Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khi lời phê trở thành “con dao hai lưỡi”

Tạp Chí Giáo Dục

Sự quan tâm của thầy cô đến HS được thể hiện qua lời phê trong bài kiểm tra, sổ liên lạc (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: N.Anh

Những lời phê kiểu như lăng mạ, mắng học sinh (HS) là bị điếc, bị mù, dốt nát, lười biếng… khi HS bị điểm kém hoặc khi các em đạt điểm 8, điểm 9 nhưng thầy cô vẫn phê là tàm tạm, cần cố gắng hơn sẽ khiến các em cảm thấy bị tổn thương. Việc thầy cô cứ “vung bút phang bừa” như trút giận vô tình làm nhụt ý chí phấn đấu của học trò.
Phẫn nộ vì… lời phê
Các em HS thường có cảm giác tức giận hay ác cảm với thầy cô khi nhận những lời phê cụt ngủn, lạnh lùng trong bài kiểm tra hay trong phiếu liên lạc. Để “hóa giải” cục tức chẹn ngang họng, các em chọn cách thi nhau “kể tội” thầy cô. “Nghĩ sao mà “bả” cho tao xơi nguyên con ngỗng mập ú, đã thế lại còn phê “copy bài bạn bên cạnh”, con nhỏ đó không nhìn bài tao thì thôi chứ tao mà thèm nhìn bài nó à. Ngu như nó tao không cho nhìn bài thì có mà về nhà luộc trứng ăn không hết, được năm điểm là còn may”. Một bạn nữ Trường THCS H.V.T (Q.Tân Bình) hả hê xả cục tức với các “đồng minh” đang đứng ngoài cổng trường, rồi lấy bài kiểm tra từ trong cặp ra làm chứng. Các “đồng minh” nhìn xong cũng gục gặc đầu: “Mày học hóa hơn nhỏ đó mà sao “bả” lại phê vậy?”. Hứng chí vì có “đồng minh” ủng hộ, nữ sinh này đã xé rẹt bài kiểm tra làm bốn phần thả xuống đất rồi thản nhiên đưa chân đạp lên. Vừa bị điểm thấp, lại bị phê copy bài bạn nên nữ sinh này trở nên tức giận, hỗn hào gọi cô giáo là “bả” và ra sức nói xấu bạn mình cho hả dạ.
Đôi khi thầy cô lại “vung bút” vào khung lời phê mang tính xúc phạm HS. Như tâm sự của H.M, HS lớp 12A9 Trường THPT H.T: “Vì muốn tụi em làm quen với thi trắc nghiệm môn Anh văn nên cô giáo đã cho làm kiểm tra giống như làm bài thi. Từ tô mã đề vào bài kiểm tra, không được dùng bút xóa, dùng bút chì và tẩy, câu chọn thì tô đen… và  cô đã nhắc đi nhắc lại là phải làm đúng như thế. Thế nhưng, không hiểu sao lúc ấy em lơ là chỉ cắm cúi vào cái đề bài mà quên không tô mã đề. Khi nộp bài em quên không kiểm tra lại nữa. Hôm phát bài kiểm tra em chưng hửng vì bài không được chấm điểm mà còn có lời phê nguệch ngoạc: “Tôi đã dặn ghi mã đề em điếc hay sao không nghe”. Không chỉ bài của em mà trong lớp có hai bạn khác cũng bị trường hợp tương tự thì cô phê là “Em tự cho điểm mình đi hay em mang về cho ba mẹ em chấm”. Chưa bao giờ em thấy những lời phê lại trở nên vô cảm, lạnh lùng đến thế”.
Tác dụng ngược từ lời phê vô cảm
Theo lẽ thường, những lời phê ngọt như mía lùi sẽ khiến HS có động lực cố gắng học tập tốt hơn. Ngược lại, những lời phê “xấu xí” sẽ làm nhụt ý chí HS dẫn đến bỏ mặc việc học, sinh tật nói dối…
Câu chuyện của em K.Đ, HS lớp 11 chuyên toán Trường THPT Q.T (tỉnh Bình Phước), kể về một lời phê của cô giáo suýt nữa đã làm em phải từ bỏ niềm đam mê của mình. “Khi học lớp 8, tổng kết học kì I cô phát sổ liên lạc. Trong đó, cô giáo phê “Học dốt môn toán” (điểm tổng kết của Đ. chỉ 4,8). Vốn rất thích học toán, em có thể ngồi hàng giờ chỉ để giải cho ra một bài toán hình học hoặc tìm “m” ẩn số của một bài toán đại số. Thế mà, trong khi làm bài thi em đã chủ quan tính sai nghiệm dẫn đến vẽ sai đồ thị kéo theo kết quả hai câu còn lại cũng bị sai luôn. Bài thi được 3 điểm. Vậy là, em “lỗi hẹn” với danh hiệu học sinh giỏi chưa từng bị gián đoạn suốt bảy năm. Suốt một học kì II em cứ tàn tàn mà học, thời gian trước đây dành giải toán thì thay vào đó là chơi game, la cà quán nước… Em còn nói dối xin tiền học thêm để theo mấy anh chơi bida, cá độ đá gà, khi thua phải cầm cả xe đạp. Chưa kể cứ đi học thể dục là cúp ngang, học hai tiết em trốn nguyên cả buổi. Kết quả cuối năm, em phải thi lại hai môn toán và hóa. Ba tháng hè, trong khi bạn bè được đi chơi thì em phải đi học để thi lại. Thỉnh thoảng, lại nghe ba mẹ dọa: “Nếu lần này không lên lớp được thì ra đường mà ở”, thấy cũng xấu hổ. Dù bị trầy trật nhưng em cũng thi đậu. Lên được lớp 9, em tự hứa nối lại danh hiệu học sinh giỏi bị đứt đoạn một năm và phải đường đường chính chính đậu vào lớp chuyên toán. Sau này, em mới biết lúc phê vào sổ liên lạc, cô giáo rất thất vọng vì cô đã hi vọng em là một HS giỏi ai ngờ lại bị yếu. Cô không nghĩ em làm bài được 3 điểm. Cô phê “Học dốt môn toán” để em cẩn thận hơn, cố gắng hơn không ngờ lại phản tác dụng”.
Có thể nói, lời phê của thầy cô sẽ giúp cho các em HS biết mình sai ở chỗ nào như gạch chân những chữ sai chính tả, một dấu ngoặc vuông ở những đoạn lạc đề, diễn đạt chưa trôi chảy hoặc chỉ ra sai số của phương trình hóa học mà các em cứ cho là đúng… Được như thế thì dù bị điểm thấp do một phút lơ đễnh, các em cũng cảm thấy mình vẫn nhận được sự quan tâm mà cẩn thận hơn cho bài làm sau.
Không phải ngẫu nhiên xuất hiện khung “lời phê của giáo viên” trong bài kiểm tra hay sổ liên lạc của HS. Khung lời phê là cây thước vô hình đo tình yêu thương của thầy cô dành cho học trò mình. Tuy chỉ vài dòng chữ như: “Cô sẽ chờ kết quả tốt đẹp của em vào lần sau” hay “Em có tiến bộ nhiều, cố gắng nữa nhé…” sẽ làm các em HS sung sướng quên ngay cảm giác “tội lỗi” không chú tâm học tập.
Quyên Phạm
Lời phê của thầy cô sẽ giúp cho các em HS biết mình sai ở chỗ nào như gạch chân những chữ sai chính tả, một dấu ngoặc vuông ở những đoạn lạc đề, diễn đạt chưa trôi chảy hoặc chỉ ra sai số của phương trình hóa học mà các em cứ cho là đúng…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)