáng cả nhà khi được cầm tờ báo biếu trên tay. Một lần, hai lần, ba lần… cho đến khi em nhận được một lá thư của một bạn phương xa gửi đến ngỏ ý muốn kết bạn với em.
Nhưng mọi việc không suôn sẻ từ khi mẹ em đã lén đọc lá thư của bạn ấy. Ngay lập tức, mẹ yêu cầu em chấm dứt tình bạn “nhăng nhít” với người bạn ấy với lí do “đây là tình bạn khác giới và nghĩ nó sẽ làm ảnh hưởng tới việc học tập”. Sự việc ngày càng nghiêm trọng hơn khi mẹ yêu cầu em: ngừng viết báo. Đó thực sự là cú sốc đối với một người thiết tha đam mê viết báo như em. Khi em hỏi lí do, mẹ chỉ nói: “Viết vài ba cái lăng nhăng để kiếm vài đồng để rồi đầu óc cứ chúi vào đó thì học hành cái nỗi gì!”. Em giận mẹ, bỏ cơm, rồi khóc. Em đã cãi mẹ: “Con lớn rồi, mẹ không có quyền, mẹ phải cho con một khoảng trời riêng chứ!”. Giận quá, mẹ đã tát em. Em rất mong thầy giúp em hiểu trong chuyện này, em đã sai hay đúng?
Tôi trả lời em rằng: Bị mẹ ngăn cản và phủ nhận hai điều em tâm đắc: Một là mở rộng giao lưu với bạn bè bốn phương đặc biệt với bạn nữ; hai là đam mê viết báo phải không? Khi em phản ứng lại với ngôn ngữ đầy vẻ cứng cỏi, xem ra cũng có lý, đã bị mẹ “giận quá” và trừng phạt bằng cái tát khó quên. Ở phép hành xử này nếu nhìn dưới góc độ hiện tượng mẹ em đã thể hiện sự suy nghĩ giản đơn theo kiểu “vơ đũa cả nắm” cùng một thói quen cổ hủ rất cần rút kinh nghiệm của các bậc phụ huynh xưa nay là luôn lấy quyền uy để dạy dỗ, ra lệnh, áp đặt con cái phải làm theo mình và cho rằng ý mình là ý trời, nên cứ con cự lại thì cho rằng “Con cãi cha mẹ trăm điều con hư”. Hậu quả của việc cha mẹ không “thèm” lắng nghe con dù con ở tuổi “vị thành niên” đã khiến không ít những bi kịch đáng tiếc xảy ra. Mẹem cũng không ngoài những điều chung ấy. Vấn đề là làm sao từng bước để mẹ thay đổi nhận thức, thay đổi thái độ hành xử theo xu hướng đổi mới tư duy; luôn coi con là chủ thể độc lập rất cần được chia sẻ, lắng nghe và tôn trọng. Để làm được việc này không thể một sớm một chiều mà phải kiên nhẫn thuyết phục mẹ bằng nhiều cách thôi. Thay bằng việc em phản ứng lại mẹ một cách quá bộc trực khiến cho quyền làm mẹ bị tổn thương thì em nên bình tĩnh chấp nhận; sau đó có thể chọn thời cơ tỉ tê tâm sự lại với mẹ; cộng thêm việc nhờ người thân có uy tín trong gia đình, dòng họ hoặc bạn bè thân thiết của bố mẹ; nhất là nhờ thầy cô giáo chủ nhiệm hay trực tiếp dạy văn đến nhà phân tích thuyết phục giùm; chắc chắn không trước thì sau mẹ em cũng nghe ra. Như vậy “khoảng trời riêng” của em không những được bảo vệ mà còn được tạo điều kiện để nó đẹp hơn, mênh mông hơn đấy !
Nói như vậy không có nghĩa trong sự việc này mẹ em hoàn toàn sai và em hoàn toàn đúng. Nghiêm khắc công bằng nhìn lại mình theo tinh thần cầu thị “Tiên trách kỷ hậu trách nhân” em sẽ thấy mình cũng phải chịu phần trách nhiệm đã hữu ý hoặc vô tình “gieo gió” để “gặt bão” nơi mẹ đấy. Này nhé, trong việc em say sưa viết báo và liên tiếp nhiều bài được đăng là điều rất đáng cảm phục và ngợi khen (bởi là trò chuyên văn em biết kết hợp học văn với tập viết văn và bước đầu thành công vậy là rất quý). “Cái cảm giác lâng lâng mỗi khi đi bộ ra bưu điện gửi thư rồi hét toáng cả nhà khi được cầm tờ báo biếu trên tay” đó là tâm trạng hạnh phúc thăng hoa khi được gặt hái những trái chín đầu mùa của em cũng là của bất cứ ai thích thú chuyện viết lách. Song rất có thể sự say sưa đó nếu không tỉnh táo sẽ cuốn em vào vòng xoáy của đam mê nghề viết báo quá sớm. Trong khi đó em mới là học sinh lớp 10. Nhiệm vụ số một của em hiện nay là hoàn thành xuất sắc chương trình phổ thông. Nếu không kịp điều chỉnh sẽ dễ dàng “ngủ quên trên chiến thắng”. Và như vậy rất có thể lời cảnh báo của mẹ em “Viết vài ba cái lăng nhăng kiếm vài đồng để rồi đầu óc cứ chúi vào đó thì học hành cái nỗi gì!” có thể là không thừa đâu.
Ngay cả việc em quan hệ với bạn bốn phương, nhất là bạn nữ qua thư nếu em cũng quá miên man trong cảm xúc cháy nồng; để vì nó mà hao tốn thời gian, tâm lực, tư duy khiến việc chú tâm vào học hành phần nào bị xao lãng thì cũng đáng trách lắm chứ?
Tôi luôn mong em biết: “Trước khi nhìn lên bầu trời đừng quên nhìn xuống mặt đất” để trước khi trở thành nhà báo chuyên nghiệp sẽ là một học sinh giỏi xuất sắc!
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký
Bình luận (0)