|
Dù đã nghỉ hưu 10 năm nay, nhưng hàng ngày bà Nguyễn Thị Vĩnh – Chủ tịch Hội Khuyến học quận Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) – vẫn lặng lẽ đi khắp các ngõ phố vận động những tấm lòng hảo tâm tiếp sức học trò nghèo đến trường.
1. Tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Vinh năm 1964, cô giáo trẻ quê gốc tỉnh Hòa Bình về nhận công tác tại Ty Giáo dục tỉnh này. Miền Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt vừa là hậu phương cung cấp nguồn lực con người, thực phẩm cho chiến trường vừa đón hàng ngàn con em đồng bào miền Nam ra sinh sống và học tập. Được tiếp xúc cùng nhiều học sinh con em miền Nam với khát vọng học tập là động lực thôi thúc, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Vĩnh luôn hướng về công tác khuyến học. Đến năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, cô giáo Vĩnh theo chồng về dạy học ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thuộc tỉnh Quảng Đà (nay là Quảng Nam và Đà Nẵng). Chính những năm vừa dạy chuyên môn vừa làm công tác xã hội, được tiếp xúc với nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn càng nhen nhóm trong lòng cô giáo ấy tình yêu thương san sẻ. “Hồi mới giải phóng, Quảng Đà còn nghèo lắm. Học trò đến lớp mỗi năm học chỉ có độc một bộ quần áo. Đi học xa nhà hàng chục cây số, từ Quảng Nam lặn lội đến tận Đà Nẵng, thế nhưng em nào cũng có tinh thần hiếu học và học giỏi”, cô giáo Vĩnh nhớ lại.
2. Có thâm niên làm công tác giáo dục hơn 30 năm, cô giáo Vĩnh thấu hiểu sự khó khăn của người nông dân cũng như thiệt thòi của các em học trò nghèo. Vì thế, vừa nghỉ hưu là cô tình nguyện tham gia công tác khuyến học. Với cô, làm công tác giáo dục thì không nghỉ ngơi. Ở bất cứ cương vị nào, người thầy giáo cũng cần có sự nhiệt tình và lòng yêu trẻ, bởi hơn ai hết chính họ hiểu rằng ở cái xứ sở này, đa phần học trò xuất thân từ con em ngư dân, nếu không hỗ trợ kịp thời thì các em sẽ thất học. 10 năm nghỉ hưu – chừng ấy thời gian cô giáo Vĩnh tình nguyện làm công tác khuyến học, cô cùng Hội Khuyến học đã giúp hàng trăm em học sinh nghèo vượt qua hoàn cảnh, số phận, vươn lên học hành thành đạt.
Địa bàn quận Thanh Khê đa phần hộ dân sống nhờ vào nghề đánh bắt cá bằng các phương tiện đơn sơ, tàu thuyền công suất nhỏ, thu nhập bấp bênh, trong khi đó nguồn lợi thủy sản gần bờ ngày càng cạn kiệt nên nhiều gia đình nằm trong diện nghèo và cận nghèo. Đó là chưa kể, cứ qua mỗi trận bão lớn, sóng biển giận dữ cướp đi hàng chục sinh mạng ngư dân – những trụ cột gia đình. Nhiều gia đình lâm vào cảnh vợ mất chồng, con mất cha. Những đứa trẻ ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới ấy nếu không được hỗ trợ kịp thời thì các em sẽ chịu cảnh thất học. Còn nhớ cơn bão Chanchu năm 2006 đã lấy đi sinh mạng rất nhiều ngư dân, đẩy hàng chục học sinh vào cảnh mồ côi nghèo khó. Cô giáo Vĩnh đã đi khắp nơi vận động các gia đình nhận đỡ đầu cưu mang con em, vừa động viên các em không bỏ học giữa chừng. Cô Vĩnh trải lòng: “Tôi luôn trăn trở với người nghèo, đặc biệt là các cháu học sinh thiệt thòi do mất cha trong các trận bão ngoài biển khơi. Hồi tôi mới nghỉ hưu, phong trào khuyến học chưa được phát triển như bây giờ. Đối với nhiều ngư dân, một khi bát cơm hàng ngày còn chưa đủ thì việc học cũng không để làm gì. Tôi vừa làm công tác vận động học sinh vừa phải động viên phụ huynh dành thời gian cho con cái đến trường. Bây giờ, nhiều người đã hiểu ra rằng nhờ có con chữ, cái nghèo đói mới thực sự được đẩy lùi”.
3. Với phương châm mưa dầm thấm lâu, ngày càng có nhiều nhà hảo tâm “ra tay” hỗ trợ cô tiếp sức học trò nghèo. 10 năm rong ruổi trên khắp các nẻo đường, cô Vĩnh cùng Hội Khuyến học quận Thanh Khê vận động được gần 3 tỷ đồng để cấp học bổng và trao tặng hàng trăm chiếc xe đạp giúp học sinh nghèo tới trường. Điều đặc biệt, cứ sau mỗi lớp học sinh từng được cô giáo Vĩnh giúp đỡ rời giảng đường đại học lại mang về nhiều nguồn vận động khác để giúp các thế hệ sau. Với cô giáo Vĩnh, đó là điều đáng quý nhất trong cuộc đời hơn 40 năm làm công tác giáo dục và tình nguyện vì học trò nghèo của cô. Sự tận tình cùng tấm lòng nhân ái thơm thảo của cô được lan tỏa ngày càng rộng rãi.
Lắm khi thấy cô lang bạt dưới cơn mưa tầm tã để vận động học bổng cho học sinh, nhiều người lắc đầu cho rằng cô bị hâm, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Những lần nghe được, cô chỉ cười hiền. Bên cô luôn có sự động viên cổ vũ hết mình của chồng, con. Đến cả những đồng tiền phụ cấp xăng xe ít ỏi trên cương vị Chủ tịch Hội Khuyến học quận, cô cũng dành để hỗ trợ thêm cho các em. Cô bảo, nếu mình chỉ biết sống cho riêng mình thì có lẽ có rất nhiều các cháu nay đã thất học. Mình bỏ công sức ra mà hàng chục học sinh có được tương lai tươi sáng thì việc làm đó không hề vô nghĩa.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Cô Nguyễn Thị Vĩnh đến với công việc bằng cái tâm và lấy thành tích học tập của con em làm niềm vui, lẽ sống. |
Bình luận (0)