Không ngại khó, dấn thân và sáng tạo là nét mới của sinh viên (SV) trong mùa thực tập này.
SV khoa Kiến trúc (ĐH Xây dựng Hà Nội) thực tập nửa tháng xuyên Việt từ Hà Nội đến TPHCM. Một số thành viên của hành trình này cập nhật liên tục hình ảnh và thông tin về kỳ thực tập đặc biệt trên Facebook thu hút sự quan tâm của đông đảo SV.
Sinh viên thực tập làm bánh tại trường Kinh tế du lịch Hà Nội. Ảnh: Hải Yến .
Nguyễn Trí Thức (Khoa xây dựng – ĐH Kiến trúc Hà Nội) ra công trường, đội gió, đội rét cùng công nhân ở Tổng Cty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị Udic. Thức chia sẻ: "Thực tế sẽ cho mình kiến thức cụ thể từ cách buộc thép, cách đổ bê tông đến nghiệm thu. Thực tập ở công trường có nhiều khác biệt, SV sẽ vất vả hơn, nhưng hầu hết thấy đi công trường là may mắn vì có cơ hội cọ xát và áp dụng kỹ năng nhanh nhất".
Thường xuyên đi thực tế từ năm thứ hai, Phạm Xuân Trường (lớp K49, Cầu đường bộ B – ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội) nhập vai hành nghề khoan cắt, đo đạc đường, làm việc tại xưởng hàn tiện. Năm thứ 3, Trường đi Hòa Bình lấy mẫu đất về phân tích và năm thứ 4 đi thực tập tại công trường.
“Với ngành của mình, cách học tốt nhất là thực tế tại công trường. Mình không ngại vất vả, hy vọng trong thời gian thực tập sẽ phát hiện được điểm mạnh, điểm yếu để có hướng phát triển sau này”, Trường chia sẻ.
Nhiều SV coi mùa thực tập là dịp trải nghiệm và rèn luyện. Hồng Nhung (khoa Quan hệ công chúng K28 – Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tìm đến Cty truyền thông Smart Media để bắt đầu một mùa trải nghiệm. “Mình không muốn thực tập ở nơi không được giao việc hay phải làm những việc lặt vặt như pha trà, lau dọn, photocopy…nên đã chủ động liên hệ. Hy vọng trong 3 tháng làm nhân viên tập sự sẽ học được nhiều kinh nghiệm tổ chức sự kiện”, Nhung chia sẻ.
Để tự tin khi gia nhập Cty, Nhung dành nhiều thời gian tìm hiểu về công việc, văn hoá Cty, thời gian làm việc và chuẩn bị một số kỹ năng, kiến thức cần thiết.
Đoàn Đình Tỉnh (Khoa Công nghệ thông tin – ĐH Bách khoa Hà Nội) trở nên chững chạc hơn với quần tây, áo sơ mi khi đến thực tập tại Cty Viettel Software. “Thực tập là dịp tốt để tích lũy kinh nghiệm, giúp mình tăng khả năng chịu áp lực công việc nhưng đồng thời cần phải chủ động để tạo dựng được những mối quan hệ tốt. Dịp này cũng là cơ hội tìm hiểu yêu cầu thực tế của các Cty tuyển dụng để có định hướng sau này”, Tỉnh chia sẻ.
Nguyễn Thị Phượng (K47 khoa Quản trị kinh doanh – ĐH Ngoại thương Hà Nội) thực tập tại Ngân hàng Quân đội cho rằng, được ở lại làm việc tại các Cty sau kỳ thực tập là mong muốn của hầu hết bạn trẻ, vì vậy các bạn luôn chuẩn bị kỹ cho kỳ thực tập, sẵn sàng dấn thân và nỗ lực khẳng định.
Để có được những vị trí học nghề tốt, nhiều SV đã săn thông tin và nộp đơn thi tuyển một tháng trước khi chính thức bước vào mùa thực tập. “Nhiều anh chị khoá trước tìm được việc ngay trong kỳ thực tập nên bọn mình cũng đặt nhiều kỳ vọng”, Phượng nói.
Một số SV lo ngại bị khớp khi gia nhập môi trường công sở, loay hoay trong xử lý tình huống công việc. Thế Minh (SV năm cuối, ĐH Thương mại) cho rằng để khắc phục điều này các bạn nên mạnh dạn hơn, không biết thì chủ động hỏi.
Kinh nghiệm bỏ túi
Bùi Việt Ninh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty cổ phần dịch vụ ngoại thương WCO cho rằng SV đi thực tập cần nhất là kỹ năng giao tiếp và tính chủ động học hỏi. “Chịu khó quan sát, cầu thị là những yếu tố cần có khi bạn đi học nghề”, Việt Ninh chia sẻ.
Cty của Ninh thường xuyên có SV trong và ngoài nước đến thực tập. Ninh cho hay nhiều SV Việt Nam còn thụ động, chưa dám đề xuất công việc, hướng giải quyết. Trong khi SV nước ngoài, không chỉ chủ động trong công việc mà còn chủ động giao tiếp, học văn hoá Việt Nam.
Hải Yến – Phương Thảo
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)